'Chuyên gia trùng tu' chân đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ có những người dân ở xã Duy Phú mới trụ được với 'nghiệp trùng tu', bởi nó đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ, nhẹ nhàng ngồi hàng giờ kiên nhẫn khơi, kéo từng rễ cây, nhẹ tay với từng viên gạch...
 
Phụ nữ Duy Phú tham gia đập gạch cho vụn để trộn với dầu rái làm chất kết dính các viên gạch. Ảnh: H.T
Hàng loạt đền tháp ở Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) được trùng tu, bảo tồn, gìn giữ đến ngày hôm nay có đóng góp không nhỏ của người dân xã Duy Phú. Họ được ví như những “chuyên gia trùng tu” chân đất, tận tâm với di sản trên quê hương mình.
Vướng “nghiệp” trùng tu
Năm 1969, Khu đền tháp Mỹ Sơn nguy nga với 72 công trình kiến trúc kỳ vĩ đã bị bom B52 tàn phá. Khu A, trong đó có đền tháp A1, xây dựng vào thế kỷ thứ 10, được các nhà khảo cổ trong nước và quốc tế coi như “trái tim” của Khu đền tháp Mỹ Sơn, cũng không ngoại lệ. Đầu năm 2020, chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ Ấn Độ phối hợp với Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn tổ chức trùng tu nhóm tháp ở khu A, sau khi đã hoàn thành đưa vào khai thác du lịch nhóm tháp K, H.
Giữa cái nắng tháng ba ran rát, khô hanh, thung lũng Mỹ Sơn có cả trăm công nhân chia thành nhiều nhóm nhỏ tỉ mỉ với từng viên gạch rêu phong. Tại tháp A8, hay còn gọi là tháp cổng, những công nhân lớn tuổi được giao nhiệm vụ làm sạch thực bì, cạo từng tí đất, bóc tách từng rễ cây bé xíu bám dính vào gạch, để phát lộ nền móng tháp. Công việc khó nhất này phải được giao cho những công nhân có kinh nghiệm nhiều năm, bởi đây là công việc mang tính quyết định đến thành công hay thất bại của cả quá trình trùng tu, bảo tồn.
Ông Nguyễn Văn Năm, ở xã Duy Phú, cho biết ông tham gia trùng tu, gia cố đền tháp ở Mỹ Sơn từ năm 2004 và bây giờ anh em thợ thầy quý mến đặt cho biệt danh “Năm chuyên gia”, do từng trải qua các dự án trùng tu tháp cổ với đủ chuyên gia đầu ngành đến từ nước Ý, rồi chuyên gia của Viện Bảo tồn (Bộ VH-TT-DL), Ấn Độ… Ông Năm kể rằng mình chuyên rặt nông dân, đi làm đủ thứ nghề sau mùa nông nhàn, nhưng cuối cùng “cái nghề trùng tu tháp cổ” lại bám ông như một cái nghiệp. Trải qua 16 năm, ông Năm rành rẽ từng đế tháp, từng viên gạch, từng mạch hồ, phong cách kiến trúc đền tháp… để rồi ông góp thêm tiếng nói, suy nghĩ của mình về kỹ thuật tạo chất kết dính từ dầu rái, chất lượng gạch thay thế gạch Chăm cũ đã mục nát… “Được làm việc với các chuyên gia khảo cổ, trùng tu trong và ngoài nước, mình học được ở họ sự cẩn trọng, chi li với từng viên gạch, mạch hồ. Rồi từ đó, lần lần mình thông thạo…”, ông Nguyễn Văn Năm chia sẻ. Từ những kinh nghiệm có được, ông Năm và nhiều người dân lành nghề trùng tu đã chỉ vẽ lại cho các lớp cháu con ở xã Duy Phú theo đuổi nghề, nghiệp trùng tu đền tháp Mỹ Sơn.
 
Ông Nguyễn Văn Năm tỉ mỉ với từng viên gạch tại tháp A8 thuộc khu A - Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: Hữu Trà
Anh Lê Văn Cường, chuyên viên bảo tồn của Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, cho rằng không hiểu cơ duyên, tâm linh thế nào mà ở xã Duy Phú này có rất nhiều người yêu và kết luôn với nghiệp trùng tu. Anh Ngô Văn Lộc, nhà ở thôn Bàn Sơn, xã Duy Phú là một ví dụ, bởi trước đây anh làm đủ thứ nghề, gần nhất là làm thợ xây dựng, công thợ cao gấp đôi làm trùng tu ở Mỹ Sơn, nhưng rồi anh lại bỏ hết, về quê theo nghề trùng tu...
Yêu nghề vì yêu quê
Anh Lê Văn Cường bật mí rằng tất cả hơn trăm công nhân đang tham gia trùng tu đền tháp ở Mỹ Sơn đều là người quê xã Duy Phú. Nhiều năm bám trụ với các dự án trùng tu đền tháp ở Khu đền tháp Mỹ Sơn, anh Cường theo dõi rất kỹ về tính tình công nhân tham gia trùng tu đền tháp. Theo anh Cường, chỉ có những người dân ở xã Duy Phú mới trụ được với “nghiệp trùng tu”, bởi nó đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ, nhẹ nhàng ngồi hàng giờ kiên nhẫn khơi, kéo từng rễ cây, nhẹ tay với từng viên gạch; thậm chí đến miếng gạch bể dù nhỏ cũng không được bỏ đi mà phải để riêng, tận dụng đập vụn trộn vữa...
Trong quá trình lao động, nhiều sáng kiến, đề xuất của người dân được các chuyên gia đầu ngành ghi nhận, áp dụng vào thực tiễn trùng tu

