Chùa Keo - ngôi cổ tự có nghệ thuật kiến trúc độc nhất vô nhị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chùa Keo xây dựng vào năm 1632 (thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII) là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, độc đáo, thờ Thánh tổ Dương Không Lộ.

Toàn cảnh chùa Keo. Nguồn: Vovtv
Toàn cảnh chùa Keo. Nguồn: Vovtv
Chùa Keo, tên chữ là Thần Quang Tự, là một trong những ngôi chùa của Việt Nam còn giữ lại được nguyên vẹn nét kiến trúc xưa có kiến trúc cổ gần 400 năm, một trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam.
Chùa xây dựng vào năm 1632 (thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII) là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, độc đáo.
Chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình, với 157 gian trên khu đất rộng 58.000 m2. Chùa Keo ngoài thờ Phật còn thờ Thánh (tiền Phật, hậu Thánh).
Vị thánh được thờ là Thánh tổ Dương Không Lộ, một nhà sư thời Lý có hiểu biết sâu sắc về Phật học.
Chùa Keo gồm hai cụm kiến trúc chùa thờ Phật và Đền thờ Thánh Dương Không Lộ.
Theo sử sách, Thiền sư Dương Không Lộ quê làng Giao Thủy, Phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), gia đình vốn làm nghề chài lưới. Ông đi tu từ năm 29 tuổi.
Năm 1060, ông sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Đến năm 1061, dưới thời vua Lý Thánh Tông, ông trở về nước và dựng chùa Nghiêm Quang (tức chùa Keo ngày nay). Ông đã đi nhiều nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ để dựng chùa, truyền bá Phật pháp và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam.
Thiền sư Dương Không Lộ đã từng chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông nên được vua phong làm Quốc sư triều Lý. Năm 1611, do sông Hồng bị sạt lở, một trận lũ lớn đã cuốn trôi ngôi chùa này. Mãi đến năm 1632, chùa mới được xây dựng lại.
Chùa có 17 công trình với 128 gian, công trình kiến trúc chính như Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá….
Chùa được xây dựng cân đối theo lối kiến trúc đặc trưng “Nội công ngoại quốc.”
Công trình kiến trúc nổi tiếng gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê.

Gác chuông là công trình kiến trúc độc đáo của chùa Keo. Nguồn: Vovtv
Gác chuông là công trình kiến trúc độc đáo của chùa Keo. Nguồn: Vovtv
Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái, kết cầu bằng những con sơn chồng lên nhau.
Tầng một treo một khánh đá dài 1,20m, tầng hai có quả chuông đồng cao 1,30m đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông năm 1686, tầng ba và tầng thượng treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69m đúc năm 1796.
Tam quan nội là bộ cánh cửa gian trung quan chạm rồng chầu - một kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỷ XVII. Từ tam quan nội, qua một số sân nhỏ rộng ta đến khu chùa Phật gồm chùa ông Hộ, tòa thiêu hương (ống muống) và điện Phật.
Khu chùa Phật là nơi tập trung nhiều nhất các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao vào thế kỷ 17, 18 đó là tượng Tuyết Sơn, La Hán, Quan Thế Âm Bồ Tát...
Hai dãy hành lang Đông và Tây được dựng bao quanh chùa Phật-Đền Thánh, phía trước thông qua hàng dậu và Tam quan nội, phía sau kết nối với Gác chuông, hợp thành ô chữ Quốc. Hai dãy hành lang đều được dựng trên mặt bằng hình chữ L, kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói, mỗi dãy 33 gian.
Ngoài các kiến trúc chính, chùa Keo còn một số kiến trúc phụ trợ, như Khu Tăng xá, Nhà khách (phía Đông và phía Tây), trụ sở Ban Quản lý Di tích.
Đặc biệt, chùa còn là nơi hiện đang lưu giữ và 197 di vật, cổ vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của chùa (từ thế kỷ XVII đến nay), được tạo tác từ nhiều loại chất liệu (gỗ, đá, đồng), có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc.
Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, năm 2012, quần thể chùa Keo được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Lễ khai chỉ tại lễ hội thu chùa Keo. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Lễ khai chỉ tại lễ hội thu chùa Keo. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Năm 2017, lễ hội chùa Keo (Thái Bình) đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Hàng năm chùa Keo mở hội hai lần.
Hội xuân diễn ra vào ngày mùng 4 Tết Âm lịch có nhiều lễ thức, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, đậm chất văn hóa, mang tính cộng đồng như Nghi thức khai chỉ mở cửa đền Thánh; Lễ dâng hương đền Thánh; thổi cơm thi; thi bắt vịt và chuỗi hoạt động của chương trình tế lễ đầu năm.
Lễ hội xuân có nhiều trò chơi, trong đó trò chơi kéo lửa thổi cơm là trò chơi cổ được lưu truyền nhiều năm, tham gia chơi có 4 đội đại diện cho các phe.
Ý nghĩa của trò chơi xuất phát sau khi Đức Thánh đi Tây trúc thỉnh kinh, đi giữa quãng đường lửa hết không có lửa thổi cơm, Đức Thánh mới nghĩ ra việc bổ đôi cây nứa lấy cỏ gianh để mồi lửa.
Khi cành nứa sát vào nhau, tàn lửa tích tụ lại bén xuống cỏ gianh, người kéo phải thổi hơi thật mạnh tạo lửa nấu cơm. Để tạo không khí sôi nổi cho lễ hội cùng với trò kéo lửa thổi cơm còn có trò bắt vịt và chạy việt dã. 
Hội thu từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Chín âm lịch mang đậm tính chất hội lịch sử, tái hiện lại cuộc đời của Quốc sư Dương Không Lộ.
Hội thu có các nghi lễ, hoạt động như Lễ khai chỉ; tế lễ Phật Thánh; rước kiệu Đức Thánh; du thuyền hát giao duyên; biểu diễn võ thuật; thi têm trầu cánh phượng; thi leo cầu ngô, kéo co, bắt vịt, đập niêu, bịt mắt đánh trống...
(Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.