Từng thấy áp lực, bế tắc trong cuộc sống, Lê Quang Long (25 tuổi, Quảng Nam) đã từ bỏ 3 năm học đại học để đi tìm đam mê của mình.
Lê Quang Long trong một chuyến đi |
Quang Long tìm về những vùng quê nghèo, nơi những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Và nụ cười chân chất của họ đã giúp Long suy nghĩ lạc quan hơn và tìm được niềm đam mê thật sự của mình. Từ đó, Long rong ruổi khắp mọi vùng miền của đất nước để ghi lại những nụ cười và cả những câu chuyện đằng sau những nụ cười ấy.
Đừng ngại thay đổi
Trong những dòng nhật ký cách đây 2 năm của mình, Long viết: “Cũng như bao bạn khác, một cậu học sinh dân quê lên thành phố đi học, ngày đi học, đêm về ôm nỗi cô đơn, trống vắng, cuộc sống cứ vậy trôi hoài trong nỗi nhàm chán. Ba năm trôi qua vô nghĩa, nhìn lại trong tôi chỉ toàn những điểm số, những nỗi lo, nỗi buồn, suy nghĩ về cuộc sống sau này”.
Thế rồi, mọi thứ bắt đầu thay đổi trong chuyến độc hành dài ngày và trên tay là chiếc máy ảnh kỹ thuật số mượn của bạn. Từ sau chuyến đi đó, được tiếp xúc với nhiều người, được gặp những bậc tiền bối trong giới nhiếp ảnh và niềm đam mê nhiếp ảnh của anh trỗi dậy. Về thành phố, Long quyết định dừng việc học ở trường (lúc này Long là sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) để tìm hiểu và mày mò học nhiếp ảnh.
Hiện nay ngoài việc rong ruổi đó đây thì Long còn là một nhiếp ảnh gia và có một studio riêng để kiếm tiền trang trải cho mỗi chuyến đi - Ảnh: HOA NỮ |
Để theo đuổi được con đường nhiếp ảnh thì phải đầu tư máy ảnh, nhưng lúc này tài sản của một chàng sinh viên mà theo như Long kể, ngoài cái laptop cũ đã xài 4 năm, chiếc xe wave cũ đã xài 10 năm thì chẳng có thêm gì. Nhưng rồi Long quyết định bán hết để thực hiện đam mê.
Với Long khổ mấy cũng vượt qua được, miễn sao tìm được niềm vui và sống được với đam mê mỗi ngày. Nhưng khó khăn nhất vẫn là thông báo việc nghỉ học với gia đình để đi theo đam mê này. “Gia đình chẳng ai ủng hộ nên mình tự kỷ cũng nhiều, chán nản cũng nhiều, rồi cố gắng tự kiếm tiền để thuyết phục được gia đình, và cuộc sống cứ thế trôi qua”, Long tâm sự.
Và chàng trai này luôn tâm niệm một điều: “Cuộc sống này, ngại gì những thay đổi, chỉ quan trọng là có dám đánh đổi, phấn đấu hết mình cho sự thay đổi đó hay không?”.
Gắn cảm xúc vào những nụ cười chân chất
Điều đặc biệt ở Long là niềm đam mê nhiếp ảnh và thích đi khắp mọi miền đất nước để làm cùng người dân, nghe họ kể câu chuyện cuộc đời, câu chuyện đồng áng và ghi lại những nụ cười chân chất, bình dị.
“Xuất thân từ một đứa con vùng quê, vốn thích lao động và yêu những người dân lao động. Những ngày bế tắc, mình hay gởi cảm xúc vào những cuộc trò chuyện với người dân vùng quê, mình thích những nụ cười của họ để tự tạo động lực cho mình. Thay vì những lời than vãn yếu đuối, mình hay tạo những hình ảnh để yêu đời, để tự nhắc mình phải ráng phấn đấu”, Long trải lòng.
Hiện nay, Long đã có 1 chuyến xuyên Việt và 6 năm rong ruổi trên đất nước. Ở mỗi tỉnh, anh chàng sẽ đi hết các vùng, tìm hiểu mọi nét văn hóa của dân bản địa. Long đi đến những vùng quê thay vì những điểm du lịch hay điểm check in. Chính vì thế, mỗi nẻo đường mang đến cho Long mỗi cung bậc cảm xúc.
Long kể: “Những người dân vùng xa rất thân thiện và hiếu khách, mình đã từng ăn ngủ và lao động cùng họ, như những người thân thiết. Buồn vui cứ lẫn lộn, có lúc phải lặng người khi nghe họ kể về số phận của họ”.
Trong đó, ấn tượng với câu chuyện Long kể về hai đứa trẻ ở Hà Giang: “Gặp 2 đứa trẻ đang lao động trên vùng cao nguyên Hà Giang, bé trai thì cuốc đất, bé gái thì gieo ngô, bón tro, cứ thế men theo triền dốc. Hôm đó Hà Giang trở trời, lạnh tê tái, tôi mặc 2 chiếc áo ấm, ngoài khoác thêm 1 bộ áo mưa, cảm giác vẫn cứ tê buốt, nhìn lại 2 trẻ, đầu trần và trên người chỉ có 1 lớp áo khoác. Nhìn bé gái gồng cả người để khiên chiếc gùi chứa đầy tro, lòng cứ như nghẹn lại, mình không nghĩ đây là công việc của 1 đứa trẻ 7 tuổi. Bé trai lớn hơn, năm nay 8 tuổi, nhìn cách cậu cầm cuốc và cuốc đất, cứ tưởng cậu là một người đàn ông đã trưởng thành”.
Rồi câu chuyện về cụ ông 76 tuổi ở Quảng Nam: “76 tuổi, ông vẫn phải tất bật với công việc đồng án. Sức khỏe cụ bà yếu nên ông phải một mình lo toàn bộ công việc. Ông kể cho tôi nghe cuộc đời, kể cho tôi nghe những ngày tháng thăng trầm, kể cho tôi biết như thế nào là một người đàn ông. Ông luôn biết chịu khó và vươn lên trên mọi hoàn cảnh, lũ lụt, thiên tai vừa rồi cướp đi mùa màng của ông, nhưng ông vẫn lạc quan vui vẻ để gieo cấy và chăm bón lại. Ngôi nhà tạm bợ mọc lên giữa một bãi bồi mênh mông, nó đã bị xuyên xẹo và mục nát do đợt lũ vừa rồi. 'Vượt lên trên số phận mới là người đàn ông' đó là niềm tin mà ông tâm sự với tôi”.
Và bao giờ cũng vậy, kèm với những câu chuyện là những bức ảnh với những nụ cười lạc quan, bình dị nhất. Đấy là nụ cười của hai đứa trẻ Hà Giang, là nụ cười của cụ ông 76 tuổi vẫn ngày ngày tất bật với việc đồng áng. Và còn nhiều những câu chuyện khác, những nụ cười khác mà trong suốt 6 năm qua, chàng trai Lê Quang Long này đã ghi lại.
Khi hỏi về những dự định sắp tới, Long chỉ mong ước: “Mình muốn viết một cuốn sách về nụ cười lao động. Đó là những câu chuyện thật mình đã trải qua ở mọi nẻo đường, những nghị lực vượt lên số phận. Và trong thời gian sắp tới, mình vẫn đi tiếp, đi để kể tiếp về những nụ cười ấy”.
Cùng ngắm một vài bức ảnh trong rất nhiều bộ ảnh ghi lại nụ cười người dân lao động trên các chặng đường mà Long đã đi qua:
Hoa Nữ (thanhnien)