Chuyện về Bí thư Tỉnh ủy Sô Lây Tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi còn đương chức Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum, một lần về xã Đak Kroong, huyện vùng cao Đak Glei, đến làng Đăk Vớt, thấy một gia đình nghèo quá, trời lạnh mà chủ nhà phải cởi trần, đóng khố, ông đã cởi ngay chiếc áo đang mặc khoác lên người chủ nhà, rồi cởi luôn chiếc quần dài đưa tiếp. Ông chủ cảm kích trước tình cảm, việc làm ấy đã ôm chầm lấy ông mà khóc và ông cũng không cầm được nước mắt… Mọi người đi cùng hôm ấy rất xúc động. Đó là một trong những câu chuyện cảm động về ông Sô Lây Tăng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum.

Từ cậu bé giao liên đến vị trí lãnh đạo tỉnh…

Lúc còn đương nhiệm, dù có bận đến mấy, những ngày lễ, ngày truyền thống của Đoàn thanh niên, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum, ông Sô Lây Tăng cũng đến thăm anh em ở cơ quan tỉnh đoàn. Ông đến với thanh niên là hoà mình ngay với lớp trẻ. Còn nhớ khi tôi còn công tác ở tỉnh đoàn, hôm ấy ông “kéo” cả nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Ka Ba Tơ đến thăm anh em tỉnh đoàn chúng tôi.

 

Ông Sô Lây Tăng với cố nhà báo Hữu Thọ tại biên giới Việt - Lào (ảnh trái).
Ông Sô Lây Tăng với cố nhà báo Hữu Thọ tại biên giới Việt - Lào (ảnh trái).

Cặp song ca Sô Lây Tăng - Ka Ba Tơ trong giai điệu “Đảng là cuộc sống của tôi” vang lên trong căn phòng nhỏ chật kín thanh niên như tiếng kèn xung trận, giục giã tuổi trẻ chúng tôi tiến bước… Hát đến câu “Đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao. Đảng làm nên bài ca chiến thắng, cho đất nước và tình yêu” thì ông bật khóc, khóc thành tiếng ... Tôi hiểu, tự đáy lòng mình, tình cảm của ông với cách mạng, với Đảng đã thấm sâu vào máu thịt của mình và ngọn lửa nhiệt huyết vì buôn làng Tây Nguyên trong ông vẫn đầy ắp, tròn đầy và ấm nóng.

Làng Nú Vai, Xã Đak Kroong, huyện Đak Glei quê ông ngày ấy bị giặc đốt mất hai làng. Dân làng chạy sang Lào rồi trôi sông, trôi suối, người mất, người còn. Lên tám tuổi, khi cách mạng về làng, ông cùng cha mẹ trở về nơi chôn rau cắt rốn.

Ông nhớ lại, khi ấy cách mạng về làng người dân tưởng là giặc nên chạy trốn. Ông bị đau nên không chạy được. Bộ đội cho ông thuốc uống rồi khỏi bệnh. Được giác ngộ, ông là người đầu tiên trong làng cắt tóc (vì ngày ấy già, trẻ, trai, gái Giẻ - Triêng ai cũng để tóc dài và không bao giờ cắt).

Được bộ đội giao, ông nhận làm liên lạc. Cậu bé A Tăng (tên thủa nhỏ của ông) đóng khố, cởi trần ngày đêm không quản hiểm nguy vượt núi cao, suối sâu mang những thông tin nóng hổi phục vụ cách mạng. Đã nhiều lần bị lộ, ông phải chui vào bụi le giữa rừng, ngụp xuống suối để trốn.

Lại những đêm rét mướt, giữa núi rừng âm u, bao gian nan khó nhọc nhưng được bộ đội tin giao, không việc nào ông thất bại. Chiến công thầm lặng của người chiến sĩ giao liên nhỏ tuổi đã góp phần vào chiến thắng của trận Đăk Pet mà ông là một trong ba vị chỉ huy của trận mở màn này.

Kon Tum giải phóng năm 1954. Khi ấy ông 17 tuổi. Trong đoàn quân đi bộ từ làng Nú Vai quê ông đến Kon Tum dự lễ chiến thắng. Bây giờ nhớ đến lúc đó, ông cũng không nhịn được cười. Chẳng là đi bộ đến ngày thứ năm mới đến dốc Đầu Lâu (xã Đak La, huyện Đăk Hà bây giờ) ông không đi được nữa. Ban tổ chức cho xe đạp đi đón. Người của Ban tổ chức bế ông đặt vào gác ba ga để đèo đi mà ông vẫn không ngồi được, ngã lên ngã xuống đến mấy lần.

Dự lễ chiến thắng ở thị xã Kon Tum là ngày mà ông không bao giờ quên. Ông nói: “Biết bao sung sướng tủi hờn, trông nhau mà tưởng như còn trong mơ” (Tố Hữu). Đúng là như trong một giấc mơ nhưng đó lại là sự thật.

Ông kể, người ta bảo tôi cởi khố ra, đưa quần cho mặc để đi dự lễ. Lúc đầu thấy khó chịu lắm vì nó cứ lỏng lẻo làm sao ấy nhưng sau dần cũng quen. Xong lễ, trên đường trở về làng Nú Vai nơi ông sinh ra, ông Phạm Nhớ (nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum) có hỏi ông: “Tăng này, mày có muốn đi gặp Bok Hồ không? Lúc ấy, ông cũng chẳng hiểu Bok Hồ là ai nhưng trong ông đã cháy lên một niềm tin mãnh liệt vào cách mạng, vào những người đã dạy bảo, dìu dắt mình nên ông đồng ý ngay.

