Chư Păh quyết liệt phục hồi du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong 2 năm qua, lượng du khách đến tham quan các thắng cảnh ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) giảm mạnh. Để phục hồi ngành “công nghiệp không khói”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, huyện đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Sở hữu nhiều thắng cảnh nổi tiếng như núi lửa Chư Đang Ya, hàng thông trăm tuổi, thác Công Chúa, làng du lịch Ia Mơ Nông, đập Tân Sơn, thủy điện Ia Ly, suối đá cổ làng Vân… Chư Păh trở thành địa phương hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Trong đó, “cung đường du lịch” hàng thông trăm tuổi-núi lửa Chư Đang Ya-đập Tân Sơn luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan mỗi ngày. Nổi tiếng nhất là thắng cảnh núi lửa Chư Đang Ya với vẻ đẹp tự nhiên hiếm có.
Vào những tháng cuối năm, khi dã quỳ và các loại hoa khác đua nhau khoe sắc, nhuộm vàng cả ngọn núi lửa đã im ngủ triệu năm thì khách du lịch nườm nượp đổ về. Người dân cũng được hưởng lợi từ du lịch bằng việc bày bán các gian hàng sản vật địa phương, trông giữ xe… Tuy vậy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các cảnh đẹp ở Chư Păh thưa khách đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Huyện Chư Păh là điểm đến hút khách du lịch đến tham quan. Ảnh: Thiên Di
Huyện Chư Păh là điểm đến hút khách du lịch đến tham quan. Ảnh: Thiên Di
Hiện nay, khi dịch Covid-19 được khống chế, huyện đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm phục hồi du lịch. Tại Chư Đang Ya, UBND xã đã huy động các tổ chức, đoàn thể cùng với dân làng Ia Gri trồng, chăm sóc hoa dã quỳ ở các cung đường giao thông liên thôn và trên núi lửa. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nội cho hay: “Người dân nhận thức được tác động tích cực của du lịch với địa phương nên tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, hoa rất nhiệt tình. Chúng tôi sẽ tiếp tục trồng thêm các loại hoa khác nhằm tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp để dịp cuối năm nay tổ chức lễ hội hoa dã quỳ theo kế hoạch của huyện”.
Tương tự, xã Ia Mơ Nông cũng đã thành lập câu lạc bộ liên kết sản xuất rượu ghè, dệt thổ cẩm để phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân dọn vệ sinh môi trường tạo cảnh quan sạch đẹp tại các làng như: Phung, Kép…; đồng thời, kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái ở thác Công chúa. Ông Nguyễn Văn Hiệu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông-chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, có nhiều đoàn khách trong nước đến tham quan tại thác Công Chúa và các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là tín hiệu vui đối với xã trong việc phục hồi du lịch nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân, quảng bá hình ảnh của xã. Chúng tôi cũng đang trình UBND huyện cấp kinh phí đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm thổ cẩm của cộng đồng, nâng cấp đường giao thông dẫn vào thác Công Chúa và các làng nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách đến tham quan”.
Suối đá cổ làng Vân (thị trấn Ia Ly) ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: Phạm Quý
Suối đá cổ làng Vân (thị trấn Ia Ly) ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: Phạm Quý
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Păh-cho biết: Theo kế hoạch phát triển du lịch năm 2022, huyện sẽ tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, dịch vụ du lịch và đầu tư thêm cơ sở vật chất hạ tầng. Dự kiến năm nay, huyện xây dựng 2 nhà giới thiệu sản phẩm thổ cẩm ở xã Ia Mơ Nông và thị trấn Phú Hòa. Cùng với đó, huyện cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch như thác Công Chúa, bãi đá cổ Ia Ly (suối đá cổ làng Vân), sinh thái nghỉ dưỡng Ia Ly. Mặt khác, trong năm nay, chúng tôi cũng sẽ mở 4 lớp dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên ở xã Chư Đang Ya, Ia Ka, Hà Tây và Ia Mơ Nông. Đồng thời, từng bước hình thành các mô hình du lịch cộng đồng như: làng Kép (xã Ia Mơ Nông), Kon Sơ Lăh (xã Hà Tây), Ia Gri (xã Chư Đang Ya), Mông Yố 2 (xã Ia Ka).
“Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm quảng bá hình ảnh về con người, thắng cảnh của huyện, nhất là du lịch cộng đồng khám phá thiên nhiên và bản sắc văn hóa. Đi đôi với đó là nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, góp phần tạo môi trường thân thiện để hút khách thập phương. Ngoài ra, huyện cũng đang chuẩn bị các điều kiện để tới đây tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2022”-ông Đức thông tin thêm.
THIÊN DI

 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.