Đak Đoa quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn luôn được huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) quan tâm triển khai và mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Là một trong những lao động được tư vấn, hướng nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên khi học xong phổ thông, anh Nhêm (làng Adơk Kông, xã A Dơk) đã không tiếp tục học lên cao mà lựa chọn đi học nghề. Anh cho hay: “Năm 2018, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi lựa chọn học nghề hàn tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai). Sau khi tốt nghiệp, tôi được nhà trường giới thiệu việc làm tại một cơ sở sửa chữa cơ khí ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Hiện nay, tôi được nhận lương gần 20 triệu đồng/tháng. Nhờ có việc làm, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Hiện gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Đại diện công ty xuất khẩu lao động giới thiệu thị trường việc làm ngoài nước cho lao động tại phiên giao dịch việc làm ở xã Tân Bình. Ảnh: Đ.Y

Đại diện công ty xuất khẩu lao động giới thiệu thị trường việc làm ngoài nước cho lao động tại phiên giao dịch việc làm ở xã Tân Bình. Ảnh: Đ.Y

Tương tự, anh Reng (làng Đê Gôh, xã Đak Sơ Mei) được tư vấn, hướng nghiệp nên đã tham gia học nghề sửa chữa máy nổ nông nghiệp. Anh Reng chia sẻ: “Trong quá trình học lớp sửa chữa máy nổ nông nghiệp, tôi được thực hành nhiều về hàn xì. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi đã đăng ký học tiếp lớp sơ cấp hàn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa. Dự kiến sau khi học xong, tôi sẽ mở cơ sở sửa chữa máy nông nghiệp để phục vụ nhu cầu của người dân trong làng và khu vực lân cận”.

Còn chị Y Kam (làng Đak Mong, xã Đak Krong) thì chia sẻ: Nhà không có đất sản xuất, mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác nên cuộc sống của 3 chị em rất khó khăn. Năm 2022, học xong lớp 12, chị phải nghỉ học ở nhà làm thuê làm mướn. Công việc bấp bênh nên thu nhập không được bao nhiêu. Sau khi tham gia phiên giao dịch việc làm ngày 12-10-2023 tại trụ sở UBND xã, chị đã được nhận vào làm công nhân may tại Công ty cổ phần May Nhà Bè (TP. Pleiku). “Việc làm ở đây ổn định. Anh em công nhân đều là những người có hoàn cảnh khó khăn như mình nên luôn giúp đỡ nhau. Lương của mình được hơn 7 triệu đồng/tháng, đủ lo chi tiêu hàng ngày của mấy chị em”-chị Y Kam bộc bạch.

Ông Hà Văn Kiên-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Krong-thông tin: “Hàng năm, các ngành, đoàn thể đều đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động tiếp cận các thông tin thị trường việc làm, chính sách hỗ trợ và mức lương được hưởng. Riêng tại phiên giao dịch việc làm năm 2023 do huyện tổ chức vào ngày 12-10, xã có 110 lao động tham gia và 25 người đã tìm được việc làm”.

Đề cập đến công tác tư vấn, hướng nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa-cho biết: Toàn huyện hiện có gần 72 ngàn người trong độ tuổi lao động. Hàng năm, chúng tôi phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nghề cho người lao động tại địa phương.

Riêng năm 2023, huyện đã phối hợp đào tạo nghề cho 1.814 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49,8%. Cùng với đó, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trường Cao đẳng Gia Lai và các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn, thu hút hơn 2.500 lao động tham gia.

Qua các phiên giao dịch việc làm này, người lao động đã tiếp cận các thông tin về tuyển dụng lao động, các chính sách hỗ trợ người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp. Trong năm 2023, huyện đã giải quyết việc làm cho 3.190 người (đạt 212,6% kế hoạch); trong đó có 53 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, số còn lại làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa khẳng định: Công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong năm 2024, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và hiệu quả của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động; nghiên cứu, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm về tới thôn, làng, xã. Có thể 1 tháng hoặc 3 tháng tổ chức 1 lần để phiên giao dịch việc làm trở thành địa chỉ tin cậy của người lao động cũng như doanh nghiệp có nhu cầu.

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.