Cô gái Việt như sống trong ảo ảnh giữa sa mạc Sahara

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhìn bạt ngàn rừng chà là xanh ngắt, SaRu tự hỏi đó là thật hay ảo ảnh, và chỉ tin khi xe dừng lại trước một hồ nước lớn.


Nguyễn Lan Uyên, biệt danh SaRu, từng chia sẻ giây phút rùng mình khi vào kim tự tháp Ai Cập. Dưới đây là chia sẻ tiếp theo của cô về hành trình khám phá sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới Sahara.

 7h sáng, hướng dẫn viên Aly và tài xế Hamdy đến đón tôi tại khách sạn. Đây là ngày mà tôi háo hức nhất trong hành trình gần nửa tháng tại Ai Cập - ốc đảo Siwa và sa mạc Sahara.

Aly cho biết, chúng tôi phải vượt 700 km băng qua sa mạc để đến ốc đảo Siwa. Thỉnh thoảng, xe chúng tôi bị chặn lại bởi nhiều chốt kiểm tra an ninh biên giới dọc đường đi. Bởi nơi đây là điểm nóng của các tội phạm buôn lậu ma túy và súng đạn từ Lybia sang (Siwa chỉ cách Lybia 40 km).


 

 



 Tại các chốt chặn, quân đội kiểm tra hộ chiếu, lục tung hành lý. Ban đầu tôi còn thấy đáng sợ, nhưng sau hai ngày vượt 1.400 km sa mạc, dừng kiểm tra cả chục lần, chúng tôi đã dần quen với chuyện đó.

"Welcome to Siwa", Aly đánh thức tôi trong cơn mộng mị. Siwa ập vào mắt là bạt ngàn rừng chà là xanh ngắt. Tôi có chút hoài nghi, sợ mình đang đi giữa ảo ảnh vô thực. Vì tôi đọc ở đâu đó có nói rằng, đi trên sa mạc đôi khi chúng ta nhìn thấy ốc đảo, hồ nước, thậm chí rất nhiều người, nhưng chúng không hoàn toàn có thật mà chỉ là hình ảnh phản chiếu mà thôi. Cho đến khi xe dừng lại tại một hồ nước rộng lớn, bước chân xuống đất tôi mới chắc chắn nó có thật.

Con đường nhỏ dẫn đến một chiếc cầu gỗ vươn ra hồ, cảnh tượng thật êm đềm hiện ra trước mắt. Vài bô lão đang ngồi hút shisha, đốt lửa, vừa đun bình trà Karkade vừa trò chuyện. Vài hàng ghế mây dọc bờ sông hướng thẳng đến vầng mặt trời đỏ hỏn đang khuất dần sau dãy đá. Mấy chú bé đen nhẻm đứng câu cá trên cầu.


 

Giếng nước ở ốc đảo Siwa.
Giếng nước ở ốc đảo Siwa.



 Trước khi đến Sahara, xe chở tôi đến hồ muối, gió lồng lộng, mặt hồ xanh giữa cái nắng hầm hập, xung quanh là các tinh thể muối sắc nhọn lấp lánh như kim cương. Aly giục tôi nhảy xuống bơi. Nhìn đáy hồ sâu thăm thẳm đến 5-6 m nên tôi ngần ngại lắc đầu. Cuối cùng tôi vẫn không cưỡng nổi sức hấp dẫn của màu nước xanh trong vắt, chân khua khoắng men theo lớp muối trắng toát xuống hồ.

Nước lạnh ngắt, nhưng đúng là không chìm thật, tôi cứ nổi lềnh bềnh mặc cho nó muốn trôi đi đâu thì trôi. Được tầm 5 phút, cảm thấy rát mắt, lưỡi mặn chát, tôi vội vàng trèo lên. Muối tích tụ lại trên người, mặt mũi, quần áo tóc tai trắng xóa, trông tôi cứ như dân tị nạn vậy.

