Chư Păh chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, loại hình du lịch nông nghiệp được quan tâm đầu tư và trở thành điểm nhấn của huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai). Cùng với bề dày văn hóa-lịch sử, thiên nhiên tươi đẹp, du lịch nông nghiệp hứa hẹn sẽ góp thêm sắc màu trong bức tranh du lịch của địa phương.
Nhiều du khách tìm tới nông trại Huy Farm để tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Quang Huy

Nhiều du khách tìm tới nông trại Huy Farm để tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Quang Huy

Ông Nguyễn Chất Sâm-Giám đốc Công ty TNHH Farmstay Sâm Phát Ialy (thôn 3, thị trấn Ia Ly) cho rằng: Phát triển du lịch nông nghiệp như một mũi tên trúng nhiều đích, vừa giúp gia tăng giá trị sản xuất, quảng bá sản phẩm, vừa thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Vì thế, Công ty đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, vườn cây để phục vụ du khách.

Farmstay Sâm Phát Ialy rộng hơn 15 ha, trồng 1.600 cây sầu riêng cùng một số loại cây ăn quả như: xoài, dừa xiêm, cam, măng cụt, sơ ri, bưởi, mãng cầu, bơ… Nơi đây có địa thế lưng dựa núi, mặt hướng ra đập thủy điện Ia Ly, bao quanh khu vực là suối Ia Ly trải dài. Ngoài ra, Công ty còn xây dựng bể bơi, hồ câu cá, nhà hàng ăn uống. Nhờ vậy, Farmstay Sâm Phát Ialy đã trở thành điểm du lịch nông nghiệp đầu tiên và lớn nhất của huyện Chư Păh.

“Trong quá trình đầu tư, tôi luôn tôn trọng yếu tố tự nhiên. Farmstay có vị trí đắc địa khi nằm trên tuyến đường đến những điểm tham quan, du lịch cộng đồng nổi tiếng của huyện Chư Păh như làng Phung, làng Kép (xã Ia Mơ Nông), Nhà máy Thủy điện Ia Ly, suối đá cổ làng Vân (thị trấn Ia Ly), đảo cô đơn trên lòng hồ Sê San… Vì thế, du khách có thể kết hợp tham quan nhiều điểm đến trên một tuyến đường”-ông Sâm nói.

Nguyễn Chất Sâm (bìa phải)-Giám đốc Công ty TNHH Farmstay Sâm Phát Ialy giới thiệu cá lăng Sê San tại Farmstay Sâm Phát Ia ly. Ảnh: Nguyễn Sâm

Nguyễn Chất Sâm (bìa phải)-Giám đốc Công ty TNHH Farmstay Sâm Phát Ialy giới thiệu cá lăng Sê San tại Farmstay Sâm Phát Ia ly. Ảnh: Nguyễn Sâm

Nông trại Huy Farm do anh Đàm Quang Huy (thôn 3, xã Ia Nhin) làm chủ cũng là điểm du lịch nông nghiệp khá lý tưởng cho những du khách thích trải nghiệm, check-in. Với 3.000 cây quýt được trồng trên diện tích 3 ha, mỗi khi vào mùa thu hoạch, cả quả đồi quýt chín vàng rực, kết hợp với nắng chiều hay sương sớm tạo nên cảnh đẹp lung linh, hấp dẫn. Nhiều người đã tìm đến Huy Farm để tham quan, ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời bên vườn quýt.

Anh Huy chia sẻ: “Từng có một công việc thu nhập khá ở TP. Đà Nẵng nhưng tôi quyết định về quê nhà để phát triển du lịch nông nghiệp. Năm 2019, tôi thuyết phục gia đình chuyển đổi 3 ha cao su già cỗi sang trồng quýt đường. Được gia đình ủng hộ, tôi vừa trồng vừa tìm hiểu cách chăm sóc, kinh nghiệm của những hộ trồng quýt ở vùng lân cận để áp dụng cho vườn cây của mình. Trong chăm sóc, tôi hoàn toàn sử dụng phân bò ủ hoai, thuốc tự chế từ sản phẩm tự nhiên. Vì vậy, không chỉ giảm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tôi còn có sản phẩm sạch để cung cấp cho người tiêu dùng”.

Năm 2020, vườn quýt của anh Huy cho thu bói với sản lượng đạt 8 tấn. Với giá bán 20-30 ngàn đồng/kg, anh Huy thu về hơn 150 triệu đồng. Từ đó đến nay, vụ thu hoạch nào cũng đạt 23-25 tấn quả, mỗi năm thu về khoảng 600 triệu đồng. Hiện nay, nông trại Huy Farm còn xen canh nhiều loại cây ăn quả khác như: sầu riêng, ổi, na, chanh… Theo anh Huy, du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả, tham quan, chụp ảnh, thưởng thức trái cây tại vườn đang được nhiều du khách yêu thích. Bởi vậy, đây là cơ hội tốt để du lịch nông trại phát triển.

Ông Phạm Bá Năm-Chủ tịch UBND xã Ia Nhin-cho hay: “Nhiều hộ trên địa bàn xã đã chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và các mô hình kinh tế khác. Một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét, giúp người dân cải thiện thu nhập, đồng thời đáp ứng nhu cầu du lịch trải nghiệm của du khách, phù hợp với định hướng phát triển của huyện. Trong đó, mô hình trang trại của anh Đàm Quang Huy có nhiều triển vọng, được nhiều người biết đến. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền để người dân có hướng đi mới phù hợp với định hướng phát triển của huyện”.

Toàn cảnh Farmstay Sâm Phát Ia Ly là điểm dừng chân lý tưởng của du khách thích du lịch trải nghiệm. Ảnh: Nguyễn Sâm

Toàn cảnh Farmstay Sâm Phát Ia Ly là điểm dừng chân lý tưởng của du khách thích du lịch trải nghiệm. Ảnh: Nguyễn Sâm

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện Chư Păh có nhiều tiềm năng trong phát triển cây công nghiệp dài ngày và các loại cây ăn quả như: sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, bưởi và nuôi trồng thủy sản. Toàn huyện có gần 600 ha cây ăn quả. Cùng với địa hình núi non hùng vĩ, có nhiều sông suối, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, dù các vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện đã và đang thu hút nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm nhưng việc tổ chức đưa du khách đến tham quan theo tour và công tác đón tiếp, phục vụ ăn uống, nghỉ dưỡng... chưa có.

Còn Chủ tịch UBND huyện Nay Kiên thì cho rằng: Địa phương có nhiều tiềm năng du lịch nhưng chưa phát huy hiệu quả dù huyện đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều tổ chức, cá nhân đề nghị tạo điều kiện cho triển khai các hình thức phát triển du lịch nông nghiệp nhưng do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền về du lịch trên đất nông nghiệp nên UBND huyện chưa thể giải quyết.

Để cụ thể hóa chủ trương phát triển nông nghiệp kết hợp với khai thác du lịch, dịch vụ, hướng đến mục tiêu phát triển các vùng nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, ngày 28-9-2023, UBND huyện Chư Păh đã có tờ trình gửi UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.

“Khi Đề án được UBND tỉnh phê duyệt sẽ giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, mở ra cơ hội phát huy tiềm năng của huyện, góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho người dân”-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.