(GLO)- Cơn đại hạn trong vụ Đông Xuân 2014-2015, đã gây thiệt hại nặng đến người nông dân trên địa bàn huyện Chư Sê nói riêng và trên toàn địa bàn tỉnh nói chung. Để giúp người dân chủ động sản xuất vụ mùa trên diện tích lúa bị hạn, bù đắp thiệt hại do khô hạn gây ra, ngành Nông nghiệp huyện Chư Sê đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân đẩy mạnh sản xuất.
Cùng chung số phận với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, vụ Đông Xuân vừa qua, nắng hạn kéo dài đã làm cho hàng trăm diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Chư Sê rơi vào tình trạng khô hạn, gây thiệt hại nặng cho người nông dân, nhất là đối với diện tích lúa vụ Đông Xuân.
Người dân đang tích cực chuẩn bị đất để xuống giống vụ mùa. Ảnh: Q.T |
Cụ thể, hạn hán đã làm hơn 627 ha diện tích lúa Đông Xuân năm 2014-2015 trên địa bàn huyện bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, diện tích bị mất trắng là 409,62 ha, diện tích giảm năng suất từ 30% đến 70% là 120 ha, diện tích bị thiếu nước 98,08 ha. Ước tính tổng thiệt hại do hạn hán gây ra cho người nông dân trên địa bàn huyện khoảng 12 tỷ đồng.
Dù cơn đại hạn đã đi qua nhưng những ảnh hưởng mà nó để lại cho gia đình anh Đinh Vih (Aquái, xã Bờ Ngoong) vẫn còn đó, khi hơn 2 sào lúa Đông Xuân-là nguồn lương thực chính của gia đình anh đã khô héo theo nắng hạn. Anh Vih cho biết: “Bây giờ mình phải đi làm thuê để kiếm tiền lo cho bữa ăn hàng ngày của gia đình và tập trung sản xuất, chăm sóc lúa vụ mùa với hy vọng sẽ cho năng suất cao để không phải lo cho từng bữa ăn như hiện nay”. Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, khi phần lớn trong số họ sống chủ yếu dựa bào việc canh tác cây lúa.
Để giúp người dân khắc phục khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất vụ mùa 2015, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê đã tập trung triển khai mọi giải pháp để hỗ trợ người dân sản xuất, góp phần đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp mà huyện đề ra, hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai, dịch bệnh có thể gây ra.
Người dân hoàn thành công đoạn chuẩn bị đất cuối cùng trước khi giống giống. Ảnh: Q.T |
Theo đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi tỉnh Gia Lai, UBND các xã có diện tích lúa Đông Xuân bị thiệt hại do nắng hạn gây ra để tiến hành cấp hỗ trợ 50.082 kg lúa HT1 cho các hộ dân kịp thời sản xuất vụ mùa 2015 với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ đồng. Cùng với đó, chương trình cấp không thu tiền, Chương trình 135 cũng đã cấp hơn 6.000 kg giống lúa HT1, hơn 8.919 kg giống bắp lai CP 888, trên 46.236 kg phân bón NPK, hơn 68.310 kg phân lân Super cho các hộ nghèo, già làng, trưởng thôn khó khăn, gia đình chính sách chủ động sản xuất vụ mùa 2015.
Đến thời điểm này, vụ mùa 2015 người dân trên địa bàn huyện Chư Sê đã gieo trồng xong 6.557 ha cây trồng các loại, đạt tỷ lệ 87,54% kế hoạch tỉnh giao và 85,7% kế hoạch huyện giao. Trong đó, lúa vụ mùa đã gieo trồng được 2.487 ha, đạt 100 kế hoạch huyện và tỉnh giao; bắp lai trồng được hơn 1.505 ha, đạt 70% kế hoạch tỉnh vào huyện giao; đậu đỗ các loại trồng được 500 ha, đạt 100% kế hoạch; hồ tiêu trồng được 200 ha, đạt trên 64% kế hoạch… |
Ngoài ra, Trạm Khuyến nông huyện đã nhập 1.000 kg giống bắp lai (CP 888, NK67), bắp nếp HN 90 và 2.000 kg giống lúa OM 4900, OM 6162, HT1, RVT… để cung ứng kịp thời cho người dân sản xuất, góp phần đáp ứng nhu cầu giống chất lượng cao cho sản xuất vụ mùa trên địa bàn huyện. “Nhờ được Nhà nước hỗ trợ giống kịp thời mà mình cũng như người dân làng mình có điều kiện xuống giống kịp thời vụ mùa 2015, hiện 2 sào lúa vụ mùa của mình đã xuống giống xong, lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt”- anh Vih cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết: Để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra cho đồng ruộng, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân nên ưu tiên sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng tốt, cây cứng để chống đổ ngã như giống HT1, OM 4900, OM 6162, RVT… Đồng thời, bố trí thời vụ gieo trồng đồng loạt, nhanh, gọn cho từng vùng, từng cánh đồng nhằm tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý dịch bệnh…
Đặc biệt, tập trung chuyển giao, tập huấn kỹ thuật canh tác cây cà phê, thâm canh cây lúa, hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần nâng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng trên địa bàn huyện.
Quang Tấn