Chuồn chuồn bay thấp…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sắc trời bắt đầu chuyển từ màu xanh biếc sang ráng mỡ gà, gió đưa hương từ những tán lá và hơi ẩm tản khắp bầu không khí. Đàn chuồn chuồn liệng thấp, mây chùng nặng điểm những vùng đen mỏng, dân gian cho hay trời sắp mưa rồi. Một con chuồn chuồn bay tới gần cửa sổ, đậu lên nhánh hoa tùng đuôi chồn. Tôi đưa tay toan tóm lấy đuôi nó, song lại thôi, mặc cho nó nghỉ chân ở đó.
Chuồn chuồn có nhiều loại, tất thảy đều dựa vào hình dáng và màu sắc mà đặt tên. Lũ chuồn kim nhát gan, thường kiếm ăn quanh bờ suối và các bụi cây, hễ thấy động là bỏ chạy; đám chuồn ngô và chuồn ớt bạo gan hơn, chúng hay sống ở trong vườn, trong các bãi đất gần nhà dân, ai chọc vào là chúng ngoảnh đầu cắn. Người lớn bảo, cho chuồn chuồn cắn rốn là sẽ biết bơi. Tôi đã từng thử một lần, rốt cuộc bị nó cắn cho buốt óc, sưng da mà sau đó vẫn suýt nữa thì chìm nghỉm giữa lòng nước sâu.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Mùa chạm thu, các cơn mưa kéo tới thường xuyên hơn. Con suối cạnh nhà dâng cao, các loại rơm rạ, lá khô, rác rưởi đều bị rửa trôi, chỉ còn lại dòng nước tinh sạch thấu đáy. Tầm ấy, bà tôi hay mang quần áo ra suối giặt, tôi cũng lẽo đẽo theo chân. Bên kia suối có nhà dân nên người ta đã buộc mấy thân bương to vào với nhau, làm thành chiếc cầu nhỏ để có thể đi xe qua được. Bà dỡ đồ ra, ngồi trên cầu mà vò từng chiếc áo chiếc quần, bọt xà phòng mất hút vào con nước thong thả chảy. Tôi lội sang bờ bên, mang theo cái hộp con, tóm được con chuồn chuồn kim nào là thả vào đó, một lúc sau lại mở nắp cho nó bay đi. Không khí đượm mùi ẩm mát và phảng phất hơi lạnh. Đó là mùi hương mà đã lâu rồi tôi không còn tìm thấy nữa.
Tôi thường cùng với đám bạn ra chơi ngoài bãi đất trống gần nhà, nơi ấy phủ đầy đất đỏ pha sét, mấy cây mì non mọc lố nhố gắng trồi lên hướng về phía mặt trời. Mấy ngày này hay mưa, đất nhão thành bùn bám đầy dưới đế dép, đi chỉ thấy nặng trình trịch. Bên cạnh có một cái rãnh, nước hay đầy nhờ vào mạch nước ngầm tuôn quanh năm, cỏ thường tươi nhờ được tưới tắm. Khoảnh đó là nơi ẩn náu của nhà mấy chú chuồn kim tí hon. Sắc trời ngả chiều, đàn chuồn chuồn liệng không, chúng tụ tập đông đến mức có thể nghe thấy được cả tiếng cánh vỗ. Nhổ một đọt cỏ ngọt, chúng tôi ngồi im lặng giơ cành cỏ ra, kiên nhẫn chờ đợi.
Con chuồn chuồn ngây ngô không biết cái bẫy, sa vào cắn đuôi cọng cỏ để ăn chất ngọt nên cuối cùng bị đứa trẻ nhón đuôi tóm mất. Nó co người lại, lắc lư cái đầu tròn nom tựa chiếc mũ phi công, dợm cắn vào ngón tay kẻ bắt mình song lại bị chộp lấy cánh nên chẳng thể giãy giụa được nữa. Cánh con ngô mỏng tang, lấp lánh vân xanh như thủy tinh. Tôi bỏ nó vào hộp. Lang thang đến gần tối, hộp chuồn chuồn đã đầy, con này chen lấn con kia, tôi mới mở nắp thả chúng đi. Hướng sáng, toán chuồn chuồn bay rào rào về nơi có ánh điện.
Một ngày nọ, tôi thấy có đứa nhóc vặt đầu một chú chuồn ngô, xuyên cọng cỏ ngọt vào đuôi nó làm mồi nhử thì có thể bắt những con khác dễ dàng hơn. Mắt thấy những con chuồn chuồn mới bay cùng nhau nay xông vào nhấm nháp thịt của đồng loại, tôi hơi lợm giọng và bỏ trò bắt chuồn chuồn từ ngày đó.
Càng ngày người ta càng dễ nhớ lại tuổi thơ, có lẽ tiếc nhớ thời gian niên thiếu đã qua mà mình không còn có cơ hội để bé lại. Phải chăng? Sợi gió mỏng manh lướt ngang qua nhành hoa, con chuồn chuồn-bấy giờ mới rõ là một chú chuồn ngô-bị dọa động, lập tức đập cánh bay vút lên không trung, chẳng mấy chốc đã biến mất trên vòm trời ánh cam hồng.
Xa xa, tiếng sấm đã rền vang nơi chân trời…
 PHẠM THÚY QUỲNH

Có thể bạn quan tâm

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.