Chư Pưh khắc phục bất cập về hạ tầng giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Chư Pưh đang triển khai các phương án khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông, nhất là các điểm giao giữa đường nhánh với đường Hồ Chí Minh để đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Trong 5 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện Chư Pưh xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông (TNGT), giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2020, làm chết 9 người (tăng 5 người), bị thương 2 người (giảm 13 người). Trong đó, TNGT hầu hết xảy ra trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Thượng tá Phạm Hồng Sơn-Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh-cho rằng: Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Pưh có chiều dài 36 km đi qua địa bàn 5 xã, thị trấn với 159 điểm đấu nối, giao cắt với các tuyến đường địa phương. Đây là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao vì điểm giao thiếu hệ thống đèn hiệu cảnh báo, nhiều lối rẽ bố trí bất hợp lý.
Trước tình hình TNGT diễn biến phức tạp trên địa bàn, Ban ATGT huyện Chư Pưh đã rà soát, đánh giá để tìm ra nguyên nhân trực tiếp, làm cơ sở để xây dựng giải pháp đảm bảo ATGT. Ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT huyện Chư Pưh-thông tin: Sau khi nghiên cứu, khảo sát thực tế, địa phương xác định cần phải tăng cường thêm một số công trình điều tiết, cảnh báo giao thông. Theo đó, thị trấn Nhơn Hòa sẽ lắp đặt thêm 2 vị trí đèn xanh-đỏ trên trục đường Hùng Vương tại ngã tư Lý Thái Tổ-Hùng Vương và Huỳnh Thúc Kháng-Hùng Vương; lắp đèn vàng cảnh báo tại ngã tư giao giữa đường 30-4 và Hùng Vương. “Vào khung giờ học sinh đến lớp, tan trường, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Việc lắp đặt hệ thống đèn giao thông tại các vị trí này là cần thiết để đảm bảo trật tự ATGT”-ông Hiệp khẳng định.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Pưh có lưu lượng giao thông gia tăng rất nhanh và tình hình tai nạn giao thông diễn biến rất phức tạp. Ảnh Lê Hòa
Đường Hồ Chí Minh-đoạn qua huyện Chư Pưh có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh. Ảnh: Lê Hòa
Đặc biệt, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Ia Le còn tồn tại một số vị trí bất cập trong phương án tổ chức giao thông, dẫn đến việc lưu thông của người dân các khu vực gần tuyến gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le-cho hay: Người dân đề nghị có phương án khắc phục 2 điểm bất cập trong phương án tổ chức giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh, cụ thể là đoạn phía trước Phân hiệu Trường THPT Nguyễn Thái Học và Trạm thu phí BOT gần cầu 110 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai. 
Theo ông Việt, đoạn đường Hồ Chí Minh phía trước Phân hiệu Trường THPT Nguyễn Thái Học hiện được bố trí là đường một chiều. Từ đó, xảy ra tình trạng học sinh, phụ huynh di chuyển theo hướng từ Đak Lak về trường sẽ phải đi vòng thêm một quãng để nhập qua làn một chiều phía bên này vào trường. Tuy nhiên, nhiều học sinh, phụ huynh đi ngược chiều để vào trường. Nguy cơ mất ATGT luôn thường trực. Còn Trạm thu phí BOT của Tập đoàn Đức Long đặt ngay nút giao giữa đường dẫn vào làng Ia Jol và làng Ia Brel (xã Ia Le) nên người dân di chuyển hướng từ thị trấn Nhơn Hòa về muốn rẽ vào đường nhánh phải vòng qua Trạm thu phí rồi quay ngược trở lại. Di chuyển khá bất tiện nên nhiều người chạy ngược chiều để vào đường nhánh.
Người dân đi ngược chiều để về thôn Ia Jol, Ia Brel (xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Ảnh: Lê Hòa
Người dân đi ngược chiều để về thôn Ia Jol, Ia Brel (xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Ảnh: Lê Hòa
Ông Lê Ngọc Sơn-Trưởng thôn 6 (xã Ia Le) nêu ý kiến: Người dân thôn 6 làm công nhân cho một số công ty và các cháu học sinh hàng ngày đến trường nếu di chuyển hướng từ thị trấn Nhơn Hòa trở về thì phải vòng qua Trạm thu phí rồi quay ngược trở lại mới vào được đường nhánh, rất bất tiện. Ô tô sẽ phải vòng qua mất một lần phí dù lối rẽ vào làng ngay đầu Trạm thu phí. Bởi vậy, nhiều người đã đi ngược chiều. “Trong các cuộc họp, bà con nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư có giải pháp thi công đường gom giúp di chuyển an toàn, thuận lợi. Tuy vậy, nhiều năm trôi qua vẫn chưa thấy giải quyết, khiến giao thông khu vực này trở nên lộn xộn, mất an toàn”-ông Sơn bức xúc.
Đại diện chính quyền địa phương, ông Lê Thanh Việt bày tỏ nguyện vọng: “Chính quyền và người dân xã Ia Le rất mong cơ quan chuyên môn, đơn vị khai thác sớm có giải pháp đầu tư hạ tầng giao thông phù hợp để đảm bảo cho bà con đi lại an toàn, thuận lợi”. 
Được biết, UBND huyện Chư Pưh đã có văn bản đề nghị Sở Giao thông-Vận tải, Ban ATGT tỉnh đề xuất, kiến nghị Chi cục Quản lý Đường bộ III, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về phương án đầu tư xây dựng hệ thống đường gom đường Hồ Chí Minh đoạn phía trước Phân hiệu Trường THPT Nguyễn Thái Học. “Dự kiến, kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống đường gom sẽ vào khoảng 2,4 tỷ đồng. Huyện đang xúc tiến các phần việc liên quan để triển khai sớm nhất, đảm bảo lưu thông qua khu vực này được an toàn, thuận lợi. Còn tại vị trí Trạm thu phí BOT của Tập đoàn Đức Long, chúng tôi rất mong đơn vị chủ đầu tư sớm có giải pháp thi công phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của bà con sinh sống gần Trạm”-ông Nguyễn Tuấn Hiệp cho biết.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

(GLO)- Mạng lưới giao thông kết nối đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường đến vùng khó đang dần hoàn thiện mang đến cơ hội phát triển, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.