Lãnh đạo Bộ NNPTNT vừa làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về vấn đề cơ cấu đàn lợn, tình hình tái đàn trên địa bàn tỉnh sau dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).
Trước đó, Bộ cũng đã làm việc với các tỉnh Hưng Yên, Phú Thọ, Tiền Giang, Đồng Nai, Hà Giang, Nam Định... nhằm gỡ khó cho việc tái đàn với mong muốn sớm ổn định thị trường thịt lợn.
Không vội vã tái đàn
Tháng 5/2019, DTLCP khởi phát tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Sau hơn 1 năm, đại dịch này đã khiến tổng đàn lợn của tỉnh này giảm từ 406.000 con còn 362.000 con.
Đoàn công tác của Bộ NNPTNT tham quan mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) giữa tháng 5/2020. Ảnh: Minh Thành |
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến |
Hiện tại, DTLCP ở Hà Tĩnh tuy đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát. Đặc biệt, trong bối cảnh giá thịt lợn hơi đang ở mức cao kỷ lục, rất khó tránh khỏi việc bà con liều tái đàn.
Vì vậy, ngành chức năng Hà Tĩnh đã đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường giám sát, khuyến cáo công tác đảm bảo an toàn sinh học tại các trang trại, gia trại, đặc biệt là hộ chăn nuôi. Tuyệt đối không vội tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn phòng dịch.
Đối với các trang trại, gia trại, tỉnh yêu cầu tập trung chuyển đổi công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi, từ nuôi chuồng hở sang chuồng khép kín. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không đơn giản đối với các nông hộ bởi chi phí đầu tư bình quân khoảng 300 triệu đồng/trang trại.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, để đẩy nhanh việc tái đàn, tăng đàn lợn, mới đây trang trại 10ha của Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã nhập 250 con lợn nái bố mẹ từ Thái Lan về để chuẩn bị cung cấp con giống cho trang trại và chăn nuôi nông hộ trên địa bàn.
Ngoài chỉ đạo các trang trại, gia trại, nông hộ chủ động tái đàn tại chỗ, tỉnh Hà Tĩnh đang hoàn thiện dự thảo chính sách hỗ trợ tái đàn lợn, trong đó trọng tâm là gỡ khó cho bà con về vốn, đất đai.
Anh Đinh Văn Mừng (thôn Đông, xã Đông Đô, Hưng Hà, Thái Bình) xây dựng trang trại mới với 180 con lợn. Ảnh: M.N |
|
Vùng chăn nuôi lợn lớn nhất miền Trung là huyện Hoài Ân (Bình Định) cũng đang đẩy mạnh tái đàn với việc yêu cầu các trang trại phải tuân thủ chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo thống kê của UBND huyện Hoài Ân, hiện huyện có 4 trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 62 trang trại có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 1.926 gia trại và trên 8.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Điều đặc biệt là từ các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn đến những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hoài Ân đều có nuôi lợn nái. Đây là lợi thế lớn để đẩy mạnh tái đàn trong bối cảnh lợn giống đắt đỏ.
Còn tại Nam Định, giá thịt lợn hơi đang ở mức cao, dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Mức giá trên vô cùng hấp dẫn, kích thích người chăn nuôi nghĩ cách tái đàn, tăng đàn nhưng không phải ai cũng dám mạnh tay đầu tư.
Nguyên nhân là do giá lợn giống quá cao (3 - 3,2 triệu đồng/con) và có rất ít cơ sở xuất bán con giống ra bên ngoài. Bệnh DTLCP mặc dù đã được kiểm soát, khống chế nhưng nguy cơ tái phát rất cao.
Vì vậy nhiều cơ sở chăn nuôi đã đủ điều kiện tái đàn nhưng họ vẫn thận trọng, e dè, chỉ nuôi từ 40 - 50% số lợn so với trước khi có dịch. Còn những người đã từng bị thiệt hại vì dịch bệnh thì hầu như chưa dám nuôi trở lại.
Ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Giao Thủy (Nam Định) cho hay, từ những tháng cuối năm 2019 cho đến nay, tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn huyện từng bước được khống chế, các dịch bệnh nguy hiểm khác được kiểm soát chặt chẽ cùng với giá lợn hơi tăng cao nên một số hộ chăn nuôi đã thực hiện tái đàn.
Tuy nhiên, nguồn giống khan hiếm, giá giống cao; cùng với đó cơ sở chăn nuôi có đủ các tiêu chí cơ bản để đảm bảo thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học không nhiều, nên tỉ lệ tái đàn thấp. Toàn huyện có 185 hộ đã tái đàn với khoảng 8.000 con lợn.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định, đến nay tổng đàn lợn của tỉnh ước đạt gần 628.00 con, giảm gần 13% so với trước khi có DTLCP. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 4/2020 ước đạt 12.497 tấn, tăng 0,8% (+97 tấn) so với cùng kì năm 2019. Chi cục này nhận định, thời gian tới, việc tái đàn lợn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ tái đàn chậm và sẽ kéo dài khoảng 3 - 4 tháng nữa.
Khuyến nông vào cuộc...
Trực tiếp đi kiểm tra tình hình tái đàn, tăng đàn lợn, tái cơ cấu ngành chăn nuôi của nhiều địa phương gần đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, nhìn chung việc tái đàn ở các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các doanh nghiệp tiềm lực vốn lớn thì tái đàn, tăng đàn nhanh, nhưng các nông hộ, trang trại thì gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu đất đai.
Việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học ở các hộ nuôi nhỏ lẻ còn hạn chế, nhiều địa phương bỏ ngỏ công tác quản lý giết mổ... Đặc biệt, giá lợn giống quá đắt cũng khiến nhiều hộ nuôi lợn e ngại.
Làm việc với đoàn công tác của Bộ NNPTNT, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, trước khi có DTLCP, tỉnh có tổng đàn lợn hơn 483.000 con, đứng thứ 2 ở khu vực Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, toàn tỉnh có tới 206/241 xã xảy ra bệnh DTLCP, trong đó có 135 xã có dịch qua 30 ngày tái phát dịch. Hiện vẫn còn 6 xã có bệnh DTLCP chưa qua 30 ngày. Sau khi dịch bệnh xảy ra, tính đến tháng 4/2020, đàn lợn của tỉnh chỉ còn 250.000 con. Trong đó, lợn giống ông bà và lợn nái giống sinh sản, lợn nái hậu bị khoảng 25.000 con.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện tại DTLCP chưa có vaccine, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên muốn tăng đàn, tái đàn thì bắt buộc phải đảm bảo an toàn sinh học. Mà an toàn sinh học thì các đơn vị chăn nuôi lớn làm tốt, hộ gia đình khó khăn. Trong khi cơ cấu chăn nuôi nhỏ lẻ của tỉnh Quảng Nam chiếm khoảng 64%.
"Hiện tại nhiều hộ chăn nuôi ở Quảng Nam chưa kiểm soát tốt việc phòng chống dịch bệnh như không rắc vôi; lưới chắn chim, chuột, côn trùng không có; người ra vào không được kiểm soát... Nếu như tăng đàn trong điều kiện như vậy thì dịch rất dễ bùng phát, trong khi đó một số xã vẫn còn DTLCP. Vậy nên, tỉnh Quảng Nam cần phải có kế hoạch cụ thể, các ngành chức năng phải có những chỉ đạo bằng văn bản, bằng thông tin tuyên truyền, bằng cầm tay chỉ việc thì mới ra vấn đề. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ khuyến nông địa phương cũng cần vào cuộc tích cực, chỉ ra những mô hình tiêu biểu để giới thiệu, dẫn dắt cho các hộ dân thực hiện thì mới hiệu quả, bền vững" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.
https://danviet.vn/cam-tay-chi-viec-giup-nong-ho-tai-dan-lon-20200612184535837.htm
Theo Minh Huệ (Dân Việt)