Đak Đoa: Tạo đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Đak Đoa là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là bước đột phá mới giúp nông dân trên địa bàn ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Dấu ấn từ tái cơ cấu

Là địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp với nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu, cà phê, cao su, cây ăn quả, lúa nước..., giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản của huyện Đak Đoa tăng bình quân 7,04%/năm. Ngành nông nghiệp huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đối với cây cà phê, hồ tiêu, cao su… Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 220 trang trại; triển khai 9 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, 6 dự án liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm; thành lập 10 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai liên kết sản xuất 7 chuỗi giá trị. Đặc biệt, đến nay, huyện đã có 25 sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao cấp tỉnh.

Trang trại chăn nuôi gà lai chọi của ông Nguyễn Quốc Sáu (thôn Tân Tiến, xã Trang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Diệp
Trang trại chăn nuôi gà lai chọi của ông Nguyễn Quốc Sáu (thôn Tân Tiến, xã Trang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Diệp


Gia đình ông Nguyễn Quốc Sáu (thôn Tân Tiến, xã Trang) là một trong những hộ nông dân tiên phong đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ông Sáu cho biết: Năm 2015, ông đầu tư xây dựng hơn 1.000 m2 chuồng trại để liên kết với Công ty cổ phần Hồng Hà Bình Định (tỉnh Bình Định) nuôi gà lai chọi. Trong đó, Công ty cung cấp thức ăn, con giống và bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm, trại gà xuất bán 3 lứa, lợi nhuận bình quân khoảng 80 triệu đồng/lứa. Ngoài ra, ông tận dụng nguồn phân gà bón cho 6 ha cà phê trồng xen sầu riêng sản xuất theo hướng hữu cơ. “Nhờ cách làm này, thu nhập hàng năm của gia đình đạt khoảng 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí”-ông Sáu thông tin.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả tích cực. Diện tích cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa nước… trên địa bàn phát triển ổn định. Người dân chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế; liên kết với hợp tác xã làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.

Kỳ vọng đột phá trong giai đoạn mới

Mới đây, UBND huyện Đak Đoa đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai kế hoạch này. Theo kế hoạch, huyện sẽ tập trung tái cơ cấu một số sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ mới, phù hợp trong sản xuất; đổi mới tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết, phát triển thương mại-dịch vụ nhằm đẩy mạnh chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao, an toàn, bền vững và có sức cạnh tranh trên thị trường; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn, quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. So với giai đoạn trước thì việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 của huyện Đak Đoa tập trung vào đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với công nghiệp chế biến nông sản chủ lực của địa phương; hợp tác liên kết sản xuất, tăng tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn, tăng tỷ lệ sản xuất theo hướng hữu cơ; tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất.

 Sản xuất cà phê tại xã Hà Bầu. Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản xuất cà phê tại xã Hà Bầu. Ảnh: Nguyễn Diệp


Về mục tiêu cụ thể, huyện tập trung quy hoạch, hỗ trợ đầu tư xây dựng vùng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn khoảng 28.000 ha, trong đó có khoảng 1.000 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ, năng suất bình quân khoảng 3 tấn nhân/ha, sản lượng trên 75.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, huyện thâm canh hơn 2.000 ha hồ tiêu; duy trì diện tích khoảng 5.940 ha cao su, 6.595 ha lúa nước... Trước mắt, huyện tập trung triển khai có hiệu quả sản xuất nông nghiệp có trọng điểm theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ; tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Hiện nay, UBND huyện đã triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện tập trung tái cơ cấu toàn diện theo chuỗi giá trị sản phẩm từ địa phương đến cấp quốc gia; xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu, chế biến sâu sau thu hoạch; sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao, phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch sinh thái. Đây là bước tạo đà để kích thích người dân đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trong những năm tới.


 

 NGUYỄN DIỆP
 

 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.