Cần bình tĩnh khi trẻ mắc Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày gần đây, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai) luôn trong tình trạng quá tải vì số lượng trẻ mắc Covid-19 tăng cao. Điều đáng nói là một số trẻ mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ nhưng do phụ huynh lo lắng đưa con nhập viện gây ra tình trạng quá tải không đáng có.
Bệnh nhi nhập viện do Covid-19 tăng
Tại khu khám sàng lọc Covid-19 (Bệnh viện Nhi tỉnh), hàng ngày, các y-bác sĩ sàng lọc, test nhanh SARS-CoV-2 cho hàng chục bệnh nhi. Từ ngày 17 đến 20-3, qua test nhanh, Bệnh viện đã phát hiện 79 trường hợp dương tính do lây nhiễm từ cộng đồng. Trong số này, đa phần trẻ có triệu chứng nhẹ, chỉ vài trường hợp chỉ định nhập viện. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh do quá lo lắng đề nghị cho trẻ nhập viện điều trị. Chị Lê Thị Trang (tổ 3, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Con tôi mới 11 tháng tuổi. Vừa rồi, cháu sốt, ho, lên phường test thì dương tính. Do cháu quá bé nên vợ chồng tôi muốn cháu được nhập viện điều trị. Tuy nhiên, sau khi được bác sĩ tư vấn cặn kẽ thì chúng tôi đã cho cháu cách ly, điều trị tại nhà”.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Lường cho biết: Gần đây, số trẻ em đến khám-chữa bệnh có chiều hướng gia tăng. Bệnh viện tiến hành phân loại những trường hợp trẻ sốt chỉ định qua khu khám sàng lọc test nhanh SARS-CoV-2. Đối với các trường hợp dương tính nếu triệu chứng nhẹ thì bác sĩ khám tư vấn cho đơn thuốc về nhà điều trị. Những trường hợp cần nhập viện thì chuyển đến Khoa Bệnh nhiệt đới. “Có những trẻ chỉ vài tháng tuổi cũng nhiễm Covid-19 khiến phụ huynh rất lo lắng nên đề nghị được nhập viện để điều trị. Chúng tôi dựa trên triệu chứng để tư vấn, giải thích cặn kẽ cho phụ huynh hiểu, từ đó an tâm cho trẻ điều trị tại nhà, tránh quá tải cho bệnh viện”-điều dưỡng viên Lường nói. 
Nhân viên y tế phường Diên Hồng (TP. Pleiku) kiểm tra sức khỏe cho trẻ em thực hiện điều trị Covid-19 tại nhà. Ảnh: Bá Bính
Nhân viên y tế phường Diên Hồng (TP. Pleiku) kiểm tra sức khỏe cho trẻ em điều trị Covid-19 tại nhà. Ảnh: Bá Bính
Là cơ sở tuyến cuối, Bệnh viện Nhi tỉnh có trách nhiệm thu dung, điều trị bệnh nhi mắc Covid-19 không chỉ ở tầng 2 mà còn tầng 3 (đối với các trường hợp nặng và nguy kịch). Ban đầu, Bệnh viện chủ động xây dựng kế hoạch bố trí từ 20 đến 30 giường bệnh tại Khoa Bệnh nhiệt đới để thu dung, điều trị bệnh nhi Covid-19. Tuy nhiên, Bệnh viện đang phải thu dung, điều trị cho hơn 100 bệnh nhi, gây quá tải trong công tác khám điều trị. Bác sĩ Đoàn Phương Bắc (Khoa Bệnh nhiệt đới) thông tin: “Để đảm bảo chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi mắc Covid-19, chúng tôi chia làm 2 kíp, mỗi kíp gồm 3 bác sĩ, 4 điều dưỡng viên thực hiện nhiệm vụ 1 tuần. “Hiện bệnh nhi mắc Covid-19 nhập viện điều trị rất đông, một số trường hợp nặng phải thở oxy, thở máy. Công việc của các y-bác sĩ không tránh khỏi quá tải. Do bệnh nhi không thể tự chăm sóc được nên phụ huynh phải đi theo, gây nên tình trạng đông đúc, dễ lây nhiễm chéo”-bác sĩ Bắc khuyến cáo.
