Cần "đại phẫu" BOT giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- BOT Cai Lậy chưa lắng dịu thì BOT Văn Lâm đã nổi lên, cũng gay gắt không kém. Điều này cho thấy, mô hình BOT tiềm ẩn nhiều vấn đề nhức nhối.

Chiều 4-9, các tài xế đã sử dụng tiền lẻ trả phí qua trạm thu phí BOT số 1 đoạn qua huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên), gây ùn tắc giao thông suốt một đoạn dài trên tuyến quốc lộ 5. Tình hình căng đến mức địa phương phải điều động 200 Cảnh sát Cơ động đến vãn hồi trật tự. Vụ việc kéo dài sang tận sáng 5-9.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 15.000-16.000 lượt phương tiện qua trạm thu phí BOT trên quốc lộ 5. Mức phí tại đây hiện thấp nhất là 40.000 đồng/lượt, cao nhất là 180.000 đồng/lượt. Người dân ở đây cho biết, dù họ ở cách trạm thu phí có mấy trăm mét nhưng hàng ngày phải qua trạm đến 4-5 lần và đều phải mua vé rất tốn kém.

Nếu kể các câu chuyện của từng trạm BOT, có lẽ không bao giờ hết. Bởi với 88 dự án BOT trên cả nước hiện nay, phải nói là đụng đâu cũng có chuyện bức xúc. Thanh tra Chính phủ kiểm tra 7 dự án ở phía Bắc và 6 dự án ở TP. Hồ Chí Minh thì tất cả đều “dính”. Sai phạm tập trung nhất là 100% các trạm đều chỉ định thầu. Lý do người ta đưa ra là các doanh nghiệp không quan tâm, chỉ có… 1 doanh nghiệp quan tâm. “Miếng bánh BOT” béo bở như vậy, sao lại có chuyện không quan tâm!

Về tính minh bạch thì khỏi phải bàn. Nhờ các nhà đầu tư kiện nhau mà phát hiện chuyện trạm BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ (Ninh Bình) thu 2 tỷ đồng mỗi ngày nhưng báo cáo chỉ có 1,2 tỷ đồng. Người ta chỉ dùng 30% số tiền dự án, vá đắp tạm bợ, nhưng mức thu phí thì bằng mức thu đường cao tốc 6 làn xe.

Hay mới đây, còn kinh khủng hơn, trạm thu phí BOT Tào Xuyên (Thanh Hóa) có thời gian thu từ 27 năm giảm xuống còn 7 năm đã đủ hoàn vốn. Đáng sợ khi kiểm tra 13 dự án BOT, cơ quan chức năng đã phát hiện các trạm này lậm tới 100 năm thu phí. Cứ tính trung bình mỗi ngày 1 trạm thu 1 tỷ đồng, nhân lên 100 năm thì ra số tiền người dân mất oan.

Tại sao người ta khó công khai hợp đồng tài chính BOT đến vậy? Vụ BOT Cai Lậy vỡ ra, mới té ngửa, từ việc đặt vị trí trạm đến mức thu phí, tất cả đều do Bộ Giao thông-Vận tải quyết định. Việc người dân, giới tài xế nghi ngờ có lợi ích nhóm, chia chác, không phải là không có lý.

Có lẽ, để minh oan cho mình, các quan chức ở bộ và chính quyền địa phương không cần thanh minh, mà tốt nhất là công khai, minh bạch các dự án BOT. Mà việc minh bạch đầu tiên là đấu thầu công khai. Cứ công bố trên phương tiện thông tin đại chúng xem có nhà đầu tư đăng ký hay không.  

Kế đến là minh bạch đầu tư, chi phí, để từ đó tính ra giá thu phí và thời gian thu phí. Câu hỏi đặt ra là tại sao không thể minh bạch các hợp đồng tài chính BOT? Những góc khuất trong quá trình thẩm định, đấu thầu, tư vấn thiết kế... vì vậy cũng phải công khai cho toàn dân thẩm định, chứ không phải chỉ một nhóm người với nhau biết.

Bộ Tài chính cũng đã khuyến cáo, rủi ro tham nhũng lớn nhất là ở mô hình BOT. Có lẽ đã đến lúc không thể để cho người dân, giới lái xe kêu lên rồi mới giải quyết theo kiểu “ngứa đâu gãi đấy” mà cần phải có một cuộc “đại phẫu” toàn diện về BOT.

Gia Lai hiện cũng là một tỉnh bị các trạm thu phí BOT bao vây với rất nhiều trạm đặt trên quốc lộ 14 và 19. Dù chưa đến mức phản ứng như BOT Cai Lậy hay Văn Lâm song không phải không có những người bức xúc về những trạm thu phí này, nhất là khi có các trạm thu phí mà đường vẫn xuống cấp.

Đặng Vỹ

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.