Cái nong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong các dụng cụ nghề nông được đan lát từ tre, cái nong gắn bó rất mật thiết với cuộc sống của người dân quê. So với “họ hàng” nia, mẹt, giần, sàng..., cái nong “vất vả” suốt bốn mùa, cả ngày lẫn đêm.
Thời xưa, ít nhà có sân gạch mà toàn là sân đất. Đã làm nông là phải có cái nong dùng cho việc phơi phóng. Vào mùa gặt, nong hứng lúa lúc tuốt, rê, sàng, sảy, rồi hong phơi cho khô. Vụ lúa qua, hoa màu đến thì bắp, khoai, đậu, vừng... đều phơi tất tần tật trên nong. Đến một làng nào đó, chỉ cần nhìn trên những chiếc nong là biết vùng quê đó trù phú hay nghèo khó. Khi mùa màng đi qua, sương gió, nắng nôi và mồ hôi đọng lại nâu thẫm trên nong.
Đan nong công phu lắm! Bắt đầu từ việc chọn tre: chặt những cây tre đủ tuổi, thẳng, có các lóng tương đối đồng đều, lấy đoạn giữa chứ không lấy hết cả cây vì phần gần gốc rất cứng, lại giòn, khó đan; phần ngọn lại mềm, không bền. Người ta chẻ nan lúc tre còn tươi, dùng cật, bỏ ruột. Nhưng chưa đan liền mà gác trên giàn bếp một thời gian để nan ám khói cho chín, đem xuống chuốt có màu cánh gián nhẵn bóng. Đan nong từ giữa rồi tiến dần ra 4 mặt. Khi đường kính khoảng từ 1,4 đến 1,8 m thì lận vành. Vành nong là miếng cật tre dày, lấy dây mây cũng đã được hong lâu ngày trên giàn bếp đem ngâm nước rồi nức vành, dẻo dai và chắc chắn.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cùng là nông cụ được làm từ tre nhưng giần, sàng công việc thong thả hơn, xong việc với lúa gạo thường được chủ nhà treo trên vách nghỉ ngơi. Nia, mẹt có lúc được bày biện đồ thờ cúng một cách trang trọng. Còn nong, hết vụ mùa, không hong phơi thì cũng được dùng vào nhiều việc khác.
Nhiều nhà đông con thường lấy nong để dọn cơm. Không khí gia đình sum vầy quanh cái vòng tròn bằng tre thân thiện. Cái nong cũng là nơi các bà mẹ bận việc nhà đặt em bé tập lật, tập trườn. Vành nong trở thành một thử thách nếu bé muốn vượt qua. Những đêm mùa hè nóng nực, nhà nhà ngửa nong ra sân hóng gió. Người già săm soi từng cái nan thấy cuộc đời trải qua bao gian khó. Đám trẻ hướng lên bầu trời ngắm trăng hay đếm sao với bao mơ ước. Mùa đông, vách nhà ai bằng phên liếp bị gió bấc thổi vào tê buốt, họ dùng những cái nong che chắn cho ấm áp.
Ngày nay, nong hầu như không còn được sử dụng nhiều. Vì ở nông thôn, sân phơi bằng gạch, xi măng đã thay thế nó. Nhưng thật kỳ lạ, mỗi lần nhìn vầng trăng tròn, tôi lại thấy cái nong hiện ra trước mắt, thấy những vụ mùa đi qua mỗi nan tre, đan quyện chặt chẽ với hơi thở cuộc sống của một vùng quê.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.