Chờ dòng điện khí chảy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Được triển khai nghiên cứu từ những năm 2000, dự án chuỗi khí điện Lô B - Ô Môn liên tiếp gặp những chướng ngại khiến dòng khí bị đẩy ra xa bờ suốt 20 năm qua.

Trong các năm 2020 - 2021, nhà đầu tư khai thác mỏ và đường ống dẫn khí đã nhiều lần lên tiếng về những vướng mắc của chuỗi dự án. Cũng bởi nhiều vướng mắc không thể sớm tháo gỡ nên mục tiêu có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023 đã không còn khả thi. Mục tiêu tiếp theo được đặt ra là tháng 9-2024 rồi cũng không đạt, phải lùi đến năm 2025. Mới nhất, dòng khí lô B được kỳ vọng có thể chảy vào năm 2026.

Lễ ký kết các hợp đồng và triển khai chuỗi dự án vào sáng 30-10 là bước tiến lớn sau nhiều năm dự án trọng điểm này "đứng hình". Dự án có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược cân đối cung - cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhất là bổ sung nguồn điện cho khu vực phía Nam giai đoạn 2026 - 2030. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần chuyển đổi năng lượng xanh và có ý nghĩa về an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo.

Thế nhưng, sau niềm vui, háo hức với "ngọn hải đăng" trên biển - như cách nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính, còn đó những nút thắt cần tiếp tục tháo gỡ để dự án mang lại hiệu quả thật sự.

Cụ thể, dự án khai thác khí không thể thực hiện độc lập như các lĩnh vực khác mà cần phát triển một chuỗi dự án vận chuyển và tiêu thụ trên bờ kèm theo. Tuy vậy, trong 4 nhà máy cam kết mua khí Lô B thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn, gồm nhiệt điện Ô Môn I, II, III và IV, đến nay mới chỉ có một nhà máy đã được xây dựng và sẵn sàng đón dòng khí là Ô Môn I. Ba dự án còn lại đang trên đường hoàn tất các thủ tục để triển khai song cũng không thể kỳ vọng đẩy nhanh bởi vẫn còn những vướng mắc liên quan quyền thẩm định, phê duyệt hay những nguyên tắc về hợp đồng cần tuân thủ.

Quan trọng không kém là câu chuyện giá khí mà các nhà máy điện sẽ mua là bao nhiêu và giá điện chào bán ở mức nào để nhà máy bảo đảm hiệu quả tài chính? Theo tính toán của giới chuyên môn, ước tính giá khí lô B vào năm 2026 ở mức khá cao - khoảng 13 USD/triệu BTU. Như vậy, giá điện chào bán của các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn có thể từ trên 2.880 đồng/KWh đến quanh mức 3.000 đồng/KWh.

Giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.920,3732 đồng/KWh, sau khi tăng 3% vào tháng 5-2023. Trước đó, giá điện đã "bất động" sau 4 năm. Câu hỏi đặt ra là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tính toán mua điện từ các dự án khí ra sao để không tạo khoản lỗ lớn cũng như đáp ứng được mục tiêu bảo toàn vốn. Mặt khác, khi các nhà máy điện trên bờ chưa ký được hợp đồng mua bán điện chính thức với EVN - trong tình huống EVN không sẵn sàng mua điện giá cao - thì rõ ràng nhà đầu tư trong chuỗi khí điện Lô B - Ô Môn sẽ đối mặt rủi ro lớn.

Để triển khai hiệu quả cả chuỗi dự án, cần giải quyết được những vướng mắc tổng thể, bao gồm việc tháo gỡ rào cản để các dự án tiêu thụ khí sớm được xây dựng và giải quyết bài toán giá điện vừa bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng vừa tạo được hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư và không gây gánh nặng cho nền kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.