'Cuộc chiến' dạy thở cho F0

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước khi tham gia chiến dịch trợ giúp các F0 thở, Vũ Hồng Yến (33 tuổi) chưa bao giờ nghĩ “cuộc chiến này”, sự trợ giúp này lại đặc biệt đến thế.

Vũ Hồng Yến trong một lần tham gia hoạt động cộng đồng tại Hội An, Quảng Nam. Ảnh: NVCC
Vũ Hồng Yến trong một lần tham gia hoạt động cộng đồng tại Hội An, Quảng Nam. Ảnh: NVCC
Xây dựng "giáo án" tập thở
Thông qua mạng xã hội, chị Vũ Hồng Yến (tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội; hiện là Phó ban Cộng đồng của Liên đoàn Yoga Việt Nam) biết đến nhóm "Hơi thở đẩy lùi Covid" do hơn 400 HLV Yoga từ các vùng miền trên cả nước cùng lập ra, nhằm hỗ trợ các bệnh nhân F0 tập các bài tập thở và phục hồi chức năng phổi...
 Thông qua điều phối của trưởng nhóm, mỗi ngày chị Yến và các HLV trong nhóm được tiếp nhận dữ liệu về bệnh nhân để kịp thời hỗ trợ.
Yến cho biết, để có thông tin về bệnh nhân, trưởng nhóm "Hơi thở đẩy lùi Covid" tiếp nhận từ các nguồn như: bệnh viện, trung tâm y tế địa phương, các nhóm thiện nguyện và cả từ trang mạng xã hội, thậm chí là từ các F0 giới thiệu cho nhau...
Căn cứ vào tình trạng thực tế của các F0, các HLV sẽ lựa chọn, xây dựng "giáo án" tập thở cho từng bệnh nhân của mình. "Các HLV đồng hành liên tục cùng bệnh nhân từ ngày tiếp nhận cho đến khi kết thúc, cả trong trường hợp F0 khỏi bệnh hoặc không qua khỏi...", chị Yến cho biết.
Theo Yến, mọi hoạt động của cô và các HVL trợ giúp F0 thở đều thực hiện qua đường truyền internet. HLV ở đầu dây bên này, bệnh nhân ở đầu dây bên kia. HLV hướng dẫn, bệnh nhân làm theo.

Trợ giúp F0 tập thở. Ảnh: NVCC
Trợ giúp F0 tập thở. Ảnh: NVCC
"Có những bệnh nhân độc thân nhưng cũng có những bệnh nhân có gia đình - thậm chí là nguyên một gia đình là F0. Trải qua hơn 3 tháng, Yến đã trợ giúp cho gần 20 gia đình F0. Ít thì 2 F0 trong một gia đình, nhiều lên đến 7 F0. Cho đến nay, Yến đã trợ giúp tổng cộng hơn 100 bệnh nhân F0. Hầu hết họ ở tâm dịch TP.HCM, đã đều âm tính và được về nhà", Yến chia sẻ.
Quá trình thực hiện công việc của một HVL đặc biệt, Yến từng trải qua nhiều giây phút, khoảnh khắc khó quên, có lúc cảm giác bất lực vì việc hỗ trợ F0 đang mang trọng bệnh tập thở rất khó khăn trong điều kiện kết nối trực tuyến, và việc bệnh nhân tiếp nhận hướng dẫn không hề dễ dàng.
“Yến có một bệnh nhân 78 tuổi, nhà bà có đến 5 F0. Bà có nhiều bệnh nền. Khi bệnh viện chuẩn bị tiếp nhận thì bà đã phải thở ô xy và đang đợi xe cấp cứu. Lúc đó, Yến được giao nhiệm vụ hướng dẫn bà thở nhưng rất khó vì bà toàn làm ngược lại do tuổi cao, tình trạng bệnh nguy kịch, hướng dẫn bà thở ra bà lại hít vào và mỗi lần như thế bà lại bị ho sặc sụa.
Người thân xung quanh phải vừa nghe Yến hướng dẫn để hướng dẫn lại bà, vừa xoa ngực, vỗ lưng trợ giúp. Cứ 5 phút lại dừng chút để lại bắt đầu 5 phút tiếp, liên tục, liên tục. Ở đầu đường truyền bên này, Yến có lúc cảm thấy bất lực khi bà thoi thóp, tưởng chừng cả Yến, bà và những người xung quanh không thể giữ nổi hơi thở mong manh đang tuột dần. Chưa bao giờ Yến cảm thấy sợ hãi đến thế, dù vẫn cố gắng bình tĩnh làm việc", Yến nhớ lại.
Cô cũng cho hay chưa bao giờ cảm thấy sự sống mong manh đến vậy ở thời khắc đó. "Cảm giác cùng bệnh nhân F0 giành giật hơi thở với tử thần là một cảm giác khó tả", chị Yến chia sẻ.
 “Vậy mà thật thần kỳ, bà đã vượt qua cơn nguy kịch. Xem giấy chứng nhận âm tính từ bà mà Yến cảm thấy hồi hộp y như lúc giúp bà trợ thở vậy. Đứng ngoài, Yến chỉ nghĩ dịch bệnh thật nguy hiểm, nhưng khi vào rồi thấy mới thấy ranh giới giữa sự sống cái chết thật mong manh. Giờ mới cảm nhận được những điều tưởng như bình thường, nhỏ nhặt trong môi trường sống hàng ngày từ ánh nắng, mây trời, gió mát đến hơi thở... quý giá tới nhường nào”, cô bộc bạch.
"Các bệnh nhân đều ở ranh giới của sinh tử. Họ không thể chờ mình..."
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên từng video, các đoạn chat, ảnh chụp các "học viên" F0, Yến cho biết ban đầu cô vào nhóm trợ giúp bệnh nhân F0 tự cách ly tại nhà, sau đó được đẩy lên nhóm phản ứng nhanh dành cho các bệnh nhân nguy cấp hơn, thế là cô bỏ hết các lớp dạy, tập huấn Yoga online kiếm tiền trước đó để dồn toàn thời gian và tâm sức hỗ trợ các F0 tập thở.
"Không như các công việc thiện nguyện khác, công việc này rất đặc biệt. Các bệnh nhân đều ở ranh giới của sinh tử. Họ không thể chờ mình, vì thường trở nặng rất nhanh. Họ cũng là nhóm bệnh nhân có bệnh nền, cao tuổi và cả bệnh nhân nhỏ tuổi - chưa có ý thức đầy đủ, dễ hoảng sợ, liên tục la khóc… Nếu lơ là có thể phải hối hận suốt đời, nên Yến không thể vừa làm việc thiện nguyện lại vừa tranh thủ dạy online kiếm tiền như trước”, Hồng Yến lý giải cho lựa chọn của cô trong 3 tháng dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát vừa qua.

