Cung đường hoa sữa ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với hoa dã quỳ đang rực rỡ sắc vàng khắp các cung đường phố núi Pleiku, hoa sữa-loài hoa biểu tượng của mùa thu Hà Nội cũng khoe sắc, tỏa hương ngào ngạt tạo nên khoảng thời gian đẹp nhất trong năm của Tây Nguyên huyền diệu.

“Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm”-câu hát trong bài “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng ắt hẳn đã được nhiều người thì thầm rồi đem lòng yêu loài hoa tượng trưng cho tình yêu thuần khiết, đậm sâu này. Thế nhưng, những năm qua, hoa sữa bị ruồng bỏ ở nhiều nơi bởi mùi hương có phần nồng đậm của nó. Quả thật, hiếm có loài hoa nào mang mùi thơm đặc trưng, lẩn khuất trong từng cơn gió bay xa hàng cây số như hoa sữa. Bởi thế, khi trồng trong phố thị, nơi dân cư đông đúc, nồng độ hương hoa đã ít nhiều gây cảm giác như đau đầu, chóng mặt, mất khứu giác đối với một số người nhạy cảm. Do đó, nhiều nơi đã rộ lên phong trào chặt bỏ cây hoa sữa. Thậm chí, có người còn dùng nhiều cách “đầu độc” để cây chết dần, chết mòn.

  Hàng trăm cây hoa sữa tạo nên cung đường thơ mộng giữa Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Văn Ngọc
Hàng trăm cây hoa sữa tạo nên cung đường thơ mộng giữa Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Văn Ngọc


Nhưng vào những ngày mùa thu Hà Nội, cũng là khoảng giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô ở Tây Nguyên, tại TP. Pleiku vẫn có một cung đường hoa sữa. Đó là đường vành đai của Khu Công nghiệp Trà Đa với hàng hoa sữa đều tăm tắp dài khoảng 4 km. Hàng trăm cây hoa sữa có tuổi đời gần 20 năm gắn bó với sự hình thành của khu công nghiệp này. Bén duyên với vùng đất đỏ, hoa sữa lên cao hàng chục mét, tươi tốt, tán sum suê bóng mát.

Từ đầu tháng 11, từng nụ hoa nhỏ li ti bắt đầu bung nở tạo ra từng chùm hoa chúm chím. Dường như nụ hoa có thể mọc ra từ tất cả các cành cây khiến cả cây to lớn được bao phủ một màu xanh cốm pha lẫn trắng đục dịu nhẹ, mát lành mà chỉ cần ngắm nhìn cũng dâng lên bao xúc cảm. Dưới nền đất, những cánh hoa nhỏ bé rơi rụng phủ lên cả một vùng theo tán cây. Giữa khung cảnh những nhà xưởng, máy móc khô khan, hàng hoa sữa bát ngát hương khiến không gian trở nên êm đềm, mềm mại biết bao.

Trong cả quãng đường dài, mùi hoa sữa nồng nàn chứa chan, tưởng chừng ám vào áo quần người đi đường. Đến nỗi khi đã đi qua, hương hoa sữa đặc trưng như được gói ghém theo người đi phảng phất đến xốn xang. Chẳng thế mà các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ… đã tốn biết bao giấy mực để viết về loài hoa đầy mộng mơ này.

Những ngày này, cung đường hoa sữa bỗng trở thành “thiên đường” check-in với những người yêu loài hoa này. Chị Nguyễn Hương Mai (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi mê Hà Nội cũng bởi hoa sữa. Ở Gia Lai cũng có một số nơi trồng hoa sữa nhưng sau bị chặt bỏ khá nhiều. Vùng ven thành phố có một con đường hoa sữa đẹp thế này thật không gì bằng. Mùi thơm nồng nàn của hoa khiến tôi cảm thấy rất dễ chịu, lòng nhẹ nhàng thư thái. Với những người thích hoa sữa như tôi thì được ngắm nhìn, thưởng thức mùi hương ngay tại thành phố nơi mình sống không còn gì tuyệt vời hơn”.

Đường vành đai của Khu Công nghiệp Trà Đa nằm tách biệt với khu dân cư nên không gây ra sự khó chịu cho những khu vực lân cận. Thậm chí, hàng trăm hộ dân tại thôn 3 (xã Trà Đa) và làng Đal (xã Biển Hồ) cũng được tận hưởng hương thơm thoang thoảng mỗi mùa hoa về. Chị Ksor H'Niên (làng Đal) bày tỏ: “Nếu lại gần gốc cây thì mùi thơm nồng thật nhưng ở trong làng thì mùi thơm phảng phất, nhẹ nhàng rất dễ chịu. Hàng hoa sữa này rất đẹp, mình cũng hay chụp ảnh khoe với bạn bè rằng ở gần nơi mình sống có nhiều hoa sữa đẹp mà thơm thế”.

Từng chịu những lời chỉ trích gay gắt nhưng hoa sữa lại tìm được “đất sống” ở vùng ngoại ô Pleiku. Và cứ thế, mùi hương hoa sữa lại gieo rắc bao thương nhớ cho những người vốn yêu thích sự lãng mạn của mùa thu.

 

 LÊ VĂN NGỌC

 

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Chư Păh đa dạng hóa sản phẩm du lịch

(GLO)- Có bề dày văn hóa truyền thống với các lễ hội, làng nghề đặc trưng của người Jrai, Bahnar và tiềm năng du lịch thiên nhiên ưu đãi, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) từng bước đa dạng hóa sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm…
Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

(GLO)- Từ trụ sở UBND xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) du khách theo con đường bê tông di chuyển khoảng 6 km về phía Đông Nam sẽ đến suối Đak Hyam. Tiếng nước lao xao đổ vào phiến đá mang theo hơi gió mát lành giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ níu chân lữ khách.
Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Tìm về thiên nhiên để “trốn nóng”

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Tìm về thiên nhiên để “trốn nóng”

(GLO)- Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay rơi vào cao điểm của mùa nắng nóng. Mặc dù kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày nhưng nhiều người vẫn ưu tiên chọn những điểm du lịch trong tỉnh để vui chơi, thư giãn thay vì đi xa. Lượng khách ngoài tỉnh đến Gia Lai cũng thấp hơn mọi năm, chủ yếu là các nhóm nhỏ hoặc gia đình.

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 chứng kiến nắng nóng gay gắt như đổ lửa trải dài từ Bắc vào Nam, nên những bãi biển mát lạnh hay vùng núi cao ngập cây xanh trở thành ưu tiên của nhiều gia đình đi chơi dịp này với quan điểm: Du lịch là phụ, trốn nóng là chính.
Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

(GLO)-

Giữa núi rừng hùng vĩ tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có một bãi tắm được ví như “biển trên núi”. Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, bãi tắm ở dòng sông Pô Cô đã thu hút hàng ngàn lượt người đến vui chơi, thưởng ngoạn.