Chiêng quý ở Ia O

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi nhiều ngôi làng lâm vào tình trạng “chảy máu” cồng chiêng thì hàng trăm chiếc chiêng quý vẫn đang được người dân xã Ia O (huyện Ia Grai) truyền đời và cất giữ như báu vật.
“Báu vật” cồng chiêng
Theo chân anh Rơ Mah Hyui-cán bộ văn hóa xã Ia O, chúng tôi đến thăm ông Rơ Châm Lin-Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Mít Jép. Ngôi nhà sàn bằng gỗ khang trang, rộng rãi của ông nằm nép dưới tán cây xanh mát. Vì có hẹn trước nên khi chúng tôi đến, ông Lin đã pha sẵn một ấm nước ngồi đợi. Căn phòng cất giữ chiêng quý cũng được ông mở khóa, lau chùi sạch sẽ.
Dẫn chúng tôi vào tham quan căn phòng, ông Lin cẩn thận đỡ từng bộ chiêng xuống. Những bộ chiêng được bao bọc cẩn thận trong một lớp túi mây tre đan chắc chắn, có lót vải và xếp ngay ngắn trên một chiếc kệ gỗ sát tường. Hiện ông Lin có khoảng 40 chiếc cồng chiêng lớn nhỏ. Sau một hồi lựa chọn, ông đem ra cho chúng tôi xem 2 chiếc chiêng Pat. Đây là những chiếc chiêng giá trị nhất trong “gia tài” của ông. Ông chia sẻ: “Mỗi chiếc bây giờ trị giá khoảng 300-400 triệu đồng. Có nhiều người hỏi mua lắm nhưng tôi không bán đâu. Năm 2005, tôi mua nó đã 50 triệu đồng rồi. Chiêng Pat bây giờ hiếm lắm, không phải ai cũng có được”. Nói rồi, ông Lin giải thích cặn kẽ cho chúng tôi hiểu tại sao loại chiêng này lại quý đến vậy: Khác với chiêng Lào, chiêng “honh”-chiêng phổ thông, chiêng Pat hoàn toàn được đúc bằng đồng. Viền của chiêng được gò công phu, dày dặn, mép tròn chứ không cạnh sắc. Trên núm có một đường dập trơn bắt ngang, phải quan sát kỹ hoặc sờ bằng tay mới biết được. Lòng chiêng được chia thành 3 vòng rõ rệt. Trong đó, vòng gần với phần núm có nhiều lỗ chấm nhỏ, vòng tiếp theo trơn mịn, vòng cuối cùng có những đường vân đồng nhỏ li ti nổi. Những đường vân hay nét chấm có đều đặn, đẹp mắt hay không sẽ quyết định giá trị của một chiếc chiêng Pat. 
Ông Rơ Châm Lin bên chiếc chiêng Pat trị giá khoảng 300-400 triệu đồng. Ảnh: P.L
Ông Rơ Châm Lin bên chiếc chiêng Pat trị giá khoảng 300-400 triệu đồng. Ảnh: P.L
Đặc biệt, không giống các loại chiêng khác, chiêng Pat không bao giờ được chỉnh âm bởi bản thân âm thanh của nó đã rất đặc biệt. Ông Lin lấy chiếc dùi gõ vào chiếc chiêng thì lập tức âm thanh trầm ấm lan xa, vang vọng. “Chiêng Pat thường giữ vị trí chủ đạo, đi đầu trong dàn cồng chiêng. Âm thanh của nó là chuẩn mực cho các chiêng khác “đi” theo. Chiêng Pat là dòng chiêng cổ nên còn dùng để phục vụ trong các lễ cúng truyền thống”-ông Lin cho hay. Việc chăm sóc chiêng quý cũng khá cầu kỳ. Anh Hyui ngồi cạnh bên nói thêm: “Ngày xưa, ông bà thường lấy cây mắt mèo ngâm rồi lau chiêng. Càng lau chiêng càng lên màu đen bóng rất đẹp”.
Gia đình ông Rơ Châm Luyên (làng O) cũng sở hữu 4 bộ chiêng, trong đó có 2 chiếc chiêng Pat. 2 chiếc chiêng đã được truyền lại đến 4 đời nên ông Luyên coi đó như vật báu, không phải ai cũng được nhìn ngắm và tự tiện đem ra sử dụng. “Chiêng này bây giờ quý lắm, ít người có. Của ông bà để lại nên mình phải gìn giữ cho con cháu đời sau nữa”-ông Luyên cho hay.
Bảo tồn chiêng quý
Vì nhiều lý do, đặc biệt là vì điều kiện kinh tế, bà con tại nhiều ngôi làng không giữ lại cồng chiêng dù ông bà xưa đã phải đổi nhiều trâu bò mới có được. Thế nhưng, xã Ia O vẫn làm tốt công tác bảo tồn. Người dân nơi này vẫn coi từng chiếc chiêng như báu vật, là tài sản không thể thiếu trong nhà.
Theo thống kê vào năm 2018, xã Ia O còn lưu giữ cồng chiêng nhiều nhất huyện Ia Grai với hơn 500 bộ. Anh Hyui cho hay: “Ở đây, bà con bảo quản chiêng rất tốt. Trong hơn 500 bộ chiêng mà họ đang lưu giữ thì có khoảng 250 chiếc chiêng quý, thường là chiêng Pat, chiêng Pom. Mỗi nhà thường cất chiêng trong một phòng riêng, khóa kỹ, nếu không phải người trong làng hay người quen thì tuyệt đối không bao giờ được xem. Bây giờ, nhiều gia đình khá giả trong làng vẫn tìm mua thêm chiêng để cất giữ”. 
Chiêng Pat là loại chiêng quý, giá trị nhất trong các loại chiêng. Ảnh: P.L
Chiêng Pat là loại chiêng quý, giá trị nhất trong các loại chiêng. Ảnh: P.L
Bên cạnh đó, ngành văn hóa cũng tích cực tuyên truyền, vận động và khuyến khích bà con gìn giữ cồng chiêng. Các làng duy trì thường xuyên và sử dụng cồng chiêng trong những lễ hội quan trọng, dịp liên hoan, giao lưu văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, cồng chiêng luôn có không gian để sống, để lan tỏa. Anh Hyui cho biết: “Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và UBND huyện Ia Grai, chúng tôi tiếp tục rà soát, kiểm kê số lượng cồng chiêng, phân loại chi tiết để nắm rõ và có kế hoạch quản lý hiệu quả hơn, góp phần gìn giữ và bảo tồn giá trị di sản văn hóa độc đáo này”.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.