Xe chở tôi đến giữa ốc đảo Siwa, nơi có một giếng nước lớn, sâu thẳm, trong vắt mà thanh niên trong làng hay tụ tập ở đó để bơi lội. Nơi đây có một quán cà phê nhỏ với giàn hoa giấy, vài hàng bán đồ lưu niệm, cũng là nơi đông đúc nhất ở ốc đảo. Đó cũng là nơi chúng tôi bất cẩn bị móc túi mất 400 USD.

Tắm rửa lại xong xuôi, chúng tôi bắt đầu hành trình cắm trại ở sa mạc Sahara. Xe dừng tại khu vực an ninh, chúng tôi hoàn tất thủ tục kiểm tra, đổi sang một chiếc xe jeep cùng với một tài xế khác, thẳng tiến vào sa mạc.

Sahara được mệnh danh là sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới. Ban ngày có nơi nóng gần 60 độ, ban đêm có nơi xuống đến âm 40 độ. Tôi như đang đi trong mơ, chưa bao giờ dám nghĩ về một ngày mình có thể đến được Sahara. Những đụn cát vàng mơ, tầng tầng lớp lớp chạy đến chân trời không có điểm dừng. Những cơn gió mạnh thổi cát bay lơ lửng trong không trung như lớp sương mờ ảo.

Xe dừng ở một số hồ nước nhỏ giữa sa mạc, xung quanh còn có cả cây cỏ hoa lá. Trời về chiều, sa mạc nguội dần những cơn nóng gắt da, chỉ có gió thổi cát tung bay như ảo ảnh của những giấc mơ.


 

 Tài xế nhóm lửa đun trà Karkade.
Tài xế nhóm lửa đun trà Karkade.

Cũng tại đây, tài xế có dịp trổ hết tài nghệ của mình. Ông cho chiếc xe jeep bốc đầu tiến lên những đụn cát cao đến cả chục mét, đứng lơ lửng vài giây giữa ranh giới mong manh, rồi lao vun vút xuống như muốn chúi ngược. Xe lại tiếp tục oằn mình leo lên một đụn cát khác, sau đó thả tự do trôi như muốn đổ ngang. Cứ thế suốt cả tiếng đồng hồ, chúng tôi hò reo phấn khích trong khi tay vẫn níu chặt một thứ gì đó trên xe nếu không sẽ lộn ngang lộn dọc.

Cuối cùng, xe dừng ở một dốc thoải cho chúng tôi chơi trượt cát. Còn tài xế nhóm củi đốt lửa nấu trà. Ở Ai Cập trời rất nóng, sa mạc lại càng nóng, nhưng chẳng bao giờ họ uống nước đá, mà dùng nước thật nóng để cân bằng nhiệt độ cơ thể và ngoài trời. Tôi chôn chân mình dưới cát, nhấp ngụm trà Karkade, ngước mắt đợi bầu trời sẽ ửng hồng trong buổi hoàng hôn.

Những người mắc bệnh đau khớp thường tìm đến Sahara để vùi thân mình dưới cát khoảng 15 phút, sau đó vào lều để xông hơi. Nếu thân nhiệt chưa đủ nóng, họ sẽ được uống thêm một cốc trà thảo dược. Mỗi đợt điều trị sẽ kéo dài từ 3 tới 9 ngày. Dòng cát nóng ấm sẽ luồn qua cơ thể giúp tăng tuần hoàn máu và khả năng miễn dịch, chữa đau khớp hiệu quả.

Về lều, sau bữa tối với thịt gà, cừu, bồ câu, chúng tôi lại ngồi xung quanh lửa trại để ca hát nhảy múa. Tiếng hát, tiếng chiêng tiếng trống vang dội cả một vùng hoang mạc. Những ngày đẹp đẽ nhất trong hành trình nửa tháng ở Bắc Phi, tôi đã để quên trái tim mình ở đây.

SaRu (VNE)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.