TPHCM áp dụng mức độ phòng dịch cao hơn kể từ ngày 23.8, người dân phải tuyệt đối chấp hành để dập dịch. Nhưng có hai mối lo, một là người dân có được cung cấp thực phẩm, hai là có được chăm sóc y tế, cung cấp thuốc men.
Tủ thuốc ở khu khám bệnh Trạm y tế lưu động số 1, quận 7, TPHCM. Ảnh: Ngọc Lê |
Trong thời gian qua, đối với những trường hợp khó khăn, họ được sự hỗ trợ từ nhiều kênh, trong đó có những nhóm thiện nguyện. Khi quy định về đi lại gắt gao, ai sẽ đem từng hộp cơm đến cho người nghèo để cứu đói?
Theo thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, quân đội sẽ vừa tuyên truyền, giám sát người dân thực hiện nghiêm việc cách ly theo Chỉ thị 16, vừa đưa lương thực, thực phẩm, gói an sinh, gói thuốc điều trị đến từng nhà dân.
Có quân đội hỗ trợ, chắc chắn kỷ luật chấp hành giãn cách sẽ được giữ nghiêm, người dân sẽ được giúp đỡ về thực phẩm. Nhưng chuyện cấp cứu, điều trị bệnh nhân không đơn giản như giao túi quà, mà liên quan đến chuyên môn, chỉ có bác sĩ mới giải quyết được.
Tính đến ngày 20.8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, thành phố có 40.451 trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà.
Những người điều trị tại nhà rất cần sự hỗ trợ, không chỉ là thực phẩm mà còn máy thở, bình ôxy dự phòng, thuốc men và đặc biệt là khám bệnh, chữa bệnh.
TPHCM có 6 trạm y tế lưu động được thành lập, trong đó có 1 trạm đặt tại quận 3 và 5 trạm đặt tại quận 7 nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà.
Nhưng với thành phố lớn nhất nước, hơn 10 triệu dân, thì 6 trạm y tế lưu động là quá ít, không thể đáp ứng được nhu cầu trên thực tế. Cho nên, các đội thiện nguyện hỗ trợ y tế rất quan trọng, giúp được bệnh nhân trong cơn nguy cấp, chờ cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ của cơ sở y tế hoặc nhập viện.
Chưa kể, người dân không chỉ bị bệnh vì COVID-19, mà rất nhiều bệnh tật khác, cần được khám bệnh, tối thiểu là đi mua thuốc.
Được cho phép đi lại, khi đau ốm, chỉ cần chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể mua thuốc uống. Nhưng trong trường hợp cách ly nghiêm ngặt, tuyệt đối không được ra ngoài, bệnh nhân sẽ mua thuốc bằng cách gì?
Đối với mối lo lớn này của người dân, phải có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, các phương án lo cho dân chu đáo, đảm bảo phục vụ dân tốt.
Miếng ăn đến không kịp thì chịu đói một chút, nhưng cấp cứu bệnh nhân thì không thể chậm trễ.
Có thể thiếu một miếng ăn nhưng không thể thiếu liều thuốc cho người bệnh.
Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)