Chỉ thị của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Báo Gia Lai trân trọng giới thiệu Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Lớp đào tạo nghề may gia dụng cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Lớp đào tạo nghề may gia dụng cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Thay mặt Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã ký ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW (ngày 10/7/2024) của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị:

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có sự thay đổi tích cực. Đã có gần 10 triệu lao động ở nông thôn được học nghề, trong đó, gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề.

Công tác đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách được quan tâm với 2,1 triệu người được hỗ trợ học nghề. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được kiện toàn, một số cơ sở được đầu tư theo hướng hiện đại, chuẩn hóa. Nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn cơ bản được duy trì qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác đào tạo nghề cơ bản phù hợp với nhu cầu người học, gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Sau học nghề, số lao động có việc làm, năng suất lao động, thu nhập của người dân tăng lên. Kết quả đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; bảo đảm an ninh lương thực; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, còn tồn tại những hạn chế, yếu kém. Một số chỉ tiêu đề ra chưa đạt; lao động nông thôn chủ yếu được học nghề ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, chất lượng đào tạo còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề còn nhiều bất cập. Hoạt động hỗ trợ người dân sau khi học nghề chưa được triển khai hiệu quả. Nguyên nhân chính của những hạn chế, bất cập nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; việc cụ thể hoá chủ trương của Đảng về dạy nghề cho lao động nông thôn còn chậm; công tác quy hoạch sản xuất ở một số nơi còn lúng túng, ảnh hưởng tới việc xác định nhu cầu và nghề đào tạo; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, hiệu quả.

Lớp học đào tạo nghề tại xã Khổng Lào, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Lớp học đào tạo nghề tại xã Khổng Lào, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nông dân tiếp tục là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

1. Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cập nhật nghề, chuẩn hoá nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Nghiên cứu tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa phương, người học. Phát huy tính chủ động của người học, gắn kết đào tạo nghề với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có trình độ học vấn, năng lực đổi mới sáng tạo và tổ chức sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đổi mới căn bản công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư vấn nghề; tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa khu vực nông thôn, tận dụng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thích ứng với quá trình đô thị hoá, già hoá dân số và biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.

2. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn. Hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động ở từng vùng, từng địa phương; xây dựng chính sách tạo đột phá trong phát triển nhân lực, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Nghiên cứu, triển khai chương trình, ban hành chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật; quan tâm đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề, khuyến khích hoạt động vừa tổ chức học nghề kết hợp học văn hóa phổ thông để nâng cao kiến thức văn hóa và nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động; xây dựng các chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động trong các khu công nghiệp, bộ đội xuất ngũ, người cao tuổi còn đủ sức khỏe có nhu cầu tham gia thị trường lao động. Huy động sự tham gia, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

3. Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn; về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề và trình độ sản xuất tại khu vực nông thôn. Quảng bá, nhân rộng những mô hình hay, điển hình tốt sau học nghề.

4. Tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương. Có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể khu vực nông thôn. Triển khai các chương trình, đề án đào tạo, đào tạo lại phục vụ chuyển đổi nghề cho người dân do biến đổi khí hậu và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

5. Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm sau học nghề. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tiếp tục đầu tư đồng bộ, bảo đảm cơ sở vật chất cho đào tạo nghề, nhất là những nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có chất lượng; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, các nghệ nhân, doanh nhân, người sản xuất giỏi, lao động có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

6. Tổ chức thực hiện

Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Lớp học đan lát tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Lớp học đan lát tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn đồng bộ với hoạt động đào tạo nghề trong các chương trình mục tiêu quốc gia có hoạt động đào tạo nghề.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp vận động, phổ biến, tuyên truyền, tư vấn học nghề, tham gia đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho đoàn viên, hội viên; biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tham gia giám sát việc thực hiện Chỉ thị.

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị.

Chỉ thị này phổ biến đến các chi bộ.

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm tặng quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.T

Để tất cả người lao động đều có Tết

(GLO)- Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Với mục tiêu tất cả đoàn viên, người lao động (NLĐ) đều có điều kiện đón Tết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang tích cực triển khai kế hoạch chi trả lương, thưởng và tặng quà Tết.

Thước đo sự hài lòng

Thước đo sự hài lòng

UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, qua đó cho thấy nhiều cơ quan trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực cải cách chỉ số năng lực cạnh tranh để phục vụ người dân.