Được tin nhóm Wanna One (Hàn Quốc) tới Việt Nam dự lễ trao giải âm nhạc MAMA 2017 tại TP.HCM, nhiều bạn trẻ đã mất ăn mất ngủ, đếm ngược từng giờ để ra sân bay đón thần tượng.
15 giờ chiều một ngày cuối tháng 11, hàng ngàn bạn trẻ đã tập trung rất đông ở sân bay Tân Sơn Nhất, háo hức chờ suốt 7-8 giờ để nhìn tận mắt thần tượng của mình. Ngay sau đó là cảnh tượng hàng ngàn người hâm mộ nháo nhác, nhiều bạn trẻ khóc như mưa ngay giữa sân bay vì hạnh phúc được nhìn mặt thần tượng.
Biển người tới sân bay đón nhóm nhạc Wanna One và những giọt nước mắt hạnh phúc vì được nhìn, gặp thần tượng. Ảnh: Internet |
Thái quá
Hình ảnh ấy không lạ khi mà độ cuồng thần tượng hiện đã trở thành trào lưu trong giới trẻ nước ta và mức độ thể hiện cảm xúc ngày càng tăng đến khó lý giải. Những dòng trạng thái thể hiện độ cuồng thần tượng đến mức thái quá như: “Wanna One là cuộc sống của tôi”; “Có thể quay lưng với cả thế giới chứ không thể quay lưng với EXO”; “Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju biểu diễn. Thật vui vì ông bà già cuối cùng cũng biết điều và để mình đi”. Có bạn nữ còn dùng dao rạch lên tay để khắc tên một nhóm nhạc Hàn mà bạn hâm mộ, hay một fan nam đòi tự tử, mắng chửi bố mẹ thậm tệ vì không cho tiền mua vé đi xem Sơn Tùng MTP biểu diễn…
Theo dõi trên các trang mạng hoặc trang cá nhân của giới trẻ sẽ thấy, một bộ phận không nhỏ người trẻ hiện nay sớm tìm cho mình những thần tượng để tôn sùng trong cuộc sống. Nếu như trước đây, chỉ những người tài giỏi, thông minh, xuất chúng cả về trí tuệ và đạo đức mới được tôn vinh là thần tượng thì hiện nay, chủ yếu thần tượng của giới trẻ là những nam, nữ ca sĩ, diễn viên có ngoại hình xinh đẹp, được đánh bóng tên tuổi và luôn xuất hiện trước công chúng với vẻ ngoài hào nhoáng nhất. Chỉ với nhận diện trực quan vậy thôi cũng đã đủ làm cho người trẻ mất ăn mất ngủ, dẫu cho tài năng của họ ở hạng nào đi chăng nữa.
Có lẽ cho đến thời điểm hiện tại, xứ sở “sản xuất” ra nhiều thần tượng cho giới trẻ Việt nhất vẫn là Hàn Quốc - nơi có ngành công nghiệp thẩm mỹ và ê kíp truyền thông, xây dựng hình ảnh hàng đầu thế giới. Đương nhiên họ cũng đã và đang tung ra thị trường âm nhạc và điện ảnh hàng loạt thần tượng chỉn chu nhất về mặt hình thức cho không chỉ người trẻ Việt mà người trẻ của nhiều nước tôn sùng.
Vì đâu nên nỗi?
Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với 20 học sinh, sinh viên lứa tuổi từ 15-20. Trong đó, 16 bạn cho biết mình có thần tượng là ca sĩ Hàn Quốc, 2 bạn thần tượng ca sĩ Sơn Tùng MTP, 1 bạn thần tượng Mark Zuckerberg - ông chủ của mạng xã hội Facebook và 1 bạn thần tượng hot girl Elly Trần. Nguyễn Đoàn Minh Chi (16 tuổi, ngụ quận 6) hồn nhiên cho biết: “Em hâm mộ mấy anh trong nhóm EXO vì quá đẹp trai, hát hay lại nhẹ nhàng, ấm áp”. Hỏi Minh Chi thích bài hát nào của EXO nhất, bạn này thẳng thắn thừa nhận, chỉ thích nghe thôi chứ họ hát tiếng Hàn nên không hiểu, cũng không nhớ.
Hay Phạm Thanh Thảo (sinh viên Đại học Gia Định) lại thần tượng Elly Trần vì sinh được 2 em bé dễ thương. “Em khao khát được như chị Elly Trần. Em ước sau này mình cũng quen được một anh chàng Tây để sinh những em bé lai dễ thương như con của chị Elly Trần”, Thảo tâm sự. Trong khi đó, nhiều bạn hâm mộ diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc vì… thấy bạn bè hâm mộ!
Rất nhiều nguyên nhân khiến giới trẻ quá dễ dãi đối với “chuẩn” thần tượng, đó có thể do cha mẹ nuông chiều hoặc cha mẹ chưa đủ làm thần tượng trong lòng con. Cũng có thể do tuổi mới lớn thích sự khác biệt, thích thần tượng kiểu a dua theo tâm lý đám đông. Nhưng có lẽ, nguyên nhân sâu xa hiện nay là do truyền thông đã và đang quá lố trong việc tung hê những ca sĩ, diễn viên trẻ. Nếu truyền thông không ưu ái đưa thông tin một cách chi tiết đến từng “chân tơ kẽ tóc” với những lời có cánh, phô ra những gì tốt đẹp nhất, hào nhoáng nhất của họ thì liệu rằng giới trẻ có biết đến những nhân tố này? Thậm chí có nhiều nơi, truyền thông còn tự tạo ra độ “hot” ảo cho chính nhân vật họ cần lăng xê để làm cò mồi tăng lượng người hâm mộ.
Nghịch lý ở chỗ, nhiều trang báo dành cho giới trẻ lại quá hiếm những tấm gương người tốt việc tốt, trong khi thông tin về những cái xấu lại tràn lan. Mới đây nhất, câu chuyện về cô gái Phan Minh Anh (18 tuổi) đi tìm cậu bé đánh giày để tặng chiếc áo ấm giữa cái rét 16 độ tại Nghệ An, được một số trang báo đưa tin qua loa. Dù hành động của Minh Anh là đáng trân trọng và nhận được nhiều lời khen ngợi của cộng đồng, nhưng đâu đó trên nhiều trang cá nhân, nhiều bạn trẻ sẵn sàng tỏ thái độ dè bỉu, cho rằng cô gái này đang làm trò để nổi tiếng, hoặc nghi ngờ rằng cô chuẩn bị bán hàng online nên mới làm như vậy để tăng lượt xem… Thế nhưng, với những sự việc tiêu cực thì nhiều trang báo mạng lại khai thác triệt để đời tư từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành của nhân vật với mật độ thông tin liên tục, dày đặc.
Như vậy, vô hình trung, truyền thông đang hướng giới trẻ vào hình ảnh đối lập khi tung hê người trẻ nước ngoài xinh đẹp, giỏi giang, tử tế, trong khi người trẻ Việt có hình ảnh xấu, để giới trẻ có cớ tôn sùng văn hóa nước ngoài, quay lưng với những giá trị truyền thống trong nước. Tuổi trẻ, ai cũng có cho mình một vài thần tượng để có thêm niềm vui và động lực trong cuộc sống, vì vậy không nên quá khắt khe với việc giới trẻ thần tượng ai đó. Tuy nhiên, người lớn cần quan tâm, định hướng để con trẻ lựa chọn thần tượng sao cho xứng đáng, thay bằng mù quáng, mất lý trí khi đặt thần tượng trên cả sức khỏe của bản thân, trên cả việc học hành, cha mẹ và gia đình.
Hải Thu (sggp)