Chiêng vang hội làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ xuống trước 1 ngày để tham dự hội diễn nghệ thuật cồng chiêng xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) nên tôi biết thêm nhiều điều thú vị. Vậy nên, muốn hiểu được đời sống thực sự của cồng chiêng chỉ có thể về làng, trong không gian sinh sống ngàn đời của những chủ nhân.

Từ chiêng “nhí” đến chiêng nữ

Những đứa trẻ Trường Sơn sinh ra đã có sẵn năng khiếu âm nhạc trong người. Buổi tập của đội chiêng “nhí” làng Mơ Tôn trước ngày hội diễn cho chúng tôi ấn tượng thật sâu đậm. Dưới sự chỉ huy của “nhạc trưởng”, các em thoắt trở thành những nghệ sĩ điêu luyện như bản năng sinh ra để đánh chiêng vậy.

“Nhạc trưởng” ở đây là nghệ nhân Đinh Xuytch. Ông cầm một đoạn cây rừng nhịp nhịp lên xuống, vừa chăm chú lắng nghe, vừa không ngừng quan sát. Có khi, ông đi từ đầu đến cuối đội chiêng, rồi vòng ngược lại, mắt không rời những đôi chân trần nhỏ bé xem có đứa trẻ nào lạc nhịp để kịp thời chỉnh nắn. Trong khi nghệ nhân Xuytch cùng 2 thanh niên khác tập chiêng cho đám trẻ, chị Đinh Thị Chre-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng lại tất bật chuẩn bị kẹo bánh, nước uống cho các em khi nghỉ giải lao. Tập hợp gần 40 đứa trẻ trong làng ở đủ mọi lứa tuổi đi vào nền nếp không phải chuyện dễ. Nhưng chị Chre cho biết, những ngày này, làng dành sự quan tâm đến các em, từ Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đến trưởng thôn, già làng.

 Đội chiêng làng Kgiang tái hiện nghi thức mừng lúa mới cùng phần trình diễn cồng chiêng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đội chiêng làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) tái hiện nghi thức mừng lúa mới cùng phần trình diễn cồng chiêng. Ảnh: Hoàng Ngọc


Chiều muộn, dân làng đi làm về kéo hết ra nhà rông cổ vũ đám trẻ con. Đội chiêng “nhí” làng Mơ Tôn trình diễn bài nhạc chiêng “Bài ca giải phóng”. Sự háo hức của những đứa trẻ cộng với âm hưởng vui tươi của điệu chiêng càng  “hâm nóng” khoảng sân nhà rông. Em Đinh Thị Kim Khi (lớp 7) chia sẻ: “Tụi em đều háo hức chờ đến ngày biểu diễn, chiều nào cũng ra sân nhà rông tập rất sớm, không cần phải kêu gọi”. Còn nghệ nhân Đinh Xuytch thì cho biết thêm: “Đội chiêng “nhí” của làng thành lập từ năm 2018, đứa lớn đã vào đội chiêng thanh niên. Nhiều hôm tập xong, mình cho nghỉ mà tụi nhỏ vẫn cố tập thêm vì vui quá”.

Mặt trời đã đi ngủ từ bao giờ, cả đội mới được nghỉ. Và, khi đêm xuống chính là lúc các đội chiêng người lớn bắt đầu duyệt lại lần cuối trước ngày khai hội. Đội chiêng nữ làng Mơhra-Đáp dù tập cả buổi chiều, nhưng tối đến vẫn có mặt đông đủ. Các chị cũng háo hức không kém gì những đứa trẻ. Chị Đinh Yăm kể, cách đây 4 năm, khi làng có chủ trương thành lập đội chiêng nữ, chị đã xung phong vào đội. “Đội chiêng khi mới thành lập đánh chưa thành thạo thì gặp dịch Covid-19. Vậy là phải tạm nghỉ. Đến nay, cả đội mới tập lại nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Nhưng chúng tôi quyết tâm tập luyện vì cồng chiêng là bản sắc văn hóa và cũng để làng làm du lịch cộng đồng, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm ở đây”-chị Yăm tâm sự.

