Chư Don tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bằng các nguồn vốn khác nhau, xã Chư Don (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã quan tâm hỗ trợ nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững và vươn lên phát triển kinh tế.

Chư Don là xã vùng III của huyện Chư Pưh. Toàn xã có 770 hộ với 4.173 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87,3%. Theo ông Nguyễn Minh Hà-Chủ tịch UBND xã Chư Don, những năm gần đây, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 70% năm 2011 xuống còn 12% năm 2020. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh, tăng năng suất cũng như kiểm soát dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, trong 2 năm (2019-2020), từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, xã đã triển khai 10 mô hình chăn nuôi dê sinh sản trên địa bàn 5 thôn, làng. Tổng kinh phí thực hiện mô hình khoảng 600 triệu đồng với 50 hộ người dân tộc thiểu số tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 3 con dê sinh sản. Hiện nay, đàn dê phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

 Chị Siu H'Nuin (làng Ia Ngăng) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Quang Tấn
Chị Siu H'Nuin (làng Ia Ngăng, xã Chư Don) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Quang Tấn


Sau hơn 1 năm tham gia mô hình chăn nuôi dê sinh sản, đến nay, gia đình chị Siu H'Nuin (làng Ia Ngăng) đã sở hữu đàn dê gồm 10 con. Chị H'Nuin phấn khởi nói: “Bên cạnh việc được hỗ trợ 3 con dê sinh sản, mình còn được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và cách phòng bệnh cho dê. Nhờ đó, đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 1-2 con. Việc chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng mì, lúa”.

Tương tự, từ 3 con dê được hỗ trợ ban đầu, đến nay, đàn dê của gia đình ông Siu Sun (cùng làng) đã tăng lên 9 con. Ông cho hay: “Từ khi được Nhà nước hỗ trợ dê sinh sản để phát triển chăn nuôi thì thu nhập của gia đình ổn định hơn. Dê ít dịch bệnh, lại không tốn nhiều công chăm sóc, có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi nên hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Sắp tới, mình sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại để tăng quy mô đàn dê nhằm nâng cao thu nhập”.

Chủ tịch UBND xã Chư Don cho biết: Chăn nuôi dê sinh sản là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ làm, phù hợp tại địa phương, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, năm 2021, xã tiếp tục phân bổ 300 triệu đồng từ nguồn vốn của huyện để triển khai xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi dê theo chuỗi giá trị. Cụ thể, xã sẽ thông qua hợp tác xã để đứng ra liên kết với người dân triển khai thực hiện. Qua đó, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, góp phần ổn định đầu ra, giá cả. Cùng với đó, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

 

QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.