Công bố nhiều phát hiện khảo cổ học quan trọng tại Di chỉ Vườn Chuối

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Địa điểm Vườn Chuối là di chỉ cư trú-mộ táng phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn, là di chỉ khảo cổ quý về thời đại Kim khí ở khu vực phía Bắc Việt Nam.

Các chuyên gia nghiên cứu và truyền thông tham quan các hố khai quật ở Vườn Chuối. (Ảnh: Phương Anh/Vietnam+)
Các chuyên gia nghiên cứu và truyền thông tham quan các hố khai quật ở Vườn Chuối. (Ảnh: Phương Anh/Vietnam+)

Ngày 18/10, tại Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, đoàn công tác khai quật khảo cổ học đã công bố nhiều phát hiện quan trọng liên quan đến thời kỳ tiền Đông Sơn.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, phát hiện nổi bật nhất trong đợt khai quật này nằm ở khu mộ táng: Một số di cốt được đeo rất nhiều vòng ở hai cánh tay, cùng với đó là tục nhổ răng cửa trên hay bỏ đồ gốm, đồ đồng chôn cất theo di cốt. Do chứa nhiều đồ tùy táng có giá trị nên khu mộ này bị đào trộm rất nhiều lần.

“Chúng tôi đã phát hiện hơn 70 mộ táng tiền Đông Sơn và 40 mộ táng Đông Sơn, chia thành 2 giai đoạn mộ Đông Sơn sớm và mộ Đông Sơn muộn. Trong số đó, một đặc điểm quan trọng là mộ táng tiền Đông Sơn có tục nhổ răng cửa ở người trưởng thành nhưng đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn thì không còn thấy tục lệ này,” ông Cường nói.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam thuyết minh về các phát hiện mới tại Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. (Ảnh: Phương Anh/Vietnam+)
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam thuyết minh về các phát hiện mới tại Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. (Ảnh: Phương Anh/Vietnam+)

Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau vẫn còn được bảo tồn khá tốt, hứa hẹn sẽ đưa đến những hiểu biết sâu hơn khi triển khai nghiên cứu về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng... của người Việt cổ trong thời đại Kim khí ở phía Bắc Việt Nam.

Đợt khai quật này còn phát hiện nhiều dấu tích bếp lửa, lò đúc, và một số di tích sinh hoạt khác. Đoàn công tác thu được nhiều di vật thuộc các nhóm chất liệu đá, đồng, gốm, gỗ, sắt... thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn đến Đông Sơn muộn.

Trong số các di vật thu về, đồ gốm vụn có số lượng lớn khoảng trên 10 tấn đã được lưu trữ tại kho và còn nhiều cụm gốm tùy táng vẫn đang lưu giữ tại hiện trường.

Các ngôi mộ cổ chứa nhiều đồ tùy táng. (Ảnh: Phương Anh/Vietnam+)
Các ngôi mộ cổ chứa nhiều đồ tùy táng. (Ảnh: Phương Anh/Vietnam+)

Ông Nguyễn Lân Cường khẳng định đây là một trong những công trường lớn nhất và phát hiện nhiều hiện vật, di cốt nhất trong các cuộc khai quật từ năm 2001 đến nay.

Đánh giá ý nghĩa của cuộc khai quật, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học cho hay kết quả thu được qua đợt khai quật từ tháng 3/2024 đến nay đã bổ sung tư liệu khẳng định Vườn Chuối là một ngôi làng đã được con người thời đại Kim khí khai phá, làm chủ một cách lâu dài, phát triển liên tục cách đây từ 2.000 đến 4.000 năm.

“Những kết quả khai quật, nghiên cứu đã góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ hiện vật về sự có mặt của con người từ rất sớm trên khu vực Hà Nội ngày nay. Hơn nữa còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử các nhóm người dân tộc Việt từ thời tiền sơ sử, chứng minh rõ dần thời đại ‘Hùng Vương dựng nước’ bằng các chứng cứ khảo cổ học,” ông Quý nói.

Toàn cảnh khu vực Di chỉ Vườn Chuối đang được tiến hành khai quật. (Ảnh: Viện Khảo cổ học)
Toàn cảnh khu vực Di chỉ Vườn Chuối đang được tiến hành khai quật. (Ảnh: Viện Khảo cổ học)

Theo chuyên gia, trong thời gian tới, việc tiếp tục khai quật, nghiên cứu phần còn lại ở hiện trường di tích và chỉnh lý nghiên cứu chuyên sâu hứa hẹn sẽ đến thêm nhiều tư liệu quan trọng trong nghiên cứu nhận diện về giai đoạn Kim khí không chỉ ở khu vực Hà Nội mà còn có thể mở rộng hơn.

Đoàn khai quật đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sớm cho phép triển khai giai đoạn chỉnh lý, tránh thất thoát lãng phí những di sản văn hóa quý báu đồng thời đẩy nhanh việc công nhận Di chỉ Vườn Chuối là Di tích cấp Thành phố và thực hiện kế hoạch bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị di tích./.

Di chỉ Vườn Chuối được phát hiện từ năm 1969 và được khai quật nhiều lần vào các năm 2001, 2009, tháng 6-7/2011, tháng 12/2011, tháng 12/2012, tháng 12/2013, tháng 12/2014, 2019 và 2020 với tổng diện tích 1.250m2. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận Vườn Chuối là một phức hệ di tích thuộc loại hình di chỉ cư trú-mộ táng, phản ánh nhiều giai đoạn phát triển trong thời đại Kim khí phía Bắc Việt Nam.

Thực hiện Quyết định số 520/QĐ-BVHTTDL ngày 6/3/2024 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, từ cuối tháng 3/2024, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan liên quan tiến hành khai quật phía Tây gò Vườn Chuối, triển khai 60 hố khai quật, mỗi hố có có diện tích 100m2.

Theo hương Anh (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.

"Báu vật sống" ở làng Kon Kơ Tu

"Báu vật sống" ở làng Kon Kơ Tu

Nghệ nhân Y Yin (72 tuổi) ở làng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) cả đời gắn bó với khung dệt. Bà được xem là “báu vật sống” của làng khi sở hữu kỹ năng dệt điêu luyện và năng khiếu “kể chuyện” trên thổ cẩm.
Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Sau những gian hàng lồng đèn ồn ào, tấp nập mùa Trung thu là bao năm thao thức thầm lặng của các nghệ nhân, miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để thế hệ nào cũng có ký ức đẹp về những đêm trăng vàng với chiếc lồng đèn truyền thống rực rỡ trên tay.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.
Thương lắm, nhà Rông…

Thương lắm, nhà Rông…

Đó là một trong những ngôi nhà Rông cổ và đẹp nhất nhì xứ này còn giữ lại hầu như nguyên vẹn ét xưa cũ trên cao nguyên. Nhưng ngọn lửa đã đốt trụi những gì tinh túy nhất của làng. Ngọn lửa bốc lên cháy rực bỏng rát trong tim của mỗi người làng một nỗi đau nhưng nhức.
Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Nói đến Vu Lan chính là nói đến tinh thần báo hiếu báo ân, tinh thần cứu độ của đạo Phật. Nhưng báo hiếu, tri ân theo tinh thần Phật pháp không phải là sa đà cầu cúng, đốt vàng mã theo kiểu “trần sao âm vậy” như tục lệ dân gian.