Đak Pơ: Nhân rộng mô hình, cách làm hay bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo nhằm nâng cao ý thức, thay đổi hành vi của người dân trong bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nhiều mô hình hiệu quả
Ông Phan Hữu Hạnh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn An Phú (xã Phú An) cho biết: Mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT” gắn với “Phân loại rác thải” do Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã triển khai tại thôn từ cuối tháng 6-2022. Theo đó, thôn được các đơn vị tặng 50 chiếc sọt nhựa đựng rác, 2 xe đẩy rác và hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt. Cụ thể, rác được chia thành 2 loại, trong đó, rác hữu cơ được đưa ra sau vườn ủ bón cho cây trồng, rác thải là túi ni lông được thu gom riêng bỏ vào xe rác. Vào sáng thứ năm hàng tuần, các hộ dân luân phiên đẩy xe rác ra đường lớn để xe chở rác của Đội Công trình giao thông huyện mang đi xử lý.
“Cùng với đó, mỗi tháng 1 lần, thôn huy động người dân ra quân dọn dẹp vệ sinh nên đường làng ngõ xóm sạch sẽ hơn. Đặc biệt, tình trạng rác thải vương vãi dọc đường không còn; việc người dân đổ trộm rác thải tại một số điểm thưa dân cư hay dọc bờ suối cũng giảm. Bà con còn trồng hoa trước sân nhà để tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp”-ông Hạnh cho hay.
Từ khi được hỗ trợ xe đẩy rác, người dân thôn An Phú (xã Phú An) đã bỏ rác đúng quy định để bảo vệ môi trường. Ảnh: Nhật Hào
Từ khi được hỗ trợ xe đẩy rác, người dân thôn An Phú (xã Phú An) đã bỏ rác đúng quy định để bảo vệ môi trường. Ảnh: Nhật Hào
Theo bà Phạm Thị Phước-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú An: Trước đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã phối hợp với Hội Nông dân và Hội LHPN xã thành lập mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT” tại thôn An Phong và tuyến đường “Xanh-sạch-đẹp” tại thôn An Hòa. Các mô hình hiện duy trì hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức cũng như thay đổi hành vi của người dân trong tham gia BVMT.
Tại xã Cư An, bà Lưu Thị Phượng-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho hay: Mới đây, xã được Phòng TN-MT và Hội LHPN huyện tặng 2 chiếc xe đẩy rác để thực hiện mô hình “Thu gom-phân loại rác thải tại nhà” tại thôn Chí Công và An Thuận. Bước đầu, mô hình được triển khai tại thôn Chí Công. “Trước đây, 31 hộ dân của thôn Chí Công sống tại hẻm nhỏ, xe chở rác của Đội Công trình giao thông huyện không vào thu gom được. Người dân phải đổ sau vườn hoặc trước sân nhà để chờ khô rồi đốt. Từ khi triển khai mô hình, rác thải được phân loại bỏ vào xe đẩy rác và mang đi xử lý; đồng thời, thứ 4 hàng tuần, bà con lại tham gia dọn dẹp vệ sinh khu vực công cộng và các tuyến đường nên khu dân cư sạch sẽ hẳn”-bà Phượng chia sẻ.
Tương tự, mô hình “Tuyến đường sáng xanh-sạch-đẹp” được triển khai tại thôn Tân Phong (xã Tân An) cũng đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân trong BVMT. Bà Bùi Thị Hồng Thắm-Chủ tịch Hội LHPN xã-thông tin: Mô hình được Phòng TN-MT phối hợp với Hội LHPN huyện triển khai từ năm 2021. Sau khi tặng 5 thùng rác cùng 60 giỏ nhựa đựng rác, 100 cây hoa giấy, 2 đơn vị đã hướng dẫn người dân cách phân loại rác thải. Ngoài ra, mỗi tháng 1 lần, Hội LHPN xã tổ chức dọn dẹp vệ sinh dọc các tuyến đường. “Hiện nay, mô hình đã được nhân rộng tại tất cả tuyến đường của thôn Tân Phong và một số thôn khác trong xã. Điều đáng mừng là hầu hết hộ dân sống dọc các tuyến đường đều có ý thức tự giác trồng, chăm sóc hoa, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm đoạn đi qua trước sân nhà mình nên còn tình trạng rác thải vương vãi như trước”-bà Thắm nói.
Nhân rộng cách làm hay
Theo bà Nguyễn Thị Liên-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ, để góp phần BVMT, những năm qua, Hội đã phối hợp với Phòng TN-MT và UBND các xã, thị trấn triển khai nhiều mô hình thiết thực. Riêng 3 năm gần đây, đã xây dựng được 6 tuyến đường kiểu mẫu “sáng-xanh-sạch-đẹp” với 312 thành viên, 22 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch xây dựng nông thôn mới”; 24 câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với túi ni lông và rác thải nhựa” và “Thu gom phế liệu BVMT, giúp phụ nữ nghèo”; duy trì 11 tổ thu gom rác thải tại khu dân cư và 73 đoạn đường phụ nữ tự quản về BVMT. “Nhìn chung, các mô hình được triển khai đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao ý thức, thay đổi hành vi của người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng trong BVMT. Qua đó, giúp môi trường sống trở nên xanh-sạch-đẹp hơn”-bà Liên đánh giá.
Phòng TN-MT huyện và Hội LHPN huyện tặng thùng rác để thôn Tân Phong (xã Tân An) thực hiện mô hình Tuyến đường sáng xanh sạch đẹp. Ảnh: Nhật Hào
Phòng TN-MT huyện và Hội LHPN huyện tặng thùng rác để thôn Tân Phong (xã Tân An) thực hiện mô hình Tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Nhật Hào
Bên cạnh xây dựng các mô hình, huyện Đak Pơ cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh để tạo cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Từ năm 2019 đến nay, các ban, ngành, đoàn thể trong huyện đã phối hợp thu gom 11 tấn rác thải, khơi thông 14,253 km cống rãnh, phát quang 18,672 km bụi rậm, động viên hội viên phụ nữ đào 645 hố rác, xây 545 nhà tiêu hợp vệ sinh với tổng kinh phí hơn 11,8 tỷ đồng, trồng trên 2.000 cây xanh. Phòng TN-MT cũng phối hợp với Hội Luật gia và các hội, đoàn thể của huyện tuyên truyền về Luật BVMT, phong trào chống rác thải nhựa; phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng 67 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đặt tại các cánh đồng.     
Trao đổi cùng P.V, ông Nguyễn Phương Thành-Trưởng phòng TN-MT huyện Đak Pơ-thông tin: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn nhân rộng các mô hình về BVMT; tăng cường tuyên truyền Luật BVMT và tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh nhằm từng bước xóa các “điểm đen” về tập kết rác thải tự phát gây ô nhiễm cũng như cải thiện môi trường theo hướng xanh-sạch-đẹp.
NHẬT HÀO
 

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.