Chư Pưh quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những năm qua, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần tạo việc làm, ổn định sinh kế, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Anh Siu Hrip (làng Chư Pố 2, xã Ia Phang) bên công trình do anh nhận thi công. Ảnh: Q.T

Anh Siu Hrip (làng Chư Pố 2, xã Ia Phang) bên công trình do anh nhận thi công. Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Công Chung-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh-cho biết: Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua, Phòng đã tham mưu giúp UBND huyện mở các lớp đào tạo nghề. Trong đó, huyện quan tâm rà soát nhu cầu đào tạo nghề và việc làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2021 đến nay, Phòng phối hợp với UBND các xã, thị trấn mở 14 lớp đào tạo nghề cho khoảng 250 học viên (9 lớp nông nghiệp và 5 lớp phi nông nghiệp). Nhiều học viên sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm ổn định.

Anh Siu Hrip (làng Chư Pố 2, xã Ia Phang) chia sẻ: Gia đình anh có 7 người nhưng chỉ có 8 sào đất nông nghiệp, cuộc sống rất khó khăn. Sau khi được xã vận động, tạo điều kiện, anh đăng ký tham gia học nghề xây dựng. Anh cho rằng, nghề này rất phù hợp với bản thân, không những thế, nhu cầu xây dựng của người dân khá cao. Giờ đây, anh đã có thể nhận xây nhà, làm sân, tường rào cho dân làng. “Từ khi hoàn thành khóa học nghề đến nay, mình đã nhận thi công được 3 công trình. Bình quân mỗi ngày, mình có thêm thu nhập khoảng 400 ngàn đồng”-anh Hrip phấn khởi khoe.

Không tự nhận công trình nhưng anh Rah Lan Sui (làng Briêng, xã Ia Phang) cũng có việc làm thường xuyên kể từ khi tham gia lớp đào tạo nghề xây dựng. Anh vui vẻ nói: “Trước đây, mình phụ hồ cho các công trình trên địa bàn huyện. Sau khi được xã tạo điều kiện cho học nghề xây dựng, mình đã được chuyển sang làm thợ chính. Nhờ đó, mình được trả hơn 400 ngàn đồng/ngày”.

Theo ông Phan Đăng Tuân-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Phang, từ nay đến cuối năm, xã phối hợp mở thêm 2 lớp đào tạo nghề xây dựng cho khoảng 55 lao động trên địa bàn. Các học viên sau khi hoàn thành khóa học được Trường Cao đẳng Gia Lai cấp chứng chỉ nghề nên có thể tự nhận công trình để xây dựng hoặc làm thuê. Để tạo việc làm ổn định, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập Tổ hội nghề thợ xây làng Chư Pố 2. “Trước mắt, chúng tôi định hướng cho Tổ hội nhận thi công các công trình nhà dân trong làng cũng như tạo điều kiện thi công một số công trình nông thôn mới trên địa bàn như đường giao thông, nhà ở, tường rào, nhà vệ sinh...”-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Phang thông tin thêm.

Theo ông Tuân (bìa phải), từ nay đến cuối năm, xã sẽ phối hợp tổ chức thêm 2 lớp đào tạo nghề xây dựng. Ảnh: Quang Tấn

Theo ông Tuân (bìa phải), từ nay đến cuối năm, xã sẽ phối hợp tổ chức thêm 2 lớp đào tạo nghề xây dựng. Ảnh: Quang Tấn

Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề nông thôn đã góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 10 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 50 triệu đồng/năm. Đặc biệt, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,45% (giảm 5,02% so với năm 2021) và 10,04% hộ cận nghèo (giảm 2,96% theo tiêu chí giai đoạn 2022-2025).

Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho hay: “Thời gian tới, Phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; các chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. Đồng thời, phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể và UBND các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề tại các địa phương cũng như vận động người dân, nhất là người dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động. Đặc biệt, Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối các công ty, doanh nghiệp nhằm tạo việc làm cho các lao động đã được đào tạo. Qua đó, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của huyện”.

Có thể bạn quan tâm

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.