Trợ giúp F0 sau hồi phục. Ảnh: NVCC
Trợ giúp F0 sau hồi phục. Ảnh: NVCC
Từng tốt nghiệp 3 trường ĐH, là thủ khoa củaTrường ĐH Sư phạm Thể dục, thể thao Hà Nội, từng nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, giấy khen của Vụ Quốc phòng, bằng khen của Sở Giáo dục tỉnh Nam Định (khi còn là giáo viên thể chất của Trường THPT Nguyễn Trường Thuý, H.Xuân Trường), Yến cho biết chưa khi nào cô thôi đam mê với các hoạt động cộng đồng.
“Làm thiện nguyện và làm việc cho cộng đồng thực ra không hề dễ. Cách đây chừng 10 năm, khi còn sống ở Nam Định, là giáo viên thể chất của Trường THPT Nguyễn Trường Thuý, Yến gặp vấn đề về sức khoẻ, phải tìm đến Yoga để chữa lành. Sau khi hồi phục nhờ Yoga, Yến nảy ra ý định muốn chia sẻ Yoga đến với những người phụ nữ nghèo ở các làng chài.
Khi đó, Yến chỉ suy nghĩ đơn giản là những người phụ nữ làng chài tối ngày lam lũ, vất vả, không hiểu biết về cơ thể, sức khoẻ, nếu được học Yoga họ sẽ mạnh khoẻ và biết cách điều khiển nội tâm của mình tốt hơn, hạnh phúc hơn. Yến đã đạp xe đến các xã quanh nhà liên hệ với các hội, nhóm phụ nữ địa phương, thuyết phục họ học Yoga do Yến dạy miễn phí...", Yến kể về hành trình bắt đầu bước chân vào con đường thiện nguyện của mình. 

Hồng Yến tham gia các hoạt động xã hội, tặng quà thiện nguyện tại địa phương. Ảnh: NVCC
Hồng Yến tham gia các hoạt động xã hội, tặng quà thiện nguyện tại địa phương. Ảnh: NVCC
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (24 tuổi, ở P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM), từng được chị Yến hướng dẫn tập thở khi mắc Covid-19, cho hay: “Gia đình em gồm 4 người lớn đều mắc Covid-19. Sau tìm kết nối với các nhóm Yoga tình nguyện trong mùa dịch, em được chị Hồng Yến trực tiếp hỗ trợ. Cả nhà cùng ốm, Sài Gòn khi đó rất căng thẳng nên tâm lý ai cũng hoang mang. Tuy nhiên, mỗi ngày chị đều dạy cả nhà tập thở và hỏi han, hướng dẫn kỹ, nên nỗi lo đã vơi đi rất nhiều... Sau 14 ngày thì sức khoẻ của mọi người đã dần ổn định".
"Em mới hơn 20 tuổi, chưa khi nào em nghĩ hơi thở lại quan trọng đến thế. Và cũng chưa khi nào em nghĩ thở đúng cách lại giúp mình khoẻ đến thế”, Ngọc bộc bạch.
Mỗi cuộc trợ giúp F0 tập thở còn là "cuộc chiến" giành giật hơi thở cho họ với tử thần
Khi được hỏi thêm về việc làm thiện nguyện của nhóm, Phạm Tùng Anh (36 tuổi), HLV Yoga sống tại TP.HCM, sáng lập và điều hành nhóm "Hơi thở đẩy lùi Covid-19", chia sẻ với PV Thanh Niên: "Các F0 đều là lần đầu tiên kề cận với đại dịch thế kỷ, nhiều người trong số họ chỉ có một mình. Nhóm mình trợ giúp họ trong lúc họ chưa được cấp cứu, chưa được gặp y tế - giúp họ duy trì ổn định hơi thở trong lúc chờ đợi. Vào cuộc mới thấy, nhiều người không thở được là do vấn đề tâm lý, chứ không hẳn chỉ do bệnh lý.
Thế nên, ngoài việc phải hướng dẫn họ các kỹ năng thở, nhóm còn tìm cách giúp họ bình tĩnh, tập trung điều phối hơi thở sao cho hiệu quả, cùng họ đẩy nhanh hoặc duy trì chỉ số SpO2 lên, ổn định".
Theo Tùng Anh, mỗi cuộc trợ giúp F0 tập thở không đơn thuần là việc chia sẻ kỹ năng, huấn luyện, mà còn là "cuộc chiến giành giật hơi thở cho họ với tử thần, kéo bệnh nhân về phía mình".  

