(GLO)- Hiệp định chung tạo thuận lợi thương mại cho khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam sau khi được ký kết sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện và thuận lợi trong khu vực.
Tạo thuận lợi phát triển thương mại
Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác phát triển lần thứ 7 đã giao nhiệm vụ cho đầu mối quốc gia là Bộ Công thương của Campuchia, Lào và Việt Nam xây dựng Hiệp định chung tạo thuận lợi thương mại khu vực. Hiệp định sẽ tạo ra cơ chế thuận lợi, ưu đãi cho hàng hóa dịch vụ, thúc đẩy việc tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại, đoàn giao thương, đoàn nghiên cứu và khảo sát thị trường; góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững khu vực Tam giác phát triển, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển với các vùng của mỗi nước trên cơ sở khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, các nguồn nội lực của từng tỉnh. Qua đó, tăng cường mối liên kết kinh tế trong nội bộ vùng và ngoài vùng, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp thiết thực vào việc tăng cường hợp tác giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam.
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: L.L |
Theo ông Lê An Hải-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định CLV thì Bộ Công thương Việt Nam đã phối hợp với các bộ đối tác của Lào và Campuchia tiến hành đàm phán xây dựng Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại khu vực Tam giác phát triển (gọi tắt là Hiệp định CLV-DTA). Đến nay, Hiệp định đã đàm phán được 3 phiên kỹ thuật và về cơ bản thống nhất được các nội dung chính trong Hiệp định. Phiên đàm phán thứ 4 sẽ được tiếp tục từ ngày 18 đến 20-4-2016 tại tỉnh Đak Lak. Theo kế hoạch, Hiệp định CLV-DTA sẽ được xây dựng và hoàn thành trước Hội nghị thượng đỉnh Tam giác phát triển CLV lần thứ 9 tại Campuchia diễn ra vào cuối năm 2016.
Cơ hội cho Gia Lai
Là một trong 5 tỉnh của Việt Nam nằm trong khu vực Tam giác phát triển, Gia Lai được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế về địa lý, giao thông, trong đó, TP. Pleiku được coi là trung tâm địa lý của Tam giác phát triển CLV. Từ TP. Pleiku có thể kết nối đến các địa phương như Păk Sế (Lào), Xiêm Riệp (Campuchia), Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang qua nhiều tuyến quốc lộ như:14, 19 và 25. Đặc biệt, từ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đi qua quốc lộ 78 có thể đến tỉnh Rattanakiri, các tỉnh Đông Bắc Campuchia và sang các tỉnh Nam Lào, Thái Lan. Ngoài ra, Gia Lai còn có Cảng Hàng không Pleiku với 3 hãng hàng không đang khai thác, hàng ngày đều có các chuyến bay đi TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…
Khu vực Tam giác phát triển gồm 4 tỉnh thuộc Campuchia là: Mondulkiri, Rattanakiri, Stung Treng, Kratie; 4 tỉnh thuộc Lào là: Attapeu, Salavan, Sekong, Champasak và 5 tỉnh thuộc Việt Nam là: Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Bình Phước. |
Với những lợi thế trên, hoạt động thương mại của Gia Lai với các nước bạn trong những năm qua đã không ngừng phát triển, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014 đạt 40 triệu USD, năm 2015 tăng lên 150 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp địa phương tham gia đầu tư qua Campuchia và Lào tăng dần từng năm. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án ở Campuchia và Lào cho 17 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn trên 1,27 tỷ USD, chủ yếu là trồng, chế biến mủ cao su, cà phê, mía đường, xây dựng thủy điện, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng cho thuê… Hiện các dự án đã triển khai thực hiện đạt từ 50% đến 60%; một số dự án tại Campuchia đã hoàn thành 80-90% kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, hoạt động thương mại biên giới đã góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong tỉnh, đặc biệt là những mặt hàng nông sản như mì lát, hạt điều… tạo nguồn nguyên liệu phong phú cho chế biến và xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, việc đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sang Campuchia, Lào cũng đã đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh nước bạn, củng cố và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Campuchia và Lào. Như vậy, sau khi Hiệp định CLV-DTA được ký kết, Gia Lai sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế thương mại.
Tuy nhiên, theo ông Lê An Hải, sau khi Hiệp định được ký kết, việc đảm bảo chất lượng cơ sở hạ tầng cũng như nguồn lực để có thể tận dụng tối đa các cơ hội đến từ Hiệp định đem lại là một trong những thách thức đang được lưu ý, đặc biệt đối với chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Ngoài ra, việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp địa phương cũng là một thách thức không nhỏ để đảm bảo các doanh nghiệp có thể cạnh tranh được không chỉ đối với các doanh nghiệp Lào và Campuchia mà còn với các doanh nghiệp trong khu vực.
Lê Lan