(GLO)- Từ giữa tháng 8, nhiều vườn cà phê đã lác đác quả chín. Đến nay, không ít vườn cà phê đã chín gần phân nửa. Trong điều kiện mưa nắng đan xen như hiện nay, thời tiết không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mùa vụ mà giá cả cà phê xuống thấp cũng là vấn đề làm đau đầu nhà nông…
Cà phê chín sớm gần 1 tháng
Mới giữa tháng 9, vườn cà phê nhà bà Nguyễn Thị Lan (ở thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) nhiều cây đã chín đỏ ối. Thời điểm này, mọi năm trời vẫn còn mưa. Những người trồng cà phê đang tiến hành làm cỏ, bón phân đợt cuối để trái cà phê có thêm nguồn dưỡng chất để hạt cà phê to, chắc nhất có thể trước khi bước vào giai đoạn cho thu hoạch. “Vườn nhà tôi có 1.500 cây cà phê. Hơn một nửa số đó cho thu hoạch được hơn chục năm, phần còn lại mới cho thu 2 năm nay. Mới đầu tháng 8, nhiều cây cà phê trong vườn đã lác đác quả chín. Đến giữa tháng 8 nhà tôi đã tranh thủ đi hái tỉa quả chín trong vườn được cả tạ quả tươi. Đến giờ thì chín nhiều lắm rồi”-bà Lan cho biết.
Người trồng cà phê đang phải đối mặt với nguy cơ thất thu do mất mùa, mất giá. Ảnh: Lê Hòa |
Theo bà Lan, nguyên nhân cà phê chín sớm là do vào thời điểm sau vụ thu hoạch năm trước có vài cơn mưa trái mùa đến sớm khiến cà phê đồng loạt trổ bông. Cà phê trổ bông sớm, mùa tưới gặp khô hạn dẫn đến thiếu nước tưới, mùa mưa thì lượng mưa lại quá ít, trời nắng kéo dài ngay giữa thời điểm mùa mưa khiến trái cà phê nhanh chín. “Mưa ít đến nỗi, nhiều nhà chưa bón đủ lượt phân cho cà phê mà đã chuẩn bị thu. Ít phân trái cà phê sẽ không đạt được năng suất, chất lượng cao nhất. Trời ít mưa khiến nhân quả cà phê nhỏ. Tôi cắn thử trái cà phê khô thấy nhân nhỏ lắm. Cà phê như vậy năng suất sẽ không thể cao được”-bà Lan nói. Theo lời bà, hầu hết các nhà vườn trồng cà phê quanh khu vực này đều gặp tình cảnh tương tự.
Đến thời điểm này, hộ ông Bùi Văn Bẩy (thôn Ia Lâm, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) cũng đã hái được vài tạ quả tươi vì cà phê chín sớm. Sở hữu vườn cà phê rộng 1,5 ha, vì kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào đây nên vợ chồng ông đầu tư, chăm sóc rất kỹ lưỡng nên khá tươi tốt, năng suất cao. “Mọi năm phải cuối tháng 9, đầu tháng 10 cà phê mới bắt đầu chín. Năm nay cà phê nhìn chung chín trước so với trung bình mọi năm chừng 1 tháng. Khổ nhất là trời cứ mưa rồi nắng gắt, cà phê nhanh chín hơn và trái chín cứ bị nứt toác, rụng xuống đất”-ông Bẩy chia sẻ. Đáng buồn hơn, trong số cà phê ông đã thu hoạch được, khi cắn thử trái khô để kiểm tra thì ông nhận thấy nhân cà phê rất nhỏ. Nhiều trái chỉ có được một nhân, nhân còn lại bị lép…
Nguy cơ thất thu
Là người nhiều năm gắn bó với việc trồng cà phê, đồng quan điểm với bà Lan, ông Bẩy cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng chín sớm và quả cà phê nhỏ là do thời tiết. Tình hình này nếu tính kỹ thì người trồng cà phê năm nay không lời lãi là bao. Theo dự tính của ông, nếu như các năm trước, 1 ha cà phê sẽ cho thu hoạch 5-6 tấn nhân thì năm nay, dự kiến chỉ thu được chừng 4 tấn. Vốn đầu tư trung bình mỗi ha/vụ sẽ vào khoảng 40-50 triệu đồng chưa kể tiền công. Cũng theo ông Bẩy, thời điểm chớm vào đầu mùa thu hoạch niên vụ trước, giá cà phê tươi đạt 7.000-8.000 đồng/kg, sau đó tăng dần thì năm nay, đầu vụ nhưng thương lái chỉ thu mua với giá dao động quanh mức 4.000-4.500 đồng/kg cà phê tươi. Chưa kể, do thị trường giá cả cà phê thu mua thời gian qua diễn biến khó lường nên nhiều thương lái còn mua khá e dè.
Gia Lai hiện có khoảng 79.770 ha cà phê, trong đó có 76.522 ha cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh. Thời tiết diễn biến phức tạp, lượng mưa ít là nguyên nhân chính khiến cho các vườn cà phê đối mặt với nguy cơ giảm năng suất. Bên cạnh đó, chính tình hình thời tiết mưa-nắng gay gắt đan xen đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh gây hại như: nấm hồng, rệp sáp gây rụng quả… phát sinh và phát triển. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên thì năm nay lượng mưa ở Gia Lai mới chỉ đạt 60-70% so với cùng thời điểm các năm trước.
Để giảm thiểu thiệt hại, ông Mai Minh Tuấn-Trưởng phòng Kỹ thuật-Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai, khuyến cáo: Trong điều kiện hiện nay, nông dân nên chọn thời điểm để hoàn tất bón phân đợt 4, thậm chí có thể tưới cho cà phê để tăng trọng lượng những trái chưa chín và kéo dài thời gian tích lũy chất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. “Nguyên tắc là khi có nhiều phân đạm, sẽ kéo dài chu kỳ chín hơn. Một số nơi bà con chịu khó cuốc đất, rải phân, thậm chí thấy nắng, tưới nhẹ lên một chút cho phân tan ra thì chất lượng cây nói chung vẫn tốt. Thấy quả chín mà bà con ngừng bón phân, chờ cho cả vườn chín đều thì không nên bởi trong vườn vẫn còn phần quả xanh, quả non. Nếu chúng ta dừng chăm sóc thì vô hình trung sẽ làm giảm tiếp năng suất, chất lượng phần quả xanh này”.
Hải Lê