Chạy đua vũ trang hạt nhân có thể hủy diệt thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Ngày 26-9, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo nguy cơ xảy ra chạy đua vũ trang hạt nhân, lo ngại có thể hủy diệt thế giới, trong khi Bình Nhưỡng nói rằng bán đảo Triều Tiên đang trên bờ vực chiến tranh hạt nhân, theo hãng tin Reuters.
Vũ khí hạt nhân là trung tâm chiến lược quân sự của Nga. Ảnh: Sputnik

Vũ khí hạt nhân là trung tâm chiến lược quân sự của Nga. Ảnh: Sputnik

Cảnh báo từ Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres

"Số lượng vũ khí hạt nhân có thể tăng lần đầu tiên sau nhiều thập niên. Những thanh kiếm hạt nhân lại một lần nữa bị rung chuyển. Đây là sự điên rồ. Chúng ta phải đảo ngược điều này” - ông Guterres phát biểu trong ngày cuối cùng của kỳ họp khóa 78 Đại hội đồng LHQ.

“Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào - mọi lúc, mọi nơi và trong bất kỳ bối cảnh nào - sẽ gây ra một thảm họa nhân đạo quy mô lớn”- người đứng đầu LHQ cảnh báo.

Cũng tại cuộc họp này, đại sứ Triều Tiên tại LHQ- ông Kim Song cáo buộc Mỹ đang đẩy bán đảo Triều Tiên đến “gần bờ vực chiến tranh hạt nhân” và cho rằng Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol đã hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ và Nhật.

Đại sứ Triều Tiên cho rằng Nhóm tư vấn hạt nhân mà Mỹ và Hàn Quốc thành lập gần đây đã “cam kết lập kế hoạch, vận hành và thực hiện cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại Triều Tiên”.

“Bán đảo Triều Tiên đang ở trong tình trạng nguy hiểm với nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân” - ông Kim cảnh báo tại cuộc họp.Đáp lại, một phái viên của Hàn Quốc lên tiếng phản đối những nhận xét của Triều Tiên, theo Reuters.

“Bạn có tin rằng, giống như Triều Tiên đang nói, Hàn Quốc và Mỹ đang âm mưu kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mà không quan tâm về thương vong thảm khốc?” - đại diện của Hàn Quốc nói.

Nâng cấp hạ tầng

Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ, Nga hay Trung Quốc sắp sửa tiến hành thử nghiệm hạt nhân, nhưng những hình ảnh cho thấy nỗ lực nâng cấp của ba quốc gia tại các địa điểm thử nghiệm hạt nhân chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, theo tường thuật của CNN ngày 23/9.

Jeffrey Lewis, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ), đã cung cấp số hình ảnh vệ tinh nói trên cho CNN.

“Thực sự có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Nga, Trung Quốc và Mỹ có thể tiếp tục thử nghiệm hạt nhân”, ông Lewis nói. Cả ba quốc gia đều chưa từng tiến hành việc này kể từ khi hoạt động thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất bị cấm theo Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996. Trung Quốc và Mỹ đã ký hiệp ước nhưng chưa phê chuẩn.

Moscow đã phê chuẩn hiệp ước, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 2 ra lệnh thử nghiệm nếu Mỹ hành động trước, đồng thời tuyên bố “không ai nên có ảo tưởng nguy hiểm rằng cân bằng chiến lược toàn cầu có thể bị phá vỡ”.

Theo các nhà phân tích, những động thái trên là hấu hiệu rõ nhất cho thấy nguy cơ dẫn đến cuộc chạy đua thử nghiệm vũ khí hạt nhân khi có sự ngờ vực sâu sắc giữa Washington với Moscow và Bắc Kinh.

Nguyên nhân của cuộc chạy đua

Việc Nga vi phạm những đảm bảo cho Ukraine và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến sự Nga- Ukraine đã gửi tín hiệu mạnh mẽ tới các quốc gia phi hạt nhân: hãy sở hữu vũ khí hạt nhân.

Phần lớn các đồng minh phi hạt nhân của Mỹ muốn duy trì dưới “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ, ngay cả khi một số nước đã theo đuổi cái gọi là chiến lược phòng ngừa liên quan đến phát triển năng lực hạt nhân dân sự mà một ngày nào đó có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Ông Eric Brewer, cựu quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng có những lý do sau đây để lo ngại cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Thứ nhất, dù các mối đe dọa hạt nhân của Nga rõ ràng, nhưng đây không phải là lần đầu tiên một cường quốc hạt nhân đe dọa một quốc gia tương đối yếu, cũng không phải lần đầu tiên một quốc gia phải đối mặt với một cuộc tấn công sống còn sau khi từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Và chưa có tiền lệ cho các quốc gia tìm kiếm vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, con đường dẫn đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân đầy rẫy những trở ngại và rủi ro, nhưng nhiều quốc gia sẽ hướng tới mục tiêu này vì an ninh quốc gia.

Thứ ba, việc Nga vi phạm các đảm bảo an ninh đối với Ukraine và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đã phá hoại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vốn đã căng thẳng.

Lo ngại rủi ro khi sở hữu, các chuyên gia cho rằng, sau chiến sự Nga- Ukraine, các đồng minh và đối tác của Mỹ nhiều khả năng sẽ tìm kiếm sự bảo vệ từ Washington hơn là nắm lấy vũ khí hạt nhân.

Có thể bạn quan tâm