Tùng Anh, người sáng lập nhóm
Tùng Anh, người sáng lập nhóm "Hơi thở đẩy lùi Covid-19" và cũng là người điều hành việc trợ giúp các F0 tập thở. Ảnh: NVCC
Tùng Anh cho hay, khi các HLV đăng ký vào nhóm, Tùng đều có tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm. Người có kinh nghiệm thì vào nhóm chính, người ít kinh nghiệm hơn vào nhóm dự bị. Những trường hợp nguy cấp luôn có những người trợ giúp cùng. Việc điều phối cũng phải rất khoa học.
"Thời gian đầu mình làm việc theo phạm vi giúp đỡ cá nhân thôi nhưng các Kols như Bùi Tiến Dũng, ca sĩ Phương Thảo...  biết, chia sẻ và lan toả, nên nhiều F0 cũng tìm đến, cả các trung tâm y tế, bệnh viện họ liên lạc để mình và nhóm phối hợp trợ giúp bệnh nhân cùng họ.
Các bạn không chỉ được chia nhóm cho chuyên tâm, tập trung, mà còn có người hỗ trợ kiểm soát phản hồi để tránh thiếu sót. Nhóm trợ giúp F0 hiện giờ có khoảng 400 HLV cùng làm việc với các nhóm khác hỗ trợ khoảng 50 người nữa, tổng lên đến 450 người”, Tùng Anh nói thêm.
Theo Thu Nguyệt (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

(GLO)- “Kết nối tình nguyện-cháy mãi nhiệt huyết của tuổi trẻ“ là phương châm hoạt động của nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau hơn 2 năm thành lập, nhóm không chỉ mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn là nơi các thế hệ cán bộ Đoàn gắn kết, “truyền lửa“ tình yêu với Đoàn.
Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

(GLO)- Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung được các đơn vị trường học ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Trong đó, mô hình “Vườn rau em chăm“ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện bữa ăn và khơi dậy tình yêu lao động trong học sinh.
Đôi vũ công đặc biệt

Đôi vũ công đặc biệt

(GLO)- Đến với khiêu vũ một cách tình cờ, đôi vận động viên (VĐV) Trần Nam Dũng-Lê Phương Thảo đã từng bước khẳng định vị thế ở môn thể thao đầy tính nghệ thuật này. Tấm huy chương bạc tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 là sự ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi cùng tâm huyết của các vũ công.
Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

(GLO)- Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các phác đồ chữa trị mới, giúp người dân sớm phát hiện và điều trị ung thư tại chỗ. Một trong số đó là hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.
Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Tình nguyện mùa đông“ năm 2022 và “Xuân tình nguyện“ năm 2023. Trong 2 ngày (23 và 24-12), tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa và xã An Thành, huyện Đak Pơ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Ấm áp mùa đông“ năm 2022.
Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

(GLO)- Sau khi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027) thành công tốt đẹp, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã đồng loạt tổ chức “Ngày thanh niên cùng hành động“. Trong đó, Gia Lai là 1 trong 7 điểm cầu được lựa chọn tổ chức cấp trung ương. Chuỗi hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

(GLO)- Sáng 18-12, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức lễ phát động thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên (YEA). Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói“ được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai và tỉnh Yên Bái.
Chung tay giúp trẻ em nghèo

Chung tay giúp trẻ em nghèo

(GLO)- Đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì chiếc áo ấm hay những đồ chơi tự chế rất có ý nghĩa. Thấu hiểu điều đó, chương trình “Áo ấm cho em“ đã trao tặng những chiếc áo ấm cùng những phần quà ý nghĩa cho trẻ em ở 2 huyện Ia Pa và Chư Păh (tỉnh Gia Lai).