Từ hàng trăm năm nay, Cảnh Dương đã nổi tiếng trù phú, một “danh hương văn vật” và là pháo đài kháng chiến anh hùng của Quảng Bình.
Làng được thành lập năm Quý Mùi (1634), trải qua bao thăng trầm, biến thiên của thời cuộc nhưng Cảnh Dương vẫn giữ trọn nét đẹp và phát huy giá trị nghề chài lưới, chế biến thủy hải sản, buôn bán cùng những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc.
Một góc biển Cảnh Dương. |
Từ quốc lộ 1, rẽ xuống Cảnh Dương (thuộc xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) chưa đầy một cây số. Xe ô tô có thể về tận bờ biển, bờ sông. Chợ làng ngày họp hai buổi, tấp nập người mua kẻ bán. Cảnh Dương nằm ở vùng bãi ngang, có sông Ròn uốn lượn phía bắc, có những động cát dài, những rừng cây giang, cây sầm bù che chắn ở phía nam. Ngoài khơi xa là biển cả mênh mông với một số hòn đảo lớn nhỏ như Hòn La, Hòn Én, Hòn Ông... Dọc bờ biển, từ lâu đời người làng đã trồng các rặng phi lao, các hàng dừa, các bụi dứa dại để chắn sóng, chắn gió, vừa làm mát, làm đẹp cho xóm thôn. Vào những ngày hè, khí trời nồng nực, được ra ngồi dưới những bóng cây này để đón ngọn gió lành từ biển thổi vào, rồi chiều mát lại xuống biển tắm thì không ai không thích thú.
Về Cảnh Dương, du khách không chỉ ngắm nhìn cảnh quan của một làng biển trù phú mà còn được thăm lăng thờ cá ông voi, tham quan đình làng - nơi thờ các vị tiền hiền khai khẩn vùng đất này và cũng là nơi trưng bày nhiều hiện vật văn hóa quý giá: quả chuông lớn mang tên“Cảnh viện hồng chung” (đúc vào đời vua Cảnh Thịnh 1801), 2 tấm bia đá khắc tên các vị khoa bảng của làng. Cảnh Dương cũng là nơi có nhiều lễ hội, nhiều làn điệu ca nhạc dân gian đậm đà sắc thái biển, sắc thái địa phương. Nếu đến đây đúng vào dịp lễ Quốc khánh, tết Nguyên đán hoặc lễ xuất hành, lễ cầu ngư..., chúng ta sẽ còn được xem đua thuyền trên biển, đánh cờ người, nấu cơm thi cơm cần, nghe hò chèo cạn, hò giã ruốc...
Cảnh Dương cũng là vùng quê nổi tiếng về văn hóa ẩm thực trong vùng. Có câu ca rằng: Thơm ngon nước mắm Cảnh Dương/ Cá tôm miền biển cũng nguồn lợi to. Về Cảnh Dương được ăn cua gạch, tôm hùm, ốc khổng, “cá lẹp mà kẹp rau mưng”, cá thu, cá bẹ, cá nục, cá cơm với đủ các kiểu kho bở, kho khô, nấu canh, nấu cháo, chiên, nướng, xào..., quả là một bữa tiệc ẩm thực khoái khẩu.
Trên con đường xuôi ngược Bắc Nam, xin hãy một lần dừng chân về thăm Cảnh Dương quê tôi.
Trần Hoàng/thanhnien