Cuối năm lừa đảo bất động sản hoành hành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều vụ lừa đảo liên quan đến bất động sản lại bùng nổ vào dịp cuối năm.
Dùng chiêu thành lập ngân hàng để “lùa gà”
Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với cặp vợ chồng bà Phùng Thị Nghệ, ông Nguyễn Trần Minh Quân (36 tuổi, ở Q.7, TP.HCM). Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM gia hạn điều tra vụ án hình sự lần thứ nhất, thời hạn 4 tháng kể từ ngày 30.11.2021 đến ngày 30.3.2022 đối với vụ án này. Theo những nạn nhân, thông qua các mối quan hệ, vợ chồng bà Phùng Thị Nghệ đã kêu gọi nhiều bạn bè, người thân hùn vốn làm cổ đông mở ngân hàng, đầu tư xăng dầu, thu đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, việc thành lập ngân hàng chưa thấy đâu thì những “cổ đông” góp vốn không thể liên lạc được vợ chồng bà Phùng Thị Nghệ. Điện thoại thì khóa, trụ sở công ty và nhà riêng cũng “cửa đóng then cài”.
 
Trụ sở Công ty Hoàng Thịnh đã khóa từ đầu tháng 1.2022 đến nay. Ảnh: Đình Sơn
Trụ sở Công ty Hoàng Thịnh đã khóa từ đầu tháng 1.2022 đến nay. Ảnh: Đình Sơn
Nhiều nạn nhân đang xất bất xang bang vì nguy cơ mất tiền lớn đã hiển hiện. Đó là trường hợp bà T.B.T (Q.7, TP.HCM), thông qua một người bạn thân và cũng là hàng xóm, bà được gặp vợ chồng bà Nghệ. Ban đầu bà được giới thiệu với vợ chồng bà Nghệ để hợp tác làm ăn trong lĩnh vực thu đổi ngoại tệ và buôn bán xăng dầu. Lúc này bà T. hùn 50 tỉ đồng để “lướt” một lô xăng dầu giá rẻ. Sau đó vợ chồng bà Nghệ tiếp tục kêu gọi bà T. góp vốn thêm 2 lần nữa với tổng cộng thêm 56 tỉ đồng. Ở đợt góp vốn này bà Nghệ đã chuyển cho bà T. khoản tiền lợi nhuận 23,7 tỉ đồng. Không dừng lại ở đây, vợ chồng bà Nghệ còn đưa kế hoạch mở ngân hàng ngoại hối và kêu gọi bà T. làm cổ đông chiến lược với vốn góp cổ phần 10%, tức khoảng 260 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn không thành về việc xin giấy phép thành lập ngân hàng, bà T. đã bắt đầu nghi ngờ và yêu cầu trả lại tiền. Thế nhưng vợ chồng bà Nghệ liên tục thất hứa. Bà T. đã tìm hiểu và biết việc vợ chồng bà Nghệ vẽ ra ngân hàng chỉ là “ảo” nhằm mục đích để lừa đảo. Đòi tiền không được và cũng không liên hệ được, bà T. đã tố cáo vợ chồng bà Nghệ ra công an TP.HCM tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Không chỉ bà T., nhiều người ở Hà Nội và Hải Dương cũng đã trở thành nạn nhân khác của vợ chồng bà Nghệ bởi chiêu thức rủ đầu tư xăng dầu, thu đổi ngoại tệ để “huy động vốn”. Ban đầu, các khoản chi trả lợi nhuận rất đúng hạn, sòng phẳng và cao. Để đánh bóng tên tuổi, vợ chồng bà Nghệ thường đưa các đối tác về nhà riêng, trụ sở công ty ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7) giới thiệu hàng chục chiếc siêu xe, tổ chức các bữa ăn chơi sang trọng. Nhìn thấy cơ ngơi hoành tráng nên các “con mồi” hoàn toàn tin tưởng. Sau khi đã lấy được lòng tin từ các “đối tác”, cặp vợ chồng này “tung chiêu” góp vốn thành lập ngân hàng để tiếp tục dụ những người góp vốn với số tiền nhiều hơn. Hiện nay, nhiều nạn nhân của cặp vợ chồng này đã rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí nhiều gia đình ly tán, nhiều người từ “đại gia” nay đã trắng tay.