Từ một cậu bé đóng khố, không biết chữ, được đưa ra sống giữa thủ đô. Ông đã học một mạch 16 năm, từ lớp một đến Đại học Y Hà Nội. Cầm tấm bằng Bác sĩ y khoa, theo đoàn quân Nam tiến vào Ban dân y Khu 5. Không làm chuyên môn, đi phát rẫy, tăng gia sản xuất.

Chỉ huy bảo: “Thằng này cái gì cũng làm được, giỏi đấy”. Được kết nạp Đảng. Thế rồi ông lao đi chống sốt rét, dịch hạch, đào hố xí, vệ sinh làng bản cho dân và ngay năm ấy, ông giật luôn danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, được bầu vào cấp uỷ, phụ trách thanh niên trong những năm tháng gian khổ mà hào hùng trên núi rừng Tây Nguyên. Năm 1974 ông lên Kon Tum rồi lần lượt kinh qua: Uỷ viên Ban dân y tỉnh; năm 1976; Phó ty y tế; học trường Nguyễn Ái Quốc 2 năm về làm Trưởng ty; Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban, rồi Phó Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai - Kon Tum.

Trở về với buôn làng Kon Tum

Cuối năm 1991, Gia Lai - Kon Tum được chia tách thành hai tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ X, tháng 12 năm 1991, ông Sô Lây Tăng - vị Chủ tịch tỉnh đã trở thành Bí thư Tỉnh ủy trong chặng đường đầu tái lập tỉnh đầy cam go, đã được bầu với số phiếu tín nhiệm cao. Đại hội thành công, mọi người dân dường như cùng đón nhận trong tâm trạng phấn khởi và tin tưởng vào sự lựa chọn của Đảng.

Trọng trách của ông với cương vị người đứng đầu của một tỉnh cực bắc Tây Nguyên còn nghèo nhất nhì cả nước làm ông bao phen mất ăn mất ngủ. Ông bảo: “Muốn có chủ trương đúng thì phải bám sát dân, phải đi cơ sở nhiều, lắng nghe dân nói, nghĩ cho cùng, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng phải bắt nguồn từ cuộc sống”.

Mười năm làm Bí thư Tỉnh uỷ, mười lăm năm làm nghị sĩ Quốc hội (khóa VIII, IX, X ) gần tám năm tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Sô Lây Tăng - vị “Già làng Tây Nguyên” (theo cách gọi của nhiều người) này đã để lại cho lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum bao sự kiện - từ không đến có - tuy chưa giàu nhưng nghèo đói đã và đang được đẩy lùi, cuộc sống mới dần lan toả đến mọi nhà. Công sức ấy thuộc về tập thể Đảng bộ tỉnh, nhưng phần của ông thật không nhỏ.

Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy, đi cơ sở vận động bà con dân tộc thiểu số cách làm ăn mới, ông phải làm mẫu cho dân, hướng dẫn phải cụ thể, nói phải dễ hiểu thì dân mới làm theo được. Hình ảnh người Bí thư Tỉnh uỷ, đại biểu Quốc hội Sô Lây Tăng chung vui thâu đêm bên những ché rượu cần và cùng ngủ với dân trong những buôn làng vùng sâu cho thấy ông sát dân đến mức nào; hoà cùng lời hát dân ca, chung bước trong những điệu xoang với bà con trong những đêm lửa ấm giữa rừng, ôm nhau cùng các già làng ngủ tại nhà rông là “chuyện thường ngày” của Sô Lây Tăng.

Ông nói rằng: “Phải như thế dân mới tin, mới nghe mình, phải sống chết với dân, mất dân là mất hết”. Khi đi cơ sở, lúc nào ông cũng mang theo túi thuốc cấp cứu, sẵn sàng chữa bệnh cho dân. Chẳng thế mà đã có nhiều chuyện kể ông đi đỡ đẻ, “mẹ tròn con vuông” là việc bình thường.

Kể cả khi còn đương chức và bây giờ thôi bí thư, nhà ông ở đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum lúc nào cũng đông khách, nhất là người dân. Bà con ở xa lên tỉnh ghé vào chơi, ngủ lại, ăn cơm. Tuy nhà rộng, có nhiều giường nhưng khi đông vẫn phải trải chiếu ngủ ở sàn nhà. Bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tỉnh cũng gần sát nhà ông thì người nhà ngủ, nấu nướng, phục vụ người bệnh tại nhà ông. Được cái, bà xã của ông cũng như ông, hết lòng vì người dân.

Có lần, ông dẫn đầu một đoàn đi “đàm phán” với Bộ Giao thông - Vận tải, giải quyết làm đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh. Nghe chừng sự khó, ông xin phép đứng dậy hát ngay bài “Cô gái mở đường” của Xuân Giao.

Bộ trưởng ngày ấy là ông Lê Ngọc Hoàn rồi các thứ trưởng khen hay “tặng” cho ông mấy cốc rượu liền. Thế là chủ và khách vui vẻ, được việc. Tranh thủ những kỳ họp Quốc hội, họp Trung ương... ông đều ghé đến các bộ, ngành để lo những việc nghị sự cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Ưu tiên cho Tây Nguyên vẫn là số một của Đảng, của Chính phủ nên những việc ông đề nghị cho tỉnh, thường được cả.

Tây Nguyên đang vào cuối mùa mưa. Đất trời giăng tràn với những cánh rừng caosu, càphê đang bật dậy những chồi non xanh thẳm. Nhánh lan rừng treo trước cửa nhà ông đã nở. Cánh hoa trắng muốt như chính tấm lòng ông vậy.

Sô Lây Tăng, ông đã sống với buôn làng Tây Nguyên như một tình yêu không bao giờ ngưng chảy, vẫn sáng trong như suối tận nguồn, vẫn son sắt, thuỷ chung một mối tình Dân - Đảng.

Ngọc Diễm/laodong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.