Chiếc lá mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa thu ơi, có phải mùa đến để chứng kiến chiếc lá đầu tiên rụng xuống? Rồi chẳng mấy chốc mà trên cành chỉ còn trơ lại một vài chiếc lá. Ở thành phố không có tuyết rơi thì người ta thường trông vào những chiếc lá cuối cùng ấy để tưởng niệm mùa cũ và mang mang chờ đợi cơn trở dạ của đất trời vào đông.
Tôi đã đọc ở đâu đó rằng mỗi chiếc lá có một linh hồn riêng, tiếng nói riêng. Nên lần nào nghĩ đến mùa rụng lá, bất giác có nỗi buồn vu vơ nào đó cứ ràn rạt khắp da thịt, tưởng như quyến luyến một vật riêng trong sự chia ly không hẹn trước. Cảm giác ấy cứ ngập ngừng trong cổ, không sao nói thành lời. Có phải vì tôi đa cảm quá chăng?
 Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Thú thật, ở bất cứ miền đất nào, tôi cũng đã quen với những bóng râm mát rượi, với tiếng lá xào xạc xô cành làm kinh động cả chú chim dẻo dai nhất. Tôi thích không gian bao la của ánh sáng và màu xanh. Nhưng vạn vật có gì không đổi dời? Khó lòng tận mắt trông thấy cái khoảnh khắc chiếc lá đổi màu rồi thầm lặng úa đi. Cái đổi thay ấy khẽ khàng hơn bất kỳ chuyển động của làn gió nào thoảng giữa đất trời. Thế mà có buổi sáng ra đường, thấy lá rụng lả tả ngập bàn chân, phủ kín cả những vỉa hè còm cõi nhất. Nếu lá thật sự có tâm hồn thì tôi đồ rằng, những chiếc lá cuối cùng còn bám lại trên cành đang vùi mình trong nỗi cô đơn da diết. Ai đã sẵn sàng cho một chuyến đi xa xôi trên thế gian này, bỏ lại những điều thân thuộc mà không cô đơn cơ chứ!
Nghe tin bão từ xa đổ về, gió càng được cớ tơi bời. Ruột cây cuộn lên dòng nhựa cuối cùng để níu giữ những chiếc lá cuối cùng ở lại với cành. Bão trắng đêm, có chiếc lá rơi nhẹ tênh nhưng có người nặng lòng quá đỗi. Bão tan là vừa lúc nhựa sống sẽ khô đi, chỉ còn lại mùi hương nhẹ lẫn trong kẽ vỏ. Ngẫm ra thì việc chấp nhận quy luật sinh tử của cuộc đời không dễ dàng như người ta vẫn nghĩ. Mùa đông cận kề sẽ bóc đi tất thảy những mơn mởn của lá cành, nhất là khi cái lạnh lẽo đã nặng trĩu lên mùa.
Mấy ai hiểu rằng, chiếc lá vàng đã tự bứt mình khỏi cành như một lẽ sống. Chiếc lá mùa đông là chiếc lá đã vàng dưới cội. Nhường lại nhựa sống cho chồi non. Tôi chợt tỉnh ra khi tưởng đến những mầm xanh sẽ nhú lên và tung tẩy giữa trời ngay ở vị trí mà cuống lá cuối cùng rụng xuống. Vậy là nhẹ lòng đi. Đã qua bao nhiêu mùa đông, tôi mới thực sự hiểu được điều bí ẩn của chiếc lá lìa cành, hiểu ra chân lý của sự chuyển dời và tuyệt nhiên thôi mộng tưởng về sự vĩnh hằng của vạn vật.
Nỗi buồn vẫn gờn gợn ở đâu đấy. Những tiếng thở dài vẫn thườn thượt niềm tiếc thương. Và mùa đông vẫn điệp khúc những cội lá vàng, được tua đi tua lại trong tâm trí mỗi người. Tôi bắt đầu quên thời gian, quên tuổi tác… Có lẽ không cần phải đợi đến lúc già đi, người ta mới chấp nhận cuộc hành trình ngắn ngủi của con tàu cuộc đời. Sự thản nhiên đắp đổi của thiên nhiên tạo vật thật khó cưỡng cầu.
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.