"Cò" đất bắt tay chủ đầu tư: Rủi ro lớn cho khách hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều dự án đất nền, chung cư chưa đủ điều kiện mở bán, nhưng “cò” vẫn rao bán rầm rộ. Vấn đề phức tạp đến mức, Bộ Xây dựng phải cảnh báo hiện tượng “cò” đất bắt tay chủ đầu tư lộng hành và nguy cơ rủi ro khi khách hàng mua phải những dự án kiểu này.
 
Dự án Danko City (Thái Nguyên) chưa hoàn thiện hạ tầng và đủ điều kiện bán hàng,”cò” đất vẫn rao rầm rộ
Bán “lúa non”, gây sốt ảo
Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua đất nền tại một dự án ở Thái Nguyên, PV Tiền Phong được một nhân viên môi giới tên H. và N. (tự nhận là nhân viên của Homevina - đơn vị phân phối độc quyền của dự án - PV), tư vấn nhiều thông tin liên quan giá và cách thức đặt cọc căn hộ. “Toàn bộ dự án có khoảng 1.600 sản phẩm nhà phố kinh doanh; biệt thự, liền kề (khoảng 1.000 sản phẩm). Đây là đợt mở bán giai đoạn đầu, khoảng 120 lô suất ngoại giao với mức giá ưu đãi 12-15 triệu đồng/m2 tùy vị trí”, môi giới N. cho biết.
 Về pháp lý của dự án, môi giới này cũng thừa nhận chưa có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, để thuyết phục khách hàng, các môi giới cho biết đã có quy hoạch 1/500, có số lô trên bản đồ quy hoạch (khách hàng được đưa ra để chọn).
Tư vấn về phương thức mua bán, môi giới N. cho biết cụ thể: “Ban đầu khách hàng sẽ đặt cọc 50 triệu đồng. Sau 7 ngày sẽ ký hợp đồng vay vốn. Hiện tại, dự án chưa đủ điều kiện mua bán nên đây là hình thức bán “lúa non” với giá rẻ. Hợp đồng vay vốn được chia làm 7 đợt với tổng giá trị 95%. Sau 18 tháng chuyển sang hợp đồng mua bán”.
Giới thiệu một nhà phố kinh doanh nằm ở mặt đường 30m, môi giới H. cho hay, giá nhà phố này khoảng 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá thực tế sẽ rơi vào khoảng 1 tỷ 540 triệu đồng, cộng với khoảng 250 triệu đồng thu ngoài hợp đồng (có thể hiểu là tiền chênh - PV), lần đầu khách hàng sẽ đóng khoảng hơn 300 triệu đồng.
Một cán bộ truyền thông của Cty trên thừa nhận, dự án chưa được cấp phép xây dựng. Theo vị này, công ty đang làm các quy trình thủ tục theo đúng quy định, các giấy tờ dự án đang trong quá trình hoàn thiện và chưa bán hàng
Trước đó, ngày 11/11/2019, Bộ Xây dựng có văn bản cho ý kiến chấp thuận đầu tư dự án Khu nhà ở Cao Ngạn (tên thương mại là Danko City) làm chủ đầu tư. Theo đó, Bộ Xây dựng lưu ý dự án có nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu tỉnh Thái Nguyên cần rà soát, xác định quy mô dân số, diện tích sử dụng đất ở, số lượng căn hộ và quy đổi dân số tại dự án bảo đảm phù hợp quy hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Tương tự, Dự án Wyndham Lynn Times Thanh Thủy (Thanh Thủy, Phú Thọ) đang được các đơn vị phân phối quảng cáo rầm rộ tại Hà Nội rằng, đây là khu nghỉ dưỡng khoáng nóng 5 sao đầu tiên. Theo lời nhân viên, do dự án chưa xong thủ tục pháp lý nên khách hàng có thiện chí mua sẽ đặt cọc 50 đến 100 triệu đồng. Sau 7 ngày, hai bên sẽ ký hợp đồng ký quỹ và nộp 15% trị giá căn hộ để đảm bảo việc ký kết hợp đồng mua bán. Tiến độ thanh toán kéo dài 17 đợt, mỗi lần nộp tương ứng 5% trị giá căn hộ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng Phú Thọ, hiện tại, dự án vẫn chưa đủ điều kiện pháp lý để bán hàng.
Ngăn chặn hành vi trái luật
Trước thực trạng lách luật huy động vốn của một số chủ đầu tư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, cần bổ sung chế định về đặt cọc với số tiền không vượt quá 50 triệu đồng khi hai bên ký hợp đồng mua bán vào Điều 57, Luật Kinh doanh Bất động sản. HoREA kiến nghị không lập hợp đồng mua bán hoặc sử dụng hình thức lập biên bản, thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ, “góp vốn đầu tư”, “hợp tác đầu tư”, “hợp tác kinh doanh” để thực hiện giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai. Việc này là huy động vốn trái phép, trái với quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản.
“Luật Kinh doanh Bất động sản không có quy định đặt cọc, nên các đầu nậu, doanh nghiệp lách qua Bộ luật Dân sự để không hạn chế về số tiền huy động. Dự án yêu cầu đặt cọc càng cao, khách hàng càng dễ bị lừa. Trong hợp đồng kinh doanh bất động sản, thanh toán đợt 1 không quá 30% trị giá hợp đồng, cho nên đặt cọc không quá 50 triệu đồng là hợp lý”, ông Châu nói.
Để khắc phục vấn đề “cò” đất bắt tay chủ đầu tư tạo sốt ảo, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Theo thẩm quyền, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản đôn đốc các địa phương tập trung đẩy mạnh quản lý nhà nước về thị trường bất động sản nói chung, hoạt động môi giới bất động sản nói riêng để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan hoạt động môi giới bất động sản để có các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường bất động sản nói chung.

Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, năm 2020 sẽ thanh tra các dự án bất động sản tại các tỉnh. Hoạt động thanh tra sẽ chú trọng các dự án phân lô, bán nền, huy động vốn trái phép của khách hàng.

Ngọc Mai (TP)

Có thể bạn quan tâm

Tại Quyết định này, UBND tỉnh công bố 15 thủ tục hành chính mới và 22 thủ tục bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Công bố 15 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố 15 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ 22 thủ tục trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.