Cà răng: Cái đẹp khổ đau một thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1985, UBND xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) chưa có trụ sở nên mấy cán bộ tăng cường chúng tôi thường tá túc nhà ông Rơ Châm Dú ở làng Dit. Năm đó, ông Dú khoảng 65 tuổi nhưng tóc chỉ bạc lác đác, làn da màu đồng hun săn chắc tưởng dao chém cũng không đứt. Thời chống Mỹ, ông từng tham gia du kích nên nói được tiếng phổ thông khá chuẩn. Đặc biệt, ông vui tính, hay cười và mỗi nụ cười nở ra như vành trăng khuyết trông thật ngộ. Nhìn kỹ, tôi mới biết ông đã cà răng. “Theo lệ tục ông bà mình ngày xưa ấy mà. Cà răng đau đớn lắm, nhưng không làm thì con gái nó chê không muốn bắt làm chồng; mai mốt chết ông bà không cho xuống ở “làng ma”-ông Dú nói.
Đã ngót năm chục mùa rẫy nhưng mỗi lần nhớ về tục lệ ác nghiệt đó, ông Dú vẫn còn thoáng rùng mình: “Lúc đó, mình mới được 15 mùa rẫy nhưng cũng ra dáng thanh niên rồi, vậy là đến lúc phải cà răng. Chọn ngày lúa ngoài rẫy đang lúc đơm bông chờ chín, “bà già” bắt một con gà sang làng Le mời ông “thợ” cà răng. Lễ cà răng xưa thường được tiến hành vào những tháng nông nhàn như thế để có nhiều người cùng làm, động viên lẫn nhau. Mình nằm ngửa, miệng ngậm một thanh gỗ mềm, đầu gối lên đùi ông “thợ” cà răng. Phụ giúp ông còn có 3 người bạn. Họ lo việc giữ chân tay và kể những chuyện vui cốt để người cà răng quên đi đau đớn. Đấy là mình có gan và có sức. Gặp người nhát và ốm, có khi người ta cho uống rượu thật say để không còn biết gì nữa… Nói “có gan” cho vui, chứ chỉ vài nhát cà, mình đã vùng vẫy, la hét. Rồi có cảm giác như ai cầm từng bó mũi dao nhọn đâm thấu lên óc; mồ hôi lẫn máu ướt đầm khuôn ngực, mình choáng váng xỉu đi…
Có lẽ phải đến nửa đêm hôm đó mình mới tỉnh dậy. Sờ lên mặt, giật mình thấy nó sưng cứng như ai đeo vào cái mặt nạ. Mấy ngày đầu chỉ nuốt nước cơm mà cũng buốt không chịu nổi. Phải đến 7, 8 ngày sau thì mặt mới bớt sưng dần… Chờ cho hết sưng thì tiến hành nhuộm răng. Thuốc nhuộm là nhựa cây rang được đốt lên rồi đem chà vào răng, cứ sau mỗi bữa ăn bôi một lần. Sau khoảng một tháng, hàm răng sẽ trở nên đen bóng và hết buốt. Nhựa cây rang không chỉ làm cho răng bền chắc mà còn là thứ thuốc ngăn nhiễm trùng, ngừa sâu răng…”.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Không chỉ người Jrai hay Bahnar, hầu hết các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và dọc Trường Sơn xưa đều có lệ tục này. Thuở ấy, con gái, con trai vào tuổi 14, 15 nếu không cà răng thì không được coi là “người đẹp”. “Cái răng, cái tóc là góc con người” nhưng quan niệm của mỗi dân tộc cũng có sự khác nhau. Có dân tộc phải cà bằng cả hàm răng mới là “người đẹp”. Với người Tây Nguyên thì “cái góc” ấy phải là răng cửa (6 chiếc) được mài cụt. Không được coi là “người đẹp” thì chẳng những bị dân làng chê cười, không bắt được vợ được chồng mà khi chết ông bà sẽ không nhận về ở “làng ma”.
Thấy rõ cà răng là thứ lệ tục gây đớn đau và nguy hiểm, ngay trong kháng chiến chống Pháp, các đội vũ trang tuyên truyền, cán bộ của ta vào làng, bên cạnh việc giác ngộ cách mạng đều kết hợp vận động đồng bào bỏ tục cà răng. Tuy vậy, việc từ bỏ một tập tục đã ăn sâu bao đời, lại nằm trong ý thức tâm linh là không dễ. Thế nên thời kháng chiến chống Pháp và cả trong kháng chiến chống Mỹ, một số cán bộ của ta cũng phải “cà răng căng tai”, đóng khố, học tiếng, hóa thân thành người bản địa để lãnh đạo phong trào cách mạng. Ông Dú nói rằng, cũng phải 1-2 năm sau giải phóng, tục cà răng mới dứt hẳn ở nhiều nơi.
Nụ cười “vành trăng khuyết”-cái đẹp một thời cũng khổ đau là vậy…                                                              
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.