Công ty Cà phê 706: Khổ vì... nợ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ít ai ngờ rằng, Công ty Cà phê 706-Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) lại lâm vào tình cảnh khó khăn đến như vậy. Số nợ của Công ty và công nhân ngày càng chồng chất. 2/3 công nhân phải đi làm thuê hoặc xoay xở đủ nghề để kiếm sống.

Khi “nước cờ” tái canh thất bại

Dẫn tôi qua những vườn cà phê đã tái canh và đang bước vào thời kỳ kinh doanh, ông Lê Đình Hoàng-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cà phê 706-không giấu nổi vẻ ưu tư: “Anh xem cà phê thế này thì công nhân sống làm sao?”. Có hiểu biết chút ít về loại cây này nên quả thật tôi cũng không thể nghĩ rằng đây là những vườn cà phê đã tái canh và ở vào độ tuổi lẽ ra rất sung sức. Đã vậy, tuy cùng một lô nhưng cà phê chòm cao chòm thấp, chứng tỏ công nhân đã phải trồng đi trồng lại nhiều lần.

 

Vườn cà phê sau khi tái canh của anh Nguyễn Trọng Bình. Ảnh: N.T
Vườn cà phê sau khi tái canh của anh Nguyễn Trọng Bình. Ảnh: N.T

Đang lúi húi giữa vườn cây, anh Nguyễn Trọng Bình-công nhân Đội 1, bỏ dở công việc đến tiếp chuyện chúng tôi. Anh Bình chán nản kể: “Nhà tôi nhận khoán 2 ha, tái canh từ năm 2009 đến 2013 mới xong. Lô này niên vụ 2017 thu được 13 tấn quả tươi, nộp khoán cho Công ty hơn 3 tấn. Gần 10 tấn còn lại tương đương 80 triệu đồng thì đóng bảo hiểm và Công đoàn phí hơn 23 triệu đồng; tiền đầu tư thêm phân bón hơn 30 triệu đồng; nước, tiền vật tư khác hơn 15 triệu đồng nữa… Vậy là, trừ tất cả chi phí, tôi lãi được 2 tấn quả tươi, tương đương 16 triệu đồng sau một năm trời quần quật!”.

Theo Nguyễn Trọng Bình thì đấy là anh thuộc diện “làm giỏi nhất đội”. Nhiều vườn cà phê chỉ đạt 7 tấn quả tươi/ha, thậm chí thấp hơn. Theo anh, nguyên nhân của tình trạng tái canh mà năng suất thụt lùi là do công nhân đã… làm đúng theo quy trình của Công ty. Lẽ ra, sau một quy trình sản xuất, đất đai đã cằn cỗi thì phải dành thời gian ít nhất 1 năm để cải tạo. Thế nhưng vừa nhổ bỏ cây cũ, Công ty đã cho trồng mới ngay. Đã vậy, suất đầu tư lại quá thấp (chỉ từ 115 triệu đồng đến 145 triệu đồng/ha, trong khi định mức của Bộ Nông nghiệp và PTNT là 140-200 triệu đồng). Để dẫn chứng, anh Bình dẫn chúng tôi đến một góc lô nơi chất lượng vườn cây khác hẳn. “5 sào này tôi “làm lén” bằng cách để đất nghỉ 1 năm, tự bù sản lượng rồi mới tái canh; lại bỏ tiền đầu tư thêm mới được thế này”. Theo anh, để có chất lượng vườn cây như 5 sào “làm lén” này thì định mức đầu tư cho 1 ha tái canh phải vào khoảng 200 triệu đồng.

Nợ chồng nợ

Với năng suất và chất lượng vườn cây như vậy, có lẽ không khó để hình dung đời sống hiện tại của công nhân và người lao động của Công ty Cà phê 706. Thực ra thì từ khoảng 10 năm trước, đời sống của họ đã bắt đầu khó khăn, thể hiện qua việc nợ sản phẩm. Theo thời gian, với đà xuống dốc của vườn cây và các yếu tố khách quan, tình trạng nợ đọng không những không được cải thiện mà còn chất chồng thêm trong bối cảnh hiện tại. Đến nay, số nợ của toàn Công ty đã xấp xỉ 40 tỷ đồng, trong đó riêng công nhân và người lao động đã nợ trên 20 tỷ đồng. “Ở Đội 1, người không mắc nợ chỉ đếm được trên đầu ngón tay”-anh Bình nói và cho biết có người đã nợ trên 200 triệu đồng. Nợ lưu cữu từ mùa này sang mùa khác. Có người đến lúc nghỉ hưu vẫn không trả nổi nợ đành dùng “chiêu” sang lô cho con, đưa con đứng ra bảo lãnh mới làm được chế độ… Minh họa thêm thực trạng này, ông Nguyễn Văn Thiện-Đội trưởng Đội 2, cũng cho biết: Tính đến cuối năm 2017, số nợ của công nhân và người lao động ở đội ông đã trên 2 tỷ đồng, nợ năm sau nhiều hơn năm trước.

Tình cảnh nợ nần của công nhân và người lao động lẽ ra sẽ nhẹ đi phần nào nếu Công ty tiếp cận được vốn vay ưu đãi 6,5%/năm dành cho chương trình tái canh. Thế nhưng do nợ nần, Công ty đã phải vay vốn thương mại với lãi suất 11,6%/năm. Công nhân cho rằng, họ phải mất thêm 7-8 triệu đồng/vụ vì sự chênh lệch lãi suất này. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý cồng kềnh và những chi phí không đáng có khác cuối cùng đều đổ lên đầu người lao động.

