Đak Pơ đa dạng sinh kế giúp phụ nữ thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phương tiện sinh kế, tiếp thêm động lực giúp phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.
Năm 2016, vợ chồng chị Đinh Thị Lơnh (làng Groi, xã Ya Hội) ra ở riêng. Do đông con, ruộng rẫy ít nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Nhằm giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn, chị em trong làng thường xuyên hỗ trợ thu hoạch hoa màu, chăm sóc cây trồng, đồng thời cho chị nuôi rẽ 1 con bò. Năm 2019, chị Lơnh vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để thuê 1,8 ha đất trồng keo lai và đầu tư mua phân bón trồng 8 sào mía, 1,5 sào lúa. Những lúc nông nhàn, vợ chồng chị đi làm thuê với thu nhập bình quân 200 ngàn đồng/người/ngày. Chị Lơnh tâm sự: “Số tiền có được từ đi làm thuê, tôi chi tiêu và tiết kiệm trả nợ. Nguồn thu nhập từ rẫy, tôi tái đầu tư phát triển sản xuất. Hiện gia đình có 4 con bò và rẫy keo là nguồn động lực giúp nâng cao thu nhập. Gia đình tôi cũng đã thoát nghèo”.
Chị Đinh Thị Lơnh (bìa phải,làng Groi, xã Ya Hội) được hỗ trợ nuôi rẽ bò và mạnh dạn vay tiền trồng keo, kinh tế ngày càng phát triển bền vững. Ảnh: Ngọc Minh
Chị Đinh Thị Lơnh (bìa phải, làng Groi, xã Ya Hội) được hỗ trợ nuôi rẽ bò và mạnh dạn vay tiền trồng keo, kinh tế ngày càng phát triển bền vững. Ảnh: Ngọc Minh
Mặc dù có đất sản xuất nhưng do thiếu vốn đầu tư nên gia đình chị Đinh Thị Bian (làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ) luôn nằm trong danh sách hộ nghèo. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình chị, năm 2020, Hội LHPN thị trấn tặng 1 con dê và giúp gia đình vay 40 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ. Số tiền này chị Bian mua 1 con bò lai sinh sản, mua phân bón, trồng mới 2,5 ha mía và mì. Ngoài ra, cán bộ, hội viên thường xuyên lui tới hướng dẫn vợ chồng chị cách chăm sóc vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, cây trồng cho năng suất cao, lợi nhuận luôn đạt 150-180 triệu đồng/năm. Chị Bian phấn khởi nói: “Đời sống gia đình giờ ổn định rồi. Hàng năm, tôi duy trì phát triển sản xuất, tích cực chăn nuôi. Đến nay, đàn dê có 6 con, cuối năm bò mẹ sinh sản sẽ tăng lên 3 con”.
Hội LHPN thị trấn Đak Pơ có 7 chi hội với 973 hội viên. Hàng năm, Hội tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, ưu tiên người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế; duy trì mô hình sinh kế “Ngân hàng vật nuôi”; vận động chị em tiết kiệm, tăng nguồn vốn tái đầu tư phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phạm Thị Mỹ Nữ cho hay: “Dựa trên điều kiện thực tế của từng hội viên mà Hội hỗ trợ cây-con giống phù hợp; vận động chị em tham gia các lớp hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do các ngành chức năng tổ chức, giúp chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm phát triển kinh tế. Hàng năm, có ít nhất 2 hộ hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo”.
Mô hình tặng bò và nuôi rẽ bò sinh sản giúp nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Đak Pơ vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Ngọc Minh
Mô hình tặng bò và nuôi rẽ bò sinh sản giúp nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Đak Pơ vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Ngọc Minh
Những năm qua, Chi hội Phụ nữ làng Jun (xã Yang Bắc) cũng có nhiều cách làm hay, thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chi hội trưởng Đinh Thị Em chia sẻ: “Chi hội có 60 hội viên, 99% là người dân tộc thiểu số. Trước năm 2017, Chi hội có 20 gia đình hội viên nghèo. Thực hiện chỉ đạo của Hội cấp trên, chúng tôi triển khai mô hình làm rẫy gây quỹ mua được 3 con bò cho chị em nuôi rẽ. Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, đến nay, chị em tiết kiệm được hơn 300 triệu đồng, chủ động nguồn vốn triển khai mô hình chuyển đổi cây trồng như: cây ăn quả, rau củ, trồng ớt, phát triển chăn nuôi. Đến nay, Chi hội chỉ còn 7 hộ hội viên nghèo”. 
Với những nỗ lực của các cấp Hội LHPN, năm 2021, huyện Đak Pơ đã có 22 gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo, trong đó có 18 gia đình hội viên người dân tộc thiểu số. Có được kết quả này là nhờ các cấp Hội đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, mô hình sinh kế “Ngân hàng vật nuôi” đã hỗ trợ 51 gia đình hội viên với 73 con dê; hỗ trợ 16 con heo sinh sản và 12 con bò có đối ứng cho 28 gia đình hội viên, phụ nữ. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã vận động hội viên phụ nữ giúp 118 ngày công làm nhà mới và quyên góp 40 kg gạo, tiền khám-chữa bệnh cho 3 gia đình hội viên khó khăn có trẻ em mồ côi, khuyết tật ở thị trấn Đak Pơ và xã Hà Tam. Hội cũng duy trì mô hình hỗ trợ hàng tháng cho 3 bệnh nhân nữ mắc bệnh hiểm nghèo, 2 trẻ suy dinh dưỡng; nồi cháo dinh dưỡng cho các trẻ em làng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phú An, Hà Tam... với tổng giá trị hơn 16 triệu đồng. Những hoạt động này giúp nhiều gia đình hội viên phụ nữ vơi bớt khó khăn.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Liên-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ-cho biết: “Thời gian tới, Hội tiếp tục phát động trong cán bộ, hội viên, đồng thời huy động các nguồn lực hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế bền vững cho hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo với phương châm “Giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có đối ứng”; nhân rộng mô hình xoay vòng con giống. Cùng với đó, hướng dẫn hội viên ứng dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để cho năng suất cao. Tạo điều kiện cho chị em người dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn vay nhằm đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần cùng chính quyền địa phương chung tay giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống hội viên phụ nữ”.
NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.