Kông Chro ưu tiên đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề dành cho lao động là người dân tộc thiểu số, qua đó giúp người dân nâng cao kỹ năng sản xuất và tăng thu nhập cho gia đình.

Ông Đỗ Hà Quang-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Dựa vào kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện và nhu cầu đăng ký học nghề của người dân, từ đầu năm đến nay, Phòng ký hợp đồng với Trường Cao đẳng Gia Lai mở 12 lớp (mỗi lớp 30-35 học viên) dạy kỹ năng trồng trọt, chăm sóc một số loại cây trồng như bắp, khoai lang, mì, lúa nước và phòng bệnh đàn trâu bò, cho 360 học viên tại các xã: Yang Trung, Ya Ma, Kông Yang và Đak Kơ Ning.

“Chúng tôi phối hợp đào tạo nghề ngay tại thôn, làng, theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Phương thức này giúp người lao động không mất thời gian đi lại, dễ áp dụng vào thực tiễn sản xuất”-ông Quang nói.

Anh Đinh Hlơr (bìa trái, làng Hrach, xã Đak Kơ Ning) chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa nước với người dân. Ảnh: N.M

Anh Đinh Hlơr (bìa trái, làng Hrach, xã Đak Kơ Ning) chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa nước với người dân. Ảnh: N.M

Cuối tháng 6 vừa qua, 30 học viên ở làng Hrach (xã Đak Kơ Ning) tham gia lớp trồng lúa năng suất cao. Sau 1 tháng học tập, các học viên được trang bị kiến thức, kỹ thuật trồng lúa nước từ khâu chọn giống, cách ủ giống, cấy, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, bảo quản. “Làng có gần 250 hộ dân canh tác 20 ha lúa nước. Đa phần bà con tự học hỏi, rút kinh nghiệm trong quá trình lao động. Thông qua lớp học, chúng tôi được trang bị thêm kiến thức bổ ích để áp dụng vào sản xuất hiệu quả hơn. Tôi và các học viên khác sẽ chia sẻ kiến thức với bà con để cùng nhau phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng cây lúa nước”-anh Đinh Hlơr chia sẻ.

Còn chị Đinh Thị Byi (làng Bá Bã, xã Kông Yang) thì cho hay: Mì là cây trồng chính của gia đình. Từ trước đến nay, chị chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hoặc học hỏi cách làm của dân làng. Sau khi tham gia lớp trồng mì, chị đã áp dụng những kiến thức tiếp thu được vào thực tế nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao hơn trước. “Năm sau, tôi sẽ đăng ký cho chồng tham gia lớp chăn nuôi để có thêm kiến thức trong chăm sóc, phát triển đàn bò của gia đình”-chị Byi chia sẻ.

Với xã Kông Yang, từ đầu năm đến nay, địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở 3 lớp tập huấn trồng, chăm sóc khoai lang, mì cho 90 lao động. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Bình cho biết: Điều đáng mừng là sau khi hoàn thành khóa học, nhiều lao động đã áp dụng thành công vào quá trình sản xuất, đem lại nguồn thu nhập cao. Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, từng bước đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

“Hàng năm, UBND xã chỉ đạo công chức lao động-thương binh và xã hội phối hợp với các thôn, làng rà soát, lập danh sách lao động có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện theo quy định gửi về Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện. Trên cơ sở đó, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho năm sau”-ông Bình thông tin.

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, người dân làng Bá Bã (xã Kông Yang, huyện Kông Chro) áp dụng vào trồng trọt, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu. Ảnh: Ngọc Minh

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, người dân làng Bá Bã (xã Kông Yang, huyện Kông Chro) áp dụng vào trồng trọt, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu. Ảnh: Ngọc Minh

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục mở 19 lớp đào tạo nghề nông nghiệp chăm sóc cây trồng, vật nuôi và 14 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như: sửa chữa máy cắt cỏ cầm tay, máy phun thuốc trừ sâu; cắt may cơ bản; dệt thổ cẩm; trình diễn cồng chiêng cho gần 1.900 học viên ở các xã: Đak Tơ Pang, Ya Ma, Sró, Chơ Long.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số nói riêng phát huy hiệu quả, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về đào tạo nghề nông thôn; hỗ trợ lao động và người dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin về giáo dục nghề nghiệp, thị trường lao động; tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp gắn với tạo việc làm, thu nhập đến các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, người lao động nhằm góp phần nâng cao nhận thức đào tạo nghề, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Có thể bạn quan tâm