Giám đốc công ty bất động sản cũng lừa đảo
Cũng trong tình cảnh tương tự, nhiều người dân ở TP.HCM, Cần Thơ đã đâm đơn đến Công an TP.HCM tố cáo ông Nguyễn Đình Hoàng, Giám đốc Công ty bất động sản Hoàng Thịnh (trụ sở tại chung cư Belleza, P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM), lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng. Đa số những người tố cáo ông Hoàng đều là hàng xóm của ông ở chung cư Belleza, người thân và bạn bè. Người ít thì mấy trăm triệu, người nhiều lên đến hàng chục tỉ đồng. Cách mà ông Hoàng dụ người thân, bạn bè chuyển tiền cho ông là đưa ra các bất động sản đang “ngợp” cần bán gấp giá rẻ, mua vào sẽ bán lại có lời ngay hoặc ông cam kết sẽ trả lợi nhuận khoảng 10% trên vốn góp. Để tạo lòng tin, ông Hoàng còn đưa ra các sổ đỏ nhà đất đứng tên ông. Tuy nhiên khi sự việc đổ bể, người dân đi xác minh lại thì đa số là sổ đỏ giả. Những bất động sản mà ông cam kết sẽ sang tên cho người góp vốn hiện đứng tên người khác.
Ông V.T.Q (TP.Cần Thơ) là cậu của Hoàng cho biết, vì là người trong gia đình nên ông Q. tin tưởng và nhiều lần chuyển tiền cho ông Hoàng đầu tư bất động sản, với số tiền lên đến 26,3 tỉ đồng. Thời gian đầu, ông Hoàng trả tiền lợi nhuận khá đầy đủ và đúng hẹn, với số tiền 17 tỉ đồng. Số tiền còn lại, ông Hoàng nhiều lần khất hẹn, tránh né và giao cuốn sổ hồng căn nhà ở Q.7 cho ông Q. như vật thế chấp. Nhưng khi kiểm tra lại, ông Q. mới tá hỏa vì đó là sổ hồng giả, còn ông Hoàng đã bỏ trốn cùng gia đình. Trường hợp khác là bà V., một người Việt gốc Hoa cũng bị ông Hoàng “dụ” góp vốn đầu tư bất động sản chung 500 triệu đồng sẽ được chia lợi nhuận 40 triệu đồng. Do được bạn bè thân quen giới thiệu nên bà V. đã tin tưởng chuyển số tiền tiết kiệm gom góp được cho ông Hoàng với kỳ vọng lợi nhuận sẽ thu về cao hơn lãi suất ngân hàng. Thế nhưng lợi nhuận chưa thấy đâu, đến nay cả tiền gốc cũng không thu về được khi công ty này đóng cửa, ông Hoàng cũng “lặn” mất tăm.
Hay trường hợp bà H. vào tháng 11.2021 được ông Hoàng liên hệ cùng đầu tư vào một lô đất ở khu dân cư Chợ Lớn với giá 8,1 tỉ đồng và cho biết đã có người sẵn sàng mua lại 9 tỉ đồng. Để tạo lòng tin, ông Hoàng đưa cho bà H. xem sổ đỏ căn nhà tại chung cư Belleza và cam kết nếu có vấn đề gì sẽ sang tên căn hộ trên cho bà. An tâm vì ông Hoàng có trụ sở công ty và căn hộ ở chung cư và có tài sản đảm bảo, bà H. đã chuyển cho ông Hoàng 2 tỉ đồng. “Ông Hoàng hứa ngày 9.12.2021 sẽ hoàn trả gốc và 10% lợi nhuận cho tôi, nhưng đến nay không thấy đâu. Căn hộ mà ông Hoàng hứa sang tên cho tôi thì khi tôi đến nơi, ông Hoàng đã bán cho người khác”, bà H. cho hay.
Theo luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc điều hành Công ty luật Solution & Partner, “Điều khiến người dân, dư luận bức xúc là nhiều đối tượng lừa đảo dù người dân đã tố cáo đến công an nhưng việc xử lý rất chậm. Việc xử lý không nghiêm dẫn đến các đối tượng lừa đảo nảy sinh tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Chấp nhận tù tội nếu bị phát hiện, kết án nhưng thu một khoản lợi khổng lồ. Do vậy, việc minh bạch thông tin quy hoạch, kiểm tra giám sát chặt chẽ, ngăn chặn ngay từ đầu của các cơ quan chức năng sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn lừa đảo ở mọi lĩnh vực, không riêng gì bất động sản.
Theo Đình Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất