Chương trình nghệ thuật mừng Xuân Nhâm Dần 2022 rộn rã đón tân niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã thành thông lệ, đêm Giao thừa năm nào người dân Gia Lai cũng chờ đón chương trình nghệ thuật đặc sắc do tập thể diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San thể hiện tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Năm nay do dịch bệnh diễn biến khó lường nên chương trình sẽ được Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai ghi hình và phát sóng. Dù biểu diễn không khán giả nhưng các nghệ sĩ vẫn cống hiến hết mình để mang lại một chương trình chào đón tân niên rộn rã và ý nghĩa.
Ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Nhà hát, Tổng đạo diễn-cho biết: Chương trình nghệ thuật mừng Xuân Nhâm Dần 2022 do Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San và Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai phối hợp thực hiện, phát sóng trên kênh THGL vào 22 giờ 55 phút ngày 31-1. Sau đó, chương trình sẽ được tiếp tục phát trên các nền tảng Facebook, Youtube của Nhà hát. 
Tối 25-1, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức tổng duyệt chương trình gồm 7 tiết mục ca múa nhạc, đan xen là clip 10 sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm 2021 và clip cồng chiêng. Với sự chuẩn bị công phu, đây được đánh giá là chương trình đặc sắc, đậm tính nghệ thuật, đồng thời mang những thông điệp thời sự thiết thực. 
Làm nên sắc xuân rực rỡ cho chương trình là các ca khúc: “Chào mùa xuân thênh thang Việt Nam” (nhạc sĩ An Thuyên), múa “Tiếng đàn mùa xuân” (Nghệ sĩ Ưu tú Mạnh Tiến), liên khúc “Khúc giao mùa-Những ngày xuân rực rỡ” (Huy Tuấn-Châu Đăng Khoa), hát múa “Tết Nguyên đán” (Phương Uyên). Không khí xuân tràn ngập qua những lời ca, điệu múa mang đến không khí rộn rã để tạm quên đi một năm đầy khó khăn, biến động do dịch Covid-19. 
Trong lời ca xuân không thể thiếu hình ảnh những người nơi tuyến đầu chống dịch. “Đêm vẫn dài ngủ một chút đi anh/Ở ngoài kia triệu trái tim hướng đợi/Bao đêm rồi anh vẫn chưa trọn giấc/Chống đại dịch lo tác chiến từng đêm… Nhìn về Việt Nam, nhìn về Việt Nam cả thế giới tự hào/Mơ về ngày mai quê hương nắng ấm/Nụ cười em thơ vui bước đến trường…”-những ca từ gợi nỗi xúc động, tự hào sâu sắc ấy trong bài “Ngủ một chút đi anh” (Tô Văn) chính là lời cảm ơn đến lực lượng tuyến đầu với bao hy sinh thầm lặng. Biên đạo Trần Thị Hồng Mai chia sẻ: “Khi dựng ca khúc trên, bản thân tôi rất xúc động. Giờ này, khi mọi người đang náo nức chuẩn bị đón Tết thì lực lượng tuyến đầu vẫn đang âm thầm nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh. Không thể kể hết những hy sinh thầm lặng của họ vì tính mạng, sức khỏe người dân, tất cả cùng cố gắng để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên hoạt động văn hóa-nghệ thuật tỉnh nhà năm 2021 khá trầm lắng. Dù vậy, vẫn có 2 tin vui làm nức lòng chính quyền và người dân, đó là Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo trở thành di tích quốc gia đặc biệt và cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trao đổi cùng P.V, nghệ sĩ Nguyễn Khắc Phú-Trưởng đoàn Nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-cho hay: Chào mừng 2 sự kiện điểm nhấn này, các ca khúc “Bên dòng sông Ba” (Ngọc Tường) và “Chào em nguyên sinh” (Nguyễn Cường) đã được đưa vào chương trình. Mỗi tiết mục đều mang màu sắc rất riêng, được tập luyện và dàn dựng công phu, hoành tráng với mong muốn mang đến cho công chúng một chương trình chào xuân ý nghĩa.
Các nghệ sĩ biểu diễn tiết mục múa Tiếng đàn mùa xuân. Ảnh: Phương Duyên
Các nghệ sĩ biểu diễn tiết mục múa "Tiếng đàn mùa xuân". Ảnh: Phương Duyên
Dù phải tập luyện liên tục với cường độ cao nhưng tập thể diễn viên Nhà hát luôn động viên nhau nỗ lực hết mình. Ca sĩ Kalin bày tỏ: “Do dịch bệnh nên năm qua chúng tôi phải thích ứng linh hoạt bằng cách thực hiện nhiều chương trình trực tuyến. Biểu diễn không có khán giả lâu ngày thì người nghệ sĩ cũng mất đi phần nào sự hưng phấn nhưng nghĩ đến nhu cầu của khán giả nên ai cũng gắng làm thật tốt. Hy vọng đại dịch sẽ sớm được khống chế để những nghệ sĩ như chúng tôi được biểu diễn trực tiếp. Anh chị em nghệ sĩ rất nhớ khán giả và có lẽ khán giả cũng thế”. 
Cùng với chương trình nghệ thuật, 10 sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm 2021 cũng được Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai điểm lại qua một clip ngắn. Kết thúc chương trình là clip cồng chiêng của 2 dân tộc bản địa Jrai, Bahnar với thời lượng 1-2 phút, làm nên tổng thể đặc sắc, đầy đủ hương vị trên “mâm cỗ” văn hóa-nghệ thuật chào tân niên. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.