Tuy nhiên, trái với những gì công nhân nói, ông Lê Trung Nguyên-Giám đốc Công ty, lại nhìn nhận khác. Theo ông Nguyên, năng suất và chất lượng vườn cà phê tái canh thấp là do lỗi của công nhân. Trước khi tái canh, Công ty đã mời cán bộ kỹ thuật về khảo nghiệm. Kết quả cho thấy lượng vi khuẩn có hại trong đất không đáng kể nên mới cho trồng ngay. Mặt khác, đây cũng là nguyện vọng của công nhân bởi nếu dành thời gian để cải tạo đất thì đời sống của họ sẽ thêm khó khăn. “Kêu mức đầu tư thấp nhưng tại sao cũng mức đầu tư ấy, có lô lại đạt tới 18-20 tấn? Không chịu bỏ vốn cùng đầu tư, chỉ trông chờ vào Công ty trong khi chúng tôi cũng đã làm hết cách, kể cả tinh giản bộ máy gián tiếp. Không gắn bó hết mình với vườn cây, nợ vẫn cứ tồn thì tình hình sẽ càng khó khăn hơn; nguy cơ Công ty sẽ không có vốn để tiếp tục tái canh do hạn mức vay sắp hết”-ông Nguyên nói.

Những điều ông Nguyên đã nêu không phải là không có lý. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những vườn cây đạt tới năng suất 18-20 tấn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ và đều thuộc về những hộ công nhân có năng lực tài chính-phổ biến là có cà phê riêng để bù vào. Còn với đa số công nhân và người lao động, với thực trạng đời sống hiện tại, họ lấy vốn đâu để đầu tư? Theo ông Lê Đình Hoàng-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty-thì thu nhập bình quân của công nhân và người lao động hiện dưới mức tối thiểu vùng (2,5 triệu đồng/tháng). 2/3 công nhân phải xoay xở đủ nghề để sống. Có đội sản xuất hơn 90 công nhân phải đi làm thuê. Làm nghề nhưng không sống được bằng nghề; sản xuất mà không có lãi, không đủ bù đắp sức lao động thì làm sao có vốn để đầu tư?

Thực trạng tại Công ty 706 cho thấy đã đến lúc cần có cơ chế quản lý mới. Nếu cứ đổ lỗi cho nhau thì e rằng tình hình không những không được cải thiện mà còn xấu thêm. Với 540 ha đất giao khoán nhưng năm 2017 chỉ lãi được 2,6 tỷ đồng (bình quân lãi chưa tới 5 triệu đồng/ha) thì không chỉ là sự lãng phí tài nguyên không thể chấp nhận mà còn dẫn đến những hậu quả khó lường về an sinh-xã hội.

Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Trường Tiểu học-THCS Bùi Thị Xuân đạt giải nhất tại chương trình ngoại khóa liên trường

Pleiku: Trường Tiểu học-THCS Bùi Thị Xuân đạt giải nhất tại chương trình ngoại khóa liên trường

(GLO)- Ngày 12-4, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Trường Tiểu học-THCS Bùi Thị Xuân phối hợp với Trường THCS Trưng Vương, THCS Nguyễn Văn Cừ, Trung tâm Ngoại ngữ Lanna-Popodoo Pleiku tổ chức chương trình ngoại khóa liên trường câu lạc bộ tiếng Anh năm học 2024-2025 dành cho học sinh khối 9.

Người dân xã Chư Gu lưu thông qua cầu tạm. Ảnh: L.N

Người dân xã Chư Gu mong ước cây cầu bắc qua sông Ba

(GLO)- Để rút ngắn thời gian di chuyển đến khu sản xuất, người dân xã Chư Gu (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã tự làm cầu tạm bắc qua sông Ba. Vì vậy, việc có một cây cầu được đầu tư kiên cố để đi lại thuận tiện, an toàn hơn là mong mỏi của hàng ngàn hộ dân nơi đây suốt nhiều năm qua.

Bà Rơ Ô H’Hieng-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Tul (xã Ia Broăi) hướng dẫn em Rơ Ô H’Tra học bài. Ảnh: R.H

Điểm tựa cho trẻ mồ côi

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã tích cực triển khai hoạt động hỗ trợ trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Pleiku: Xác minh thông tin nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Nhóm lớp mầm non tư thục Hoa Hướng Dương

Pleiku: Xác minh thông tin nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Nhóm lớp mầm non tư thục Hoa Hướng Dương

(GLO)- Chiều 8-4, Phòng Quản lý an toàn thực phẩm (Sở Y tế Gia Lai) phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Pleiku kiểm tra đột xuất tại Nhóm lớp mầm non tư thục Hoa Hướng Dương (535 Phạm Văn đồng, phường Đống Đa, TP. Pleiku) để xác minh thông tin phản ánh của người dân nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại đây.

Gia đình anh Rơ Châm Nek có nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm từ trồng trọt. Ảnh: T.D

“Làng Campuchia” trên đất Gia Lai

(GLO)- Gần nửa thế kỷ sau cuộc trốn chạy khỏi nạn diệt chủng Pol Pot để đến định cư ở làng Triêl (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), cuộc sống của những người dân Campuchia đã ổn định và ngày càng sung túc.

Niềm vui từ những căn nhà chữ thập đỏ

Niềm vui từ những căn nhà chữ thập đỏ

(GLO)- Nhằm hiện thực hóa giấc mơ “an cư, lạc nghiệp” cho người nghèo, thời gian qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh Gia Lai đã huy động sự đóng góp của cộng đồng để xây dựng những căn nhà chữ thập đỏ, mang lại niềm vui cho nhiều hộ gia đình.