Các già làng, thanh niên trong làng Mơhra-Đáp phân công nhau hướng dẫn đội chiêng nữ trong mỗi buổi tập. Anh Đinh Chuên luôn miệng nhẩm giai điệu bài chiêng “Lễ bỏ mả”-bài chiêng dự thi của đội nữ. Có lúc, anh phải hô thật to, khản cả giọng để át đi tiếng ồn của đám đông, giúp các thành viên nghe rõ giai điệu để vào cho đúng nhịp. Khi thấm mệt, anh ra dấu cho anh Đinh Xuon, Đinh Sach thay mình tiếp tục. Chẳng rõ buổi tập khi nào mới kết thúc. Trời khuya, đi trên đường làng về lại homestay ở làng Kgiang nơi tôi lưu trú, vẫn nghe tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng từ các làng khác vọng lại.

Cuộc trình diễn sắc màu di sản

Hội diễn nghệ thuật cồng chiêng xã Kông Lơng Khơng đúng là một cuộc trình diễn sắc màu di sản. Các đội mặc những bộ trang phục đẹp nhất, đeo trang sức quý nhất, mang những bộ chiêng tốt nhất cùng nhiều đồ vật quý tới hội diễn. Trong số 5 đội tham gia thì có tới 3 đội chiêng “nhí” của các làng Mơ Tôn, Kgiang, Mơhra-Đáp. Các nghệ nhân làng Kgiang còn tái hiện nghi thức cúng mừng lúa mới, tạ ơn thần linh để phụ họa cho màn trình diễn của đội chiêng thanh thiếu nhi của làng. Những hạt cốm mới được nghệ nhân đem mời khách, giới thiệu loại lương thực cổ truyền gắn với cây lúa rẫy, sinh ra một trong những lễ hội lớn nhất của cư dân nông nghiệp ở Đông Trường Sơn.

 Người Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) có nhiều cách làm sáng tạo để gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Người Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) có nhiều cách làm sáng tạo để gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. Ảnh: Hoàng Ngọc


Ban giám khảo là nghệ nhân của các làng, chấm điểm dựa trên các tiêu chí về nội dung (khuyến khích các bài nhạc chiêng truyền thống), phong cách biểu diễn, trang phục. Ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang-cho biết: “Có thể thấy, tính kế thừa diễn ra mạnh mẽ trong hội diễn lần này khi có tới 3/5 đội là cồng chiêng thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của đội chiêng nữ cho thấy sự sáng tạo, cách làm riêng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, dựa vào tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng ở các làng, cần hài hòa 2 yếu tố. Một mặt, chúng tôi khuyến khích bà con gìn giữ những bài nhạc chiêng cổ truyền, đánh trong các lễ hội truyền thống. Mặt khác, chúng tôi cũng hướng bà con đến cách sáng tạo hơn, tức là vẫn sử dụng nhạc cụ cồng chiêng nhưng chơi thêm bài nhạc mới vui tươi, sôi nổi để phục vụ khách du lịch”.


Ngày 19-8, tại nhà rông văn hóa làng Mơhra-Đáp, UBND xã Kông Lơng Khơng tổ chức hội diễn nghệ thuật cồng chiêng lần thứ VII-2022. Tham gia hội diễn có gần 200 nghệ nhân, diễn viên đến từ 5 đội cồng chiêng của các làng, trong đó có 3 đội chiêng thanh thiếu nhi, 1 đội chiêng nữ và 1 đội chiêng người lớn. Các đội trình diễn một số bài nhạc chiêng trong lễ pơ thi, mừng lúa mới, ăn trâu mừng chiến thắng, bài ca giải phóng. Kết thúc hội diễn, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội chiêng “nhí” làng Mơhra-Đáp. Đây là hoạt động thường niên nhằm tôn vinh giá trị di sản cồng chiêng, đánh giá thực trạng để có giải pháp nâng cao nhận thức cho bà con về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

HOÀNG NGỌC
 

 

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Tiết mục hát dân ca của em Đinh Doanh và đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại huyện Ia Pa. Ảnh: V.C

Cồng chiêng cuối tuần trở lại Ia Pa

(GLO)- Tối 17-11, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tiếp tục được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chương trình mang đến nhiều tiết mục đặc sắc làm nức lòng người dân và du khách.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.