Cán bộ cần trị bệnh “sợ trách nhiệm”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thiếu quyết đoán, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm và bệnh sợ trách nhiệm gắn liền với nhau. Đã sợ trách nhiệm thì ít ai dám nghĩ, dám làm...

Vốn đầu tư công giải ngân chậm chạp, trong đó có cả nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đợt 2-2023. Việc một số bệnh viện tuyến trung ương phải dừng mổ do thiếu thuốc, vật tư y tế, máy móc hiện đại từ hoạt động liên danh liên kết bị phủ bụi trong kho… chỉ là dẫn chứng tiêu biểu cho tình trạng “chờ cơ chế” của nhiều bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực thi nhiệm vụ. “Chờ cơ chế” hay là sợ sai, sợ trách nhiệm? Căn bệnh này cần được mỗi cán bộ tự chữa trị tận gốc.

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch trong năm 2022 là 350.000 tỷ đồng, được thông qua tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV hồi tháng 1-2022 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch là cả một sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc giải ngân chậm gói hỗ trợ này đã làm giảm một phần ý nghĩa trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nói chung, hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân nói riêng.

Kết thúc năm 2022, số vốn chưa phân giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 28.862 tỷ đồng. Đến giữa tháng 3-2023 mới được phân giao khoảng 14.710 tỷ đồng. Nghĩa là gần một nửa số vốn ấy vẫn còn nằm tại kho bạc, trong khi doanh nghiệp đâu đâu cũng kêu thiếu vốn, phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao bất bình thường.

Phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguyên nhân là đề xuất của các bộ, ngành, địa phương không sát thực tiễn. Y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực thay đổi nhiều lần nhất. “Có những dự án của y tế sau này thay đổi gần như toàn bộ. Còn rất nhiều dự án y tế chưa giao, không thể giao được”.

Riêng ngành Y tế, câu chuyện khó giải nhất vẫn là những bất cập trong đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư thiết bị. Bệnh nhân kêu cứu vì thiếu thuốc, lãnh đạo bệnh viện cũng kêu vì vướng cơ chế đấu thầu, không ai dám làm vì hễ làm là... sai. Mà sai thì phải đối diện với pháp luật.

Có lẽ vì thế nên mới có chuyện đề án phải “làm đi làm lại nhiều lần”, thiếu thuốc nhưng không thể mua, có máy nhưng không thể đem ra dùng cho bệnh nhân. Bởi tiêu tiền thì dễ, nhưng tiêu tiền sao cho đúng, sao cho khỏi phải bị pháp luật sờ gáy thì khó. Bài học về đấu thầu, mua sắm vật tư y tế phục vụ chống dịch với hàng trăm người bị khởi tố vì liên quan đến Công ty Việt Á vẫn sờ sờ trước mắt.

Thận trọng để tránh sai sót là cần thiết. Nhưng sợ đến mức cứ trù trừ, không dám làm gì, để cơ hội vuột khỏi tầm tay, trong khi nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương đang đói vốn, đang cần tiền để triển khai các chương trình, dự án có thể giúp kinh tế-xã hội phát triển, doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, đời sống người dân được cải thiện hơn thì đó lại là một sự “thận trọng có vấn đề”. Nói cách khác, đó là căn bệnh “sợ trách nhiệm” của đội ngũ cán bộ trong bộ máy công quyền.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung-nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong một lần bàn về những rào cản đối với doanh nghiệp-cho biết: Nhiều công chức không ngần ngại nói với ông đại ý: Thà chịu phê bình làm chậm còn hơn bị kỷ luật. Do đó, dẫu biết để giải ngân đầu tư công chậm trễ là rất đáng trách, để bệnh viện thiếu thuốc là có lỗi với bệnh nhân, nhưng với không ít người, đáng trách vẫn ít rủi ro hơn là bị kỷ luật. Đây mới chính là lý do sâu xa nhất của việc đùn đẩy trách nhiệm, làm cũng được, không làm cũng không sao, cứ chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên cho an toàn.

Thiếu quyết đoán, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm và bệnh sợ trách nhiệm gắn liền với nhau. Đã sợ trách nhiệm thì ít ai dám nghĩ, dám làm. Xem ra, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, dù được ví như “luồng gió mới” tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, khát vọng, là động lực quan trọng để cán bộ phấn đấu, cống hiến cho đất nước, vẫn còn nhiều trở ngại khi đi vào cuộc sống.

Nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm cá nhân, đặt lợi ích của dân, của nước lên trước hết, trên hết là cách để mỗi cán bộ lãnh đạo không còn phải mang những nỗi sợ trong quá trình thực thi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.