Đại ngàn ly kỳ truyện: Kỳ lạ khu rừng 'treo nhau, cất rốn'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đại ngàn miền Trung luôn chất chứa nhiều câu chuyện bí ẩn, tập tục kỳ lạ gắn với đời sống của các dân tộc thiểu số, thậm chí nhiều chuyện mang hơi hướng thần bí đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa mãn.
Thanh Niên giới thiệu một số câu chuyện ngõ hầu giúp độc giả khám phá thêm những điều mới mẻ cũng như đời sống thú vị của đồng bào vùng cao ở miền Trung.
Với người Kinh, hẳn đã quá quen với câu thành ngữ “nơi chôn nhau cắt rốn”. Còn với nhiều bản làng Xê Đăng sinh sống dưới ngọn Ngọc Linh hùng vĩ tại H.Nam Trà My (Quảng Nam), cũng là nhau, là rốn nhưng họ không chôn, cắt mà… treo lên thân cây, cất vào khu “rừng rốn”.
Gửi hồn vào rừng thiêng
Cơn mưa rừng trút xuống đại ngàn khiến con đường đất từ Tắk Pỏ (huyện lỵ Nam Trà My) dẫn vào Trà Linh dài khoảng 30 km trơn như bôi mỡ. Tôi đánh vật hàng giờ đồng hồ mới đến được trung tâm xã. Từ đây, hỏi chuyện về những khu “rừng rốn” may ra mới có người biết. Ở Nam Trà My, hỏi quốc bảo sâm Ngọc Linh, bất cứ ai cũng sẽ chỉ tay về phía Trà Linh nhưng về “rừng rốn” thì không nhiều người biết đến. Tôi suýt bỏ cuộc vì dọc đường đi, hỏi nhiều người bản địa ở xã Trà Mai, Trà Nam... chỉ nhận được cái lắc đầu.

Những đứa trẻ Xê Đăng sống ở rẻo cao Trà Linh lớn lên với niềm tin linh thiêng vào “rừng rốn”. Ảnh: Hoàng Sơn
Những đứa trẻ Xê Đăng sống ở rẻo cao Trà Linh lớn lên với niềm tin linh thiêng vào “rừng rốn”. Ảnh: Hoàng Sơn
Dừng ở quán nhỏ ven đường tại thôn 1 xã Trà Linh, hỏi người phụ nữ đang bán tạp hóa, bà bảo đồng bào Xê Đăng có 2 cánh rừng thiêng mà họ rất ngại tiết lộ cho người lạ. Đó là rừng ma (nghĩa địa) và “rừng rốn”. “Là người từ dưới xuôi lên ở lại Trà Linh để lập nghiệp mấy mươi năm qua, tôi nghe nhiều người kể đến khu “rừng rốn” này. Tôi không biết linh thiêng đến cỡ nào, nhưng hễ ai đụng vào khu rừng dù chỉ là cành cây, ngọn cỏ sẽ bị phạt rất nặng. Cách đây không lâu, một khu rừng bị cháy rồi sắp lan đến khu “rừng rốn”, người dân trong nóc (làng) hô hào dập lửa cứu rừng rồi đùng đùng nổi giận vì không tìm được người gây ra vụ cháy”, bà kể. Cũng đã có người vô tình làm gãy cây rừng mà bị phạt vạ rất nặng.
Theo lời chỉ dẫn của người phụ nữ, tôi lần tìm đến nhà của ông Hồ Văn Chính (61 tuổi, trú tại nóc Xà Ling, thôn 1). Sau chút dè dặt ban đầu, ông Chính cho biết với đồng bào Xê Đăng ở Trà Linh, “rừng rốn” thậm chí còn linh thiêng hơn cả rừng ma. Bởi đó là nơi gắn với linh hồn của mỗi con người, là biểu tượng của sự sống. “Những đứa trẻ trong nóc này được sinh ra thì nhau thai và cuống rốn đều được đưa vào rừng cất giữ. Hàng trăm năm qua, dân trong nóc đều gìn giữ khu rừng như giữ chính sinh mạng của mình vậy”, ông Chính kể.