Cần bình tĩnh khi trẻ dương tính với SARS-CoV-2
Theo bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức-Tích cực-Chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh), phần lớn trẻ mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ hồi phục trong 1-2 tuần và tỷ lệ diễn biến nặng cũng thấp hơn so với người lớn. Vì vậy, khi trẻ mắc Covid-19, phụ huynh cần bình tĩnh để chăm sóc đúng cách. “Bệnh viện chỉ thu dung điều trị cho trẻ mắc Covid-19 từ tầng 2 trở lên. Đó là những bệnh nhi có triệu chứng như: khó thở, ho, sốt li bì… Đối với những trường hợp bệnh nhẹ, không có triệu chứng thì được chỉ định điều trị tại nhà. Tuy nhiên, hiện tại, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 nên nhiều phụ huynh lo lắng muốn cho con em mình nhập viện, gây quá tải cho các cơ sở điều trị”-bác sĩ Trang nói.
Khám sàng lọc Covid-19 cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Khám sàng lọc Covid-19 cho trẻ tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Quyết định số 225/QĐ-UBND phê duyệt cơ số giường bệnh để tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở khám-chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế. Theo đó, Bệnh viện Nhi có 10 giường cấp cứu và 90 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 2; Trung tâm Y tế thị xã An Khê có 10 giường cấp cứu và 35 giường điều trị; Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa có 10 giường cấp cứu và 30 giường điều trị; các Trung tâm Y tế: Pleiku, Chư Sê, Phú Thiện, Chư Pưh mỗi đơn vị 20 giường; Trung tâm Y tế huyện Krông Pa và Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa mỗi đơn vị 30 giường; Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ 25 giường; Trung tâm Y tế huyện Kông Chro 40 giường; Trung tâm Y tế huyện Chư Păh 50 giường; Bệnh viện Tâm thần kinh 20 giường.

Theo bác sĩ Trang, các bậc phụ huynh cần lưu ý dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tăng sức đề kháng cho trẻ. Ngoài cung cấp các vitamin C, D, kẽm, canxi… thì kết hợp chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của từng lứa tuổi và đặc biệt cần cung cấp đủ nước bởi vì khi trẻ sốt thì nhu cầu nước cao hơn bình thường. Bên cạnh đó, phụ huynh cần thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ. Theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu tăng nặng như khó thở, thở nhanh hơn bình thường, tím tái, lừ đừ, sốt cao khó hạ… thì cần báo ngay đường dây nóng hoặc số điện thoại trạm y tế xã, phường nơi cư trú để được hỗ trợ kịp thời. Trong vấn đề điều trị cho trẻ thì tâm lý của các bậc phụ huynh là rất quan trọng. Do vậy, bình tĩnh, ổn định tâm lý thì việc chăm sóc trở nên thuận lợi, nhẹ nhàng, giúp trẻ nhanh bình phục hơn.
Một vấn đề khác là hiện nay, nhiều phụ huynh có tâm lý trẻ đã mắc Covid-19 thì không cần phải tiêm vắc xin phòng Covid-19. “Tuy nhiên, cần hiểu trẻ mắc Covid-19 khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm. Do đó, sau khi khỏi bệnh, vẫn cần cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ. Lúc nào phụ huynh cũng thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như hạn chế đưa đến những nơi đông người, thực hiện tốt 5K, nhất là đeo khẩu trang, sát khuẩn”-bác sĩ Trang khuyến cáo.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

(GLO)- Năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện 705 bệnh nhân lao. Theo đánh giá, số bệnh nhân tiềm ẩn và nguồn lây trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng bệnh nhân kháng thuốc gây khó khăn trong công tác phòng-chống lao.