Cả khu phố "đại gia" bị chủ đầu tư thế chấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng trăm hộ dân ở khu phố toàn nhà cao cấp, biệt thự đơn lập, song lập thuộc Khu dân cư Sông Đà (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) đang “khản tiếng” kêu cứu, do sổ đỏ của họ bị chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng.
 
Khu phố “đại gia” vẫn chưa có sổ đỏ, dù đã an cư hơn chục năm.
Sống bất an trên tài sản tiền tỷ
Hàng trăm hộ dân tại Dự án Khu dân cư Sông Đà đang chuẩn bị thuê luật sư khởi kiện chủ đầu tư, bởi dường như họ đã cạn niềm tin sau cả chục năm kêu khắp nơi về nỗi thống khổ của mình.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Minh Quý, đại diện những hộ dân nói trên cho biết, tháng 6/2001, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã phê duyệt Dự án Khu dân cư Sông Đà với hơn 410 nền đất, gồm 278 lô nhà phố liên kế, 132 biệt thự song lập và 14 căn biệt thự đơn lập.
Từ năm 2002, hàng trăm hộ dân đã mua nền đất dự án này bằng các hợp đồng chuyển nhượng góp vốn với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải (Công ty Đại Hải). Theo đó, ngay khi ký, chủ đầu tư thu 90% số tiền. Năm 2006, Công ty Đại Hải thu nốt 10% còn lại của hợp đồng và cam kết giao sổ đỏ từng nền cho người dân.
Tuy nhiên, ngay sau khi được cơ quan chức năng TP.HCM cấp sổ đỏ, chủ đầu tