Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đội ngũ công nhân, lao động tỉnh Gia Lai luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, một lòng tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng. Ở vùng căn cứ, vùng giải phóng, dù phải chịu sự tàn phá của bom đạn, chất độc hóa học và đói khát, thiếu thốn, họ vẫn ngày đêm lao động quên mình, ra sức sản xuất lương thực, hàng hóa phục vụ kháng chiến.
Trong quá trình lao động và chiến đấu, đội ngũ công nhân không ngừng trưởng thành về mọi mặt, từ ý thức giác ngộ giai cấp, nhận thức chính trị đến phương pháp đấu tranh và tổ chức phong trào. Ý chí đoàn kết thống nhất trong lực lượng công nhân ngày càng được củng cố và phát triển, là cơ sở để tạo nên sức mạnh, đoàn kết cùng các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống kẻ thù.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (bìa trái) và Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (bìa phải) trao cờ thi đua của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho Công đoàn tỉnh tại Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XI. Ảnh: Đức Thụy |
Qua 11 kỳ đại hội, tổ chức Công đoàn các cấp trong tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ; đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bà Rơ Lan Nga-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh-cho hay: Liên đoàn Lao động tỉnh đang trực tiếp quản lý 53.862 đoàn viên Công đoàn trên tổng số 54.776 công nhân, viên chức, người lao động sinh hoạt tại 1.663 Công đoàn cơ sở. Trong đó, khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chiếm 78,64%; khối doanh nghiệp nhà nước chiếm 1,36%; khối doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 20%.
Công đoàn các cấp luôn hướng hoạt động về cơ sở với phương châm “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”, qua đó kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống, việc làm của công nhân, viên chức, người lao động và tình hình hoạt động doanh nghiệp; tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, người lao động chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của đoàn viên, người lao động; vận động đoàn viên, người lao động không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Đặc biệt, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn viên, người lao động đã tích cực, chủ động thi đua “lao động giỏi”, “lao động sáng tạo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao năng suất lao động. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 15.387 sáng kiến của đoàn viên, người lao động được các cấp có thẩm quyền công nhận, làm lợi cho cơ quan, doanh nghiệp trên 21 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Hà-Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Đường An Khê-thông tin: Tại nhà máy, phong trào thi đua đã tạo động lực cho cán bộ, công nhân, người lao động nghiên cứu, khắc phục các khuyết điểm về công nghệ, thiết bị trên dây chuyền, hợp lý hóa sản xuất và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Qua phong trào, hàng chục đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được đưa vào ứng dụng thực tế, tiết kiệm và làm lợi cho nhà máy hàng tỷ đồng.
Chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động
Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn các cấp. Hàng năm, các cấp Công đoàn chủ động, tích cực nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Ông Nguyễn Ngọc Chất-Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Thiện-chia sẻ: “Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ và đi vào chiều sâu. Những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp được quan tâm. Công tác cải cách hành chính, giải quyết công việc hàng ngày được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch”.
Trong khi đó, Công đoàn Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Cao Nguyên luôn xác định bữa ăn ca là một phần quan trọng trong công tác chăm lo đời sống cho người lao động ở doanh nghiệp để đảm bảo sức khỏe sau những giờ lao động vất vả. Người lao động có được một bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng để bù đắp và cung cấp năng lượng cho thời gian lao động tiếp theo. Đó cũng chính là một trong những yếu tố cốt yếu làm tăng sự gắn bó, hài lòng của người lao động khi làm việc tại Công ty
Công nhân Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang tăng cường sản xuất đáp ứng các đơn hàng. Ảnh: Phương Dung |
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Công đoàn tỉnh thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể, nâng tỷ lệ bao phủ của thỏa ước lao động tập thể đạt 79,6% trên tổng số doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Bình quân hàng năm có 99,97% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 100% doanh nghiệp nhà nước và 74,6% doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị người lao động; 100% doanh nghiệp nhà nước và 77,2% doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, qua đó xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
Với mục tiêu chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: Chương trình phúc lợi cho đoàn viên, người lao động với chủ đề “Mỗi Công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên”, “Tết sum vầy”, Tháng công nhân, “Chuyến xe nghĩa tình”, “Mái ấm công đoàn”...
Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, LĐLĐ tỉnh và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã ký kết 113 thỏa thuận hợp tác, mang lại phúc lợi cho 62.219 lượt đoàn viên, người lao động với giá trị thụ hưởng trên 6,5 tỷ đồng. Hàng năm, các cấp Công đoàn đã phát huy tối đa nguồn lực, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động; hỗ trợ tiền vé xe cho công nhân, người lao động ở xa về quê đón Tết; thăm, chúc Tết, tặng quà đoàn viên, người lao động mất việc làm, công nhân làm việc phục vụ Tết trong đêm Giao thừa...
Riêng chương trình “Mái ấm Công đoàn” được đoàn viên, người lao động tích cực hưởng ứng bằng việc tham gia đóng góp quỹ và bình quân mỗi năm có hàng chục “Mái ấm Công đoàn” được xây dựng, sửa chữa, giúp đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn an cư.
Ngoài ra, Công đoàn các cấp còn thường xuyên thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc khi đau ốm, hoạn nạn, gia đình có việc hiếu, hỷ; trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó là con công nhân, viên chức, người lao động; tham gia cùng hệ thống chính trị của địa phương thực hiện có hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội...
Các hoạt động của Công đoàn đã góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống tương thân tương ái, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức Công đoàn trong đoàn viên, người lao động và trong xã hội.