Anh Lê Văn Cường, kỹ sư, chuyên viên bảo tồn Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

“Mình đi làm lâu và có trách nhiệm hướng dẫn các anh em đi sau. Biết việc mà không hướng dẫn, chỉ vẽ lại cho anh em đi sau thì thật uổng phí khoảng thời gian mười mấy năm theo học hỏi từ các chuyên gia. Cái gì giấu được, chứ trùng tu di tích là gắn với tâm linh. Khu đền tháp Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới mang lại nhiều ích lợi cho người dân địa phương nên mình biết việc gì thì hướng dẫn lại để cùng nhau làm đẹp hơn cho quê hương mình”, anh Năm chia sẻ thêm.
 
Hầu hết công nhân tham gia trùng tu ở Mỹ Sơn là người Duy Phú. Ảnh: H.T
Anh Huỳnh Văn Vũ, ở thôn Bàn Sơn, xã Duy Phú, cho biết anh là một trong số 50 người ở xã đã từng được tập huấn 6 tháng về kỹ thuật trùng tu tháp cổ do các chuyên gia người Ý hướng dẫn. Do dịch bệnh Covid-19, nên các chuyên gia Ý chưa thể qua Việt Nam, đến Mỹ Sơn tiếp tục dự án trùng tu của mình. Vì vậy, anh Vũ cùng một số anh em khác chuyển sang tham gia trùng tu nhóm tháp ở khu A. Cũng theo anh Huỳnh Văn Vũ, về cơ bản kỹ thuật trùng tu của người Ý hay Ấn Độ áp dụng vào Mỹ Sơn gần như nhau, nên anh em không thấy bỡ ngỡ. “Người dân Duy Phú may mắn có di sản văn hóa thế giới nằm trên quê hương mình. Là người địa phương cũng mong muốn học được nhiều điều hay từ các chuyên gia để áp dụng vào công tác trùng tu, giữ gìn di tích, hạn chế sự tàn phá của thời gian”, anh Huỳnh Văn Vũ bộc bạch.
Tâm huyết bảo vệ di sản
Theo anh Lê Văn Cường, đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề tham gia trùng tu ở Mỹ Sơn là nhân tố quyết định, quan trọng cả trong quá trình khai quật, gia cố, trùng tu hệ thống đền tháp Chămpa ở Mỹ Sơn từ trước đến nay. Đặc biệt, từ khi triển khai dự án trùng tu nhóm tháp G (hợp tác giữa Chính phủ Ý, UNESCO và Việt Nam) qua tập huấn, đào tạo, công nhân hiểu biết hơn về giá trị di sản, phương pháp, thẩm mỹ lẫn kỹ thuật trùng tu. Người dân yêu nghề hơn, họ trân quý từng viên gạch, từng hiện vật còn sót lại ở Mỹ Sơn. “Trong quá trình lao động, nhiều sáng kiến, đề xuất của người dân được các chuyên gia đầu ngành ghi nhận, áp dụng vào thực tiễn trùng tu”, anh Lê Văn Cường cho hay.
Theo ông Nguyễn Công Khiết, Phó trưởng Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, người dân ở địa phương được các chuyên gia người Ý hướng dẫn, đào tạo nên tiếp cận, nắm bắt nhanh kỹ thuật, phương pháp trùng tu cơ bản. Hơn 50 công nhân lành nghề trong lĩnh vực trùng tu là người địa phương có cùng tâm huyết, ý thức và mong muốn góp một phần trong việc gìn giữ tôn tạo, bảo vệ di sản văn hóa quý giá Mỹ Sơn. “Có thể khẳng định rằng, khi người dân hiểu được giá trị của di sản, tôn trọng di tích, cùng chung tay với Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trùng tu, bảo vệ, gìn giữ di sản được tốt hơn”, ông Nguyễn Công Khiết nhấn mạnh.
Hữu Trà (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.