Đưa tay chỉ về cánh rừng nằm sát bên con suối, ông bảo mấy mươi năm trước, khi những đứa con lần lượt sinh ra, ông đều đưa nhau, rốn vào cánh rừng ở nóc Poong Kít. “Để thú rừng không kéo đến phá, bố đã chọn những cây lớn, khoét lỗ trên thân rồi cho nhau vào để thân cây cất giữ. Vài năm sau, cây liền sẹo, một phần máu thịt của những đứa con bố hiện thân trong những gốc cây đang còn sống đến nay”, ông Chính nhớ lại.
Người Xê Đăng quan niệm rằng chỉ khi chết, con người mới được chôn xuống đất. Còn những sinh linh mới chào đời thì phần nhau thai, cuống rốn phải được treo lên thân cây để “thấy” ánh sáng. Cây nhỏ sẽ dần lớn lên để tiếp thêm sinh khí cho mỗi cuộc đời. Cây cổ thụ thì sẽ bao bọc cho chính đứa trẻ có nhau được treo vào thân cây đó... Họ rất kiêng kị chuyện chôn nhau thai, vì như vậy con người khi mới sinh đã không được thấy mặt trời.
Còn rừng, còn làng
Tuy không phải tuyệt đối cấm kỵ, nhưng ngày thường nếu không có việc gì thì ít ai lui tới “rừng rốn”. Họ lo ngại, nếu lỡ nhà nào đó có con cái ốm đau thì mình bị nghi ngờ đã làm việc gì đó không tốt. Bởi vậy, phải thuyết phục “gãy lưỡi”, tôi mới được anh Hồ Văn Chuẩn (27 tuổi, con trai ông Chính) dẫn vào “rừng rốn” cách nóc Xà Ling chừng nửa giờ cuốc bộ. “Mấy hôm nay, con trai tôi Hồ Nguyễn Đức Anh mới sinh được 10 tháng hơi mệt, không biết đùm rốn có rơi xuống đất không. Thôi được rồi, để tôi dẫn anh đi, luôn tiện xem đùm rốn có an toàn trên cây không”, anh Chuẩn nói.

Anh Hồ Văn Chuẩn vào rừng để thăm đùm rốn của con trai mình
Anh Hồ Văn Chuẩn vào rừng để thăm đùm rốn của con trai mình
Vừa đặt chân đến khu rừng, nhanh như một con sóc, anh Chuẩn nhảy cóc qua những tảng đá rồi tiến đến một gốc cây ngó nghiêng. Anh mừng ra mặt khi thấy đùm nhau rốn vẫn còn nguyên vẹn: “Vậy là không sao rồi. Người dân chúng tôi quan niệm, đùm rốn buộc chặt trên thân cây không bị rớt xuống thì suốt đời con cái sẽ mạnh khỏe. Ngược lại thì con cái có chuyện không lành”. Tôi hỏi: “Nhưng với chiếc túi ni lông mỏng manh vậy thì vài năm nữa túi rốn sẽ rơi mất”. Chuẩn cười cười: “Thấy vậy chứ đùm rốn được gói cẩn thận và buộc rất chặt vào thân cây. Vả lại, thi thoảng chúng tôi cũng vào để kiểm tra”.
Quan sát một hồi lâu, tôi nhận ra có những thân cây được treo đến 5 - 7 đùm rốn. Có cây chỉ treo 1 đùm. Anh Chuẩn lý giải đồng bào Xê Đăng không “quy định” số đùm rốn treo lên mỗi cây, có thể mỗi em bé sẽ gắn liền với mỗi cây. Nhưng thường các gia đình khi tìm được gốc cây nào ưng cái bụng sẽ đem tất cả nhau, rốn của các con treo vào thân cây đó. “Anh có thấy gốc cây dẻ treo 4 đùm rốn ở kia không? Nhìn là biết gia đình nào đó đã có 4 người con. Họ treo gần suối là cầu mong con cái họ vừa hưởng được khí trời, hơi nước để con họ khỏe mạnh”, anh Chuẩn chỉ tay về gốc cây nằm cạnh con suối.
