Chiều trôi trên Thung lũng Hồng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Con thuyền chòng chành chở chúng tôi ngược sông Ba đến thắng cảnh Thung lũng Hồng. Đó là khu vực giáp ranh giữa thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa và Krông Pa. Hai bên bờ là những ngọn núi cao trùng điệp. Đang giữa mùa mưa, sông Ba mênh mông nước. Nhẩm tính, lòng sông phải rộng hơn 100 m. Nước sông đỏ nặng phù sa. Thấp thoáng vài ngôi nhà mái lợp tôn giữa những vườn cây xanh tươi.
Du thuyền trên Thung lũng Hồng       
Ở một doi đất phía bên kia sông có một vườn cam trĩu quả và đàn ngựa trắng thảnh thơi gặm cỏ. Chủ nhân của đàn ngựa trắng duy nhất ở vùng Đông Nam tỉnh này là anh Nguyễn Văn Hậu (trú tại phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa). Anh cũng là người lái thuyền chở chúng tôi khám phá phong cảnh nơi đây. Nuôi 20 con ngựa trắng để bán giống, nấu cao và kết hợp làm du lịch là một ý tưởng khác biệt, táo bạo của anh Hậu.
Thuyền tiếp tục ngược dòng. Hơn 10 ngọn núi gối đầu nhau, chủ yếu là núi đá. Có những ngọn núi bị bào mòn qua thời gian, tạo thành vách thẳng đứng trơ đá. Nhiều cây cổ thụ rễ bám vào vách đá, thân hướng về phía sông mang dáng bon sai.
Vẻ đẹp hoang sơ của Thung lũng Hồng. Ảnh: Nguyễn Tú
Vẻ đẹp hoang sơ của Thung lũng Hồng. Ảnh: Nguyễn Tú
Hơn 20 phút đi thuyền là đến Thung lũng Hồng. Anh Hậu tắt máy. “Nơi này được gọi là Thung lũng Hồng vì màu nước sông quanh năm không đổi, một màu hồng của phù sa từ thượng nguồn chảy về. Đoạn sông này có rất nhiều đá. Nay nước lớn chứ mùa nắng sẽ thấy nhiều loại đá to nhỏ với hình dáng kỳ quái. Đặc biệt, rừng trên núi sẽ thay lá vào cuối mùa khô, khi đó quanh vùng phủ một sắc vàng quyến rũ”-anh Hậu cho hay.
Từng lớp mây trắng đua nhau trôi trên bầu trời. Gió nhè nhẹ thổi. Ánh mặt trời còn lấp ló trên những ngọn núi như muốn níu cho ngày dài thêm. Thanh âm của cuộc sống hiện ra qua tiếng gõ nhịp vào mạn thuyền đánh cá. Ngư dân nở nụ cười hiền hòa khi chèo thuyền lướt qua chúng tôi. Tại một doi cát dài chừng 20 m và rộng 5-6 m, đám trẻ nô đùa rồi lao xuống sông tắm. Khói bếp tỏa trên mái nhà sàn trên núi. Cảnh vật nơi đây như một bức tranh thủy mặc gợi cho chúng tôi niềm thích thú. Những người bạn đi cùng thuyền đến từ nhiều tỉnh khác nhau không ngớt trầm trồ về vẻ đẹp tự nhiên nơi đây. Anh Thanh-một người bạn của anh Hậu đến từ Hà Nội đã hơn 10 lần nhắc đến từ “đẹp” và khẳng định đây chính là một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Tôi nghĩ rằng so sánh ấy có chút khập khiễng. Thực ra Thung lũng Hồng có đôi nét giống với phong cảnh ở điểm du lịch nổi tiếng Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình). Trước khi đổ vào những hang động kỳ bí thì sông Son cũng uốn lượn qua những ngọn núi như sông Ba uốn lượn qua dãy núi ở đèo Tô Na.
Giàu tiềm năng du lịch
Thung lũng Hồng là một thắng cảnh nổi tiếng của Gia Lai và từng đi vào nhiều tác phẩm thơ nhạc. Có một bài hát rất nổi tiếng mang tên “Thung lũng Hồng” viết từ năm 1971, được nhiều người yêu thích. Cũng đã có rất nhiều đoàn khách đến tham quan nơi này. Anh Nguyễn Văn Toàn (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) chia sẻ: “Đến mùa nắng nóng, dân trong vùng lẫn khách du lịch từ tỉnh khác đến tham quan đông lắm. Có cả khách nước ngoài. Khí hậu mát mẻ nên họ đến tránh nắng. Thanh niên trong xã thì hay rủ nhau lên đây ngắm cảnh và câu cá chốt nướng ăn tại chỗ”.
 Khung cảnh bình yên, thơ mộng ở Thung lũng Hồng. Ảnh: N.T
Khung cảnh bình yên, thơ mộng ở Thung lũng Hồng. Ảnh: N.T
Tiềm năng du lịch của Thung lũng Hồng sẵn có nhưng việc khơi dậy còn nhiều khó khăn. Ngoài việc đập tràn của một nhà máy thủy điện nằm cách thắng cảnh này chưa đầy 1 km thường gây ngập diện rộng, việc xẻ đôi dãy núi để làm đường khiến cảnh quan môi trường bị ảnh hưởng, gây khó trong việc tìm kiếm nhà đầu tư. Dù vậy, nhiều cá nhân vẫn ấp ủ ý tưởng hình thành khu du lịch nơi đây. Anh Nguyễn Văn Hậu chia sẻ rằng, anh và một nhóm bạn ở TP. Hồ Chí Minh, Đak Lak dự định đầu tư để biến Thung lũng Hồng thành địa điểm du lịch sinh thái.
Theo tìm hiểu, trong đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn đến 2030, Thung lũng Hồng được Krông Pa chọn là một mắt xích trong chuỗi các địa điểm du lịch của huyện. Theo ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, huyện sẽ tổ chức đoàn khảo sát, tìm hiểu thực tế tại các địa điểm du lịch tiềm năng để có kế hoạch cụ thể và kêu gọi nhà đầu tư. “Muốn thúc đẩy phát triển du lịch thì rất cần có nhà đầu tư. Đây cũng là thách thức đặt ra cho địa phương hiện nay. Chúng tôi sẽ tham gia các hoạt động kêu gọi, thu hút doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào các dự án du lịch, dịch vụ trên địa bàn”-ông Chánh nói.
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.