(GLO)- Trước tình hình thời tiết biến đổi thất thường gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu mùa khô 2018, huyện Chư Prông đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả để tránh hạn cho cây trồng.
Theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2017-2018, toàn huyện Chư Prông sẽ gieo trồng hơn 1.100 ha lúa nước và một số cây trồng khác như rau, đậu đỗ các loại. Để tránh hạn cho cây trồng, huyện đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Đối với cây lúa nước, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo người dân điều chỉnh lịch thời vụ và xuống giống tập trung, sớm hơn 10-15 ngày so với vụ trước để tranh thủ độ ẩm. Đồng thời, sử dụng giống lúa thuần, giống xác nhận thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như HT1, OM4900, Nhị Ưu 838, ML48, ĐV108, ML49, LH12, Q5... theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”.
Người dân huyện Chư Prông tưới nước đợt 3 cho cây cà phê. Ảnh: G.H |
Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, cho biết: Vụ Đông Xuân này, nhờ điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời và sớm hơn mọi năm nên diện tích lúa nước tại các xã Ia Lâu và Ia Piơr (chiếm hơn 50% diện tích lúa nước của huyện) đến thời điểm này đã cơ bản thu hoạch xong, đảm bảo năng suất và đạt sản lượng bằng với cùng kỳ. Năng suất bình quân đạt khoảng 45-47 tạ/ha, cá biệt có những diện tích được chăm sóc tốt đạt tới 90-95 tạ/ha. Còn diện tích lúa rải rác ở các địa phương hiện đang ở giai đoạn chín hạt và dự kiến đến cuối tháng 4 sẽ thu hoạch xong hoàn toàn. “Đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định, cây lúa nước vụ Đông Xuân năm nay trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng thiếu nước và đạt hiệu quả kinh tế cao”-ông Gặp khẳng định.
Các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà phê... cũng được triển khai nhiều giải pháp tránh hạn ngay từ đầu mùa khô. Theo đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp thâm canh bền vững, chủ động mở rộng diện tích cà phê, hồ tiêu được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; tăng cường tủ gốc giữ ẩm ngay từ đầu vụ, che chắn để hạn chế sự thoát hơi nước trong giai đoạn khô hạn...
Đối với những địa phương không chủ động được nguồn nước tưới cho cây trồng, nên áp dụng biện pháp tưới nước nhỏ giọt, tưới phun, tưới ẩm và tưới luân phiên. Đối với các khu vực có nhiều hộ dân sử dụng nguồn nước tưới trên cùng một con suối thì cần họp bàn, thống nhất lịch tưới hợp lý, tránh tình trạng tranh chấp nước tưới. Đồng thời, các địa phương cũng đã huy động lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên, nông dân tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, lắp đặt trạm bơm, phương tiện lấy nước để đảm bảo tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Bên cạnh đó, để bảo đảm công tác cung ứng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong những tháng mùa khô, Điện lực Chư Prông đã làm việc với các hộ dân có nhu cầu lớn về bơm tưới cho cây trồng để lắp đặt bổ sung và vận hành hệ thống tụ bù hiệu quả. Ông Văn Tào (thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn) cho biết: “Gia đình tôi có 1,8 ha cà phê và gần 400 trụ hồ tiêu. Năm nay, được sự hướng dẫn của nhân viên Điện lực Chư Prông nên tôi đã lắp hệ thống tụ bù vào máy bơm nước để tưới cho cây trồng. Nhờ vậy, máy bơm nước không nóng như mọi khi và tiền điện cũng giảm nhiều so với trước”. Ông Nguyễn Thanh Liễu-Phó Giám đốc Điện lực Chư Prông, cho biết: “Chúng tôi đã triển khai phương án kiểm tra toàn diện, chống quá tải cục bộ cho các đường dây và trạm biến áp. Đặc biệt, chú trọng các khu vực tập trung đông dân cư và có phụ tải điện phát triển nhanh trong thời gian qua. Đến nay, các trạm biến áp có nguy cơ quá tải trong mùa khô đã được san tải, đảm bảo cấp điện an toàn”. Ngoài ra, Điện lực Chư Prông đơn vị đã đưa ra các phương án như: kiểm tra toàn bộ lưới điện gồm đường dây và trạm biến áp để sớm phát hiện các hiện tượng bất thường trên lưới; thực hiện hoán chuyển công suất 5 trạm biến áp để đảm bảo công suất cung cấp cho nhu cầu bơm tưới của người dân; lắp đặt bổ sung và vận hành hiệu quả các bộ tụ bù trên lưới điện trung, hạ áp nhằm đảm bảo cho các động cơ bơm tưới...
“Đến thời điểm này, người dân đã thu hoạch hơn 50% diện tích lúa Đông Xuân và dự kiến đến cuối tháng 4 sẽ kết thúc. Còn đối với cây công nghiệp dài ngày, người dân đã tưới nước được 3 đợt và trên địa bàn cũng đã xuất hiện vài cơn mưa phần nào “giải nhiệt” cho cây trồng. Song hiện vẫn là cao điểm của mùa khô và trên địa bàn huyện cũng đã có biểu hiện thiếu nước. Do đó, cây công nghiệp dài ngày phát triển ổn định, đảm bảo năng suất, nhất là cây cà phê, chúng tôi khuyến cáo người dân tiếp tục triển khai các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt và phân lịch tưới hợp lý, không để xảy ra tình trạng tranh chấp nước tưới. Đồng thời, tận dụng và khai thác tốt các nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan để đảm bảo nguồn nước tưới...”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông nói.
Gia Hưng