Với nhiều người Xê Đăng, mỗi thân cây trong rừng không khác gì một thân thể sống nên không ai được xâm phạm. Những ai dù vô tình hay cố ý xâm phạm sẽ bị làng phạt rất nặng. Theo lệ, người bị phát hiện phá hoại các đùm rốn sẽ phải mua heo, gà, rượu… để già làng đại diện cúng thần linh. Nhưng lo nhất là dù được “rửa tội” thì những gia đình có đùm rốn bị phá sẽ rất tức giận, khó mà bằng lòng. Bởi vậy, biết tôi có ý định tìm đến gốc dẻ để tận mắt chứng kiến cách thức treo các đùm rốn, anh Chuẩn dặn đi dặn lại: Chỉ được xem, tuyệt đối không đụng vào! “Tôi nhớ như in trận ốm cách đây khoảng 15 năm khi cùng bố vào “rừng rốn” rồi trở về nhà. Trước lúc đi, bố đã dặn khi vào rừng phải theo chân ông và đừng nói gì. Nhưng lúc đó còn nhỏ tuổi, bố nói thì tôi vâng dạ nhưng nào có tin. Thế rồi, tôi nói mấy câu đùa cợt, không hiểu sao khi về nhà thì ốm mấy ngày liền. Bố phải soạn mâm cúng, tôi mới đỡ…”, anh Chuẩn nhớ lại.
Bao đời nay, ở xã Trà Linh, dù người dân hay cán bộ cũng đều tin vào sự linh thiêng của khu “rừng rốn”. Cư dân ở mỗi nóc đều ra sức bảo vệ khu “rừng rốn” của mình với tâm niệm: Còn rừng là còn làng. Như ông Hồ Văn Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trà Linh (con trai ông Hồ Văn Chính), dù đã ở riêng nhưng vẫn đem rốn các con về treo trong rừng ở nóc Xà Ling. Mỗi năm, ông Phương lại dẫn các con đến thăm khu rừng và kể cho chúng nghe câu chuyện phải giữ lấy rừng thiêng. Hay Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh Hồ Văn Bút cũng mang nhau, rốn của các con vào rừng ở thôn 3. “Tục treo đùm rốn của đồng bào Xê Đăng chúng tôi đã hình thành nên những khu “rừng rốn” có diện tích ngày càng lớn. Những khu rừng này được bà con bảo vệ nghiêm ngặt, thiếu củi đến mức nào cũng không được vào nhặt về. Tin vào sự linh thiêng của khu rừng nên không có tình trạng chặt phá ở “rừng rốn” cũng như những vùng lân cận”, ông Bút nói.
Trà Linh có 3 thôn với 23 nóc, tương ứng hình thành 23 “rừng rốn”. Để công tác bảo vệ rừng gắn liền với phong tục, tập quán của địa phương, xã đang nghiên cứu quy hoạch liền mạch giữa các “rừng rốn” nhằm tạo nên những cánh rừng nguyên sinh lớn hơn, bảo vệ chặt chẽ hơn. “Với cách làm này, tôi tin là không riêng gì “rừng rốn” mà rừng ở chân Ngọc Linh sẽ luôn mãi xanh tươi”, giọng Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh đầy hy vọng. (còn tiếp)
Trọng “rừng sinh” hơn “rừng tử”
Cách đây 6 năm, hay tin dự án mở đường vào vùng trồng sâm Ngọc Linh đi qua khu “rừng rốn” của nóc Tu Ton, nhiều người đã đứng ngồi không yên vì lo lắng con đường sẽ san ủi những gốc cây treo rốn. Với ý nghĩa lưu giữ mầm sống, người Xê Đăng quan niệm “rừng rốn” quan trọng hơn rừng ma. Họ có thể di dời mồ mả khỏi rừng ma để nhường đất cho con đường dân sinh có thể chạy qua nhưng với “rừng rốn” thì không. Thế mới có chuyện, sau đó, người dân nóc Tu Ton đã đề nghị các cấp xem xét nắn con đường để tránh “rừng rốn”.
Theo Hoàng Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.