Campuchia ấn định thời điểm khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ban Thư ký Quốc hội Campuchia cho biết Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới - sự kiện trọng đại và mang tính lịch sử - sẽ khai mạc ngày 21/8 tới dưới sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni.
Đài Độc lập ở trung tâm Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) sáng 5/8/2023, thời điểm công bố kết quả chính thức cuộc bầu của Quốc hội Campuchia khóa VII. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)

Đài Độc lập ở trung tâm Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) sáng 5/8/2023, thời điểm công bố kết quả chính thức cuộc bầu của Quốc hội Campuchia khóa VII. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)

Quốc hội Campuchia khóa VII sẽ tiến hành phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất vào sáng 21/8, gần một tháng sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 23/7 ở quốc gia Đông Nam Á này.

Trong thông báo ngày 11/8, Ban Thư ký Quốc hội Campuchia nêu rõ sự kiện trọng đại và mang tính lịch sử ngày 21/8 sắp tới diễn ra dưới sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni, cùng đại biểu khách mời là các nhân vật lãnh đạo cấp cao, đại diện các cơ quan ngoại giao tại Vương quốc Campuchia và một số tổ chức phi chính phủ.

Sau phiên khai mạc, Quốc hội Camphuchia khóa VII sẽ tiến hành kỳ họp thứ nhất dưới sự chủ trì của Samdech Heng Samrin (89 tuổi), nghị sỹ trúng cử cao niên nhất trong cuộc bầu cử vừa qua; tiến hành quy trình tuyên bố tư cách nghị sỹ của từng thành viên trong cơ quan lập pháp nhiệm kỳ mới và thông qua Quy chế làm việc của Quốc hội khóa mới.

Sáng 22/8, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Campuchia khóa VII tiếp tục làm việc với các hoạt động bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội và Ban Lãnh đạo các ủy ban chuyên trách của quốc hội, tiến hành cho ý kiến biểu quyết tín nhiệm đối với Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ mới.

Hiến pháp Campuchia quy định phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội do Quốc vương triệu tập và chủ trì, được điều hành bởi một thành viên lão thành - ứng viên trúng cử cao niên nhất để tuyên bố tư cách nghị sỹ của từng thành viên trong cơ quan lập pháp nhiệm kỳ mới.

Vị nghị sỹ lão thành này có trách nhiệm điều hành quy trình bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, cũng như thành phần nhân sự trong các ủy ban chuyên trách của quốc hội theo đề nghị của đảng có số ghế nhiều nhất.

Hoạt động bầu cử được tiến hành và quyết định theo phương thức biểu quyết tín nhiệm đa số tuyệt đối trong tổng số nghị sỹ quốc hội.

Sau khi nhiệm kỳ mới của Quốc hội chính thức có hiệu lực, Quốc vương chỉ định một nhân vật làm thủ tướng để thành lập chính phủ mới theo đề xuất của chính đảng có nhiều ghế nhất trong Quốc hội.

Điều 119 Hiến pháp Campuchia quy định đề xuất của đảng có nhiều ghế nhất trong Quốc hội được sao gửi tới Chủ tịch Quốc hội; đồng thời yêu cầu nhân sự được bổ nhiệm làm Thủ tướng phải là nghị sỹ và chỉ có duy nhất một quốc tịch Campuchia từ khi khai sinh.

Theo kết quả công bố chính thức của Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia, tại cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VII diễn ra ngày 23/7 vừa qua, có 125 ứng viên trúng cử nghị sỹ. Trong đó, có 120 nghị sỹ là ứng viên của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và 5 nghị sỹ là ứng cử viên của đảng bảo hoàng FUNCINPEC.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.