(GLO)- Ngày 17-2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có Công văn về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Báo Gia Lai điện tử trích đăng trả lời của các bộ, ngành về kiến nghị của cử tri ở lĩnh vực nông nghiệp và tài nguyên-môi trường.
1. Đề nghị xem xét, sửa đổi Điều 129, khoản 1, điểm b, Luật Đất đai năm 2013 quy định “hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác”. Quy định như vậy không phù hợp với vùng Tây Nguyên, vì đất trên địa bàn Tây Nguyên chủ yếu được khai hoang và công nhận diện tích đất lớn, nên việc quy định hạn mức theo quy định hiện hành khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, chưa đảm bảo được quyền lợi người sử dụng đất.
• Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời: Vấn đề cử tri nêu đã được tổng kết quá trình thực hiện chính sách đất đai qua các thời kỳ để quy định cụ thể trong pháp luật về đất đai hiện hành như quy định tại Điều 129, Điều 130 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Việc quy định hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức nhận chuyến quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để đảm bảo nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân tại địa phương.
2. Đề nghị nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách, thành lập quỹ phòng-chống dịch bệnh để hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu bò; các loại dịch bệnh trên cây trồng: hồ tiêu, cà phê, mì, bắp...
• Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời: Về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng-chống dịch bệnh động vật: Ngày 12-8-2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 5102/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tồ chức đánh giá, báo cáo chi tiết và đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về phòng-chống dịch bệnh động vật theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (gọi tắt là Nghị định số 02/2017/NĐ-CP) để làm cơ sở báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Ngày 20-10-2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 6767/BNN-VP về việc phân công thực hiện Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 8-10-2021 của Chính phủ; theo đó, Bộ giao Tổng cục Phòng-chống thiên tai chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017.
|
Nhân viên thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa tiêm phòng vắc xin cho đàn bò của người dân. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ngày 18-11-2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 7808/BNN-TY báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng-chống dịch bệnh động vật trên cơ sở sửa đổi, thay thế, bổ sung các điều khoản liên quan đã được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP và Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 18-11-2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8448/VPCP-NN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc giao Bộ Nông nghiệp và PTNT khẩn trưong nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.
Đối với cơ chế, chính sách phòng-chống dịch bệnh thực vật: Điều 18 của Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 9-1-2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp đã quy định cụ thể đối tượng bảo hiểm đối với cây trồng gồm lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau. Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP giao Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cụ thể về đối tượng, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ; loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ; loại rủi ro được bảo hiểm, được hỗ trợ; mức hỗ trợ; thời gian thực hiện hỗ trợ; địa bàn được hỗ trợ; mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.
Về chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh động vật: Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: (i) Chương trình quốc gia phòng-chống bệnh dại, giai đoạn 2017-2021 ban hành kèm theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13-2-2017; hiện đã trình Chương trình quốc gia cho giai đoạn 2022-2030; (ii) Kế hoạch quốc gia phòng-chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025 ban hành kèm theo Quỵết định số 172/QĐ-TTg ngày 13-2-2019; (iii) Kế hoạch quốc gia phòng-chống dịch tả heo châu Phi, giai đoạn 2020-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 7-7-2020; (iv) Chương trình quốc gia phòng-chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22-10-2020; (v) Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22-3-2021; (vi) Kế hoạch quốc gia phòng-chống một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật thủy sản, giai đoạn 2021-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24-3-2021; (vii) Kế hoạch quốc gia phòng-chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1814/QĐ-TTg ngày 28-10-2021. Các chương trình, kế hoạch quốc gia và đề án nêu trên đã bao gồm các giải pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật và chỉ đạo điều hành phòng-chống dịch bệnh động vật đến năm 2025 và 2030.
Ngày 25-11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng-chống dịch tả heo châu Phi.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có ý kiến với UBND và các cấp có thẩm quyền của tỉnh Gia Lai xây dựng kế hoạch chi tiết và bố trí nguồn lực của địa phương theo phân cấp để tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia, đề án và chỉ thị nêu trên, đặc biệt để bảo đảm cho công tác phòng-chống dịch bệnh động vật.
3. Trong tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế là người nông dân, việc sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, giá cả nông sản không ổn định; được mùa mất giá, được giá mất mùa; việc giao thương, kết nối tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn; tiếp đến là giá cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có xu hướng tăng giá, điều này dẫn đến việc “đầu vào tăng mà không có đầu ra ảnh hưởng đến việc người nông dân phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Đề nghị khẩn trương nghiên cứu đưa ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phục hồi, phát triển kinh tế và ổn định đời sống trong thời gian tới.
• Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp và chủ động triển khai các giải pháp duy trì và thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đảm bảo yêu cầu vừa tăng cường sản xuất, lưu thông nông sản vừa đảm bảo an toàn phòng-chống dịch. Cụ thể:
Chỉ đạo các địa phương xây dựng và thực hiện các phương án tổ chức sản xuất nông nghiệp trong điều kiện Covid-19, đảm bảo lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu về phòng-chống dịch Covid-19.
Thành lập 2 Tổ công tác đặc biệt phía Nam và phía Bắc để chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Các Tổ công tác của Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp trong việc tiêu thụ và ổn định giá cả nông sản. Đến nay, Bộ vẫn tiếp tục tổ chức các Diễn đàn kết nối tiêu thụ cho hơn 1.400 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm khu vực phía Nam và các địa phương phía Bắc.
Tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21-9-2021 về thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng-chống dịch Covid-19.
Bước sang giai đoạn bình thường mới, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục cụ thể hóa các giải pháp, nhiệm vụ và ban hành Kế hoạch số 3968/QĐ-BNN-KH ngày 8-10-2021 về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng-chống dịch Covid-19 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21-9-2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng-chống dịch Covid-19. Cụ thể:
Đối với sản xuất nông nghiệp: Hướng dẫn địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông-lâm-thủy sản, mùa vụ phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19, nhằm bảo đảm vừa phòng-chống dịch, thiên tai hiệu quả, vừa cung ứng đủ lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.
Để giảm thiểu rủi ro về giá, ổn định cung cầu hàng hóa nông sản trên thị trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ động theo dõi sát tình hình và cung cấp thông tin định kỳ/đột xuất cho Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, Tổ Điều hành thị trường trong nước để thông tin, dự báo và khuyến cáo về sản xuất và thị trường các mặt hàng nông sản, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, cập nhật các khuyến nghị của thị trường nhập khẩu để các doanh nghiệp trong nước chủ động nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm đạt chuẩn theo đúng quy định của thị trường các nước.
Chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức triển khai, giám sát, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm: sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP.
Đối với vật tư nông nghiệp: Chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất: chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; chỉ đạo các cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu (về nguồn hàng, ưu tiên về giá, chất lượng, vận chuyển, lưu thông) nhằm đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân yên tâm tái đàn, phục hồi sản xuất.
Chủ trì, phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.
Về kết nối tiêu thụ nông sản: Giám sát chặt chẽ nguồn cung, giá bán nông sản, minh bạch thông tin thị trường. Trong thời gian tới, triển khai “Hệ thống cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản” trên phạm vi các địa phương, Hiệp hội trong cả nước để làm công cụ theo dõi sản lượng cung cầu nông sản, qua đó đưa ra các kịch bản tiêu thụ, giải pháp cần thiết để điều tiết cung cầu đối với từng nhóm hàng và từng khu vực trong mọi tình huống khác nhau.
Tăng cường hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, khai thác tối đa các kênh thương mại điện tử, hạn chế khâu trung gian: Phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương tăng cường tổ chức kết nối, giới thiệu doanh nghiệp liên kết hợp đồng tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản, đặc biệt là các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, có sản lượng lớn, thu hoạch tập trung. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản các địa phương tham gia các hoạt động trực tuyến (hội chợ, tuần lễ quảng bá, kết nối cung cầu và tiêu thụ sản phẩm). Phối hợp các chuỗi phân phối trong nước, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh quảng bá trực tuyến tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương trong điều kiện dịch Covid-19.
Tích cực tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản xuất khẩu: Tập trung vào các hoạt động tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản vào các thị trường lớn và tiềm năng, như: Trung Quốc (sầu riêng, thạch đen, tổ yến, khoai lang tím, chanh dây, bơ, bưởi, na, roi, dừa), Hoa Kỳ (quả bưởi tươi), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh dây), Hàn Quốc (tôm, thanh long ruột đỏ, bưởi, vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh dây, na, vú sữa), úc (tôm tươi, nhãn, chanh dây), New-Zealand (chanh ta, chanh dây, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu, mít)...
Bên cạnh các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh chủ động, tích cực triển khai các cơ chế, chính sách của Chính phủ; có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản chủ lực của tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp; tổ chức sản xuất, chế biến theo tín hiệu và nhu cầu thị trường. Ưu tiên xây dựng các mô hình thí điểm liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, kinh doanh sản phẩm đối với các sản phẩm nông sản chủ lực; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tổ chức kết nối nông dân sản xuất với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu; chủ động tăng cường tiêu thụ nội địa.
GLO