(GLO)- Với mong muốn mang đến sự sống, niềm hy vọng cho những người kém may mắn, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) huyện Chư Pah, Gia Lai đã tích cực vận động, mở rộng đối tượng tham gia, góp phần đưa phong trào này có sức lan tỏa sâu rộng.
Trước hết, Ban Chỉ đạo vận động HMTN huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền về tính nhân đạo, ý nghĩa cao đẹp và lợi ích của việc hiến máu đến người dân ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều hình thức tuyên truyền đã được triển khai như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, treo băng rôn, tranh ảnh, khẩu hiệu trước khi diễn ra các đợt HMTN… Đơn cử, tại chương trình “Giọt hồng cao nguyên” được tổ chức vào cuối tháng 6-2018, Ban Chỉ đạo vận động HMTN huyện đã phối hợp phát trên 2.000 tờ rơi và treo trên 100 tấm băng rôn, pa nô, áp phích… Qua đó, thu hút hàng trăm người tham gia HMTN.
Đông đảo cán bộ, viên chức, người dân tham gia hiến máu cứu người. Ảnh: H.N |
Bà Rơ Châm Pháo-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động HMTN huyện Chư Pah-cho biết: “Năm 2018 là năm thứ 7 huyện tổ chức HMTN. Dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo cấp huyện, từ năm 2012 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận được 2.487 đơn vị máu. Đáng mừng là phong trào đã được triển khai rộng khắp và nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Cô An Thị Thu Hiền-Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Ia Ka là một trong những tấm gương sáng trong phong trào HMTN của huyện. Không chỉ tích cực tham gia, cô còn vận động cán bộ, giáo viên trong trường. Cô Hiền chia sẻ: “Mặc dù ở vùng sâu, vùng xa nhưng mỗi đợt hiến máu do Ban Chỉ đạo vận động HMTN huyện phát động, cán bộ, giáo viên nhà trường đều hăng hái tham gia; bản thân tôi cũng đã 9 lần hiến máu. Tôi cảm thấy rất vui khi những giọt máu của mình có thể cứu sống được nhiều bệnh nhân”.
Trung úy Ksor Siu-Trợ lý Phòng không Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pah-cho hay: “Lần đầu đi hiến máu, tôi cảm thấy khá lo lắng, băn khoăn. Nhưng khi hiến xong, tôi thấy sức khỏe vẫn rất tốt. Những lần tới, tôi sẵn sàng tiếp tục hiến máu khi huyện tổ chức”.
Cùng chung nhận thức về nghĩa cử cao đẹp của việc HMTN, anh Bùi Ngọc Hoàng (công nhân Nông trường Cao su Hà Tây, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah) nói: “Mỗi lần huyện phát động là công nhân, người lao động của Nông trường đều sẵn sàng tham gia HMTN nhằm góp phần vào việc tăng lượng máu dự trữ trong ngân hàng máu tại bệnh viện, qua đó hỗ trợ các bệnh nhân nghèo đang cần truyền máu”.
Theo bà Rơ Châm Pháo, trước đây, việc tuyên truyền về HMTN chủ yếu được tổ chức ở khối cơ quan, trường học tại trung tâm huyện nên chưa đáp ứng đủ số lượng máu cần thiết. Vì vậy, Ban Chỉ đạo cấp huyện đã mở rộng đối tượng và vận động các thành phần ở cấp xã tham gia. Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 52% tổng số dân cư, công tác vận động HMTN ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị mà còn giáo dục lòng nhân đạo, sự sẻ chia trong cộng đồng với tinh thần: “Sẻ giọt máu đào, trao niềm hy vọng” và “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Nhờ vậy, qua 2 đợt HMTN năm 2018, Ban Chỉ đạo huyện đã tiếp nhận được 582 đơn vị máu an toàn, đạt 116% kế hoạch do Ban Chỉ đạo tỉnh giao.
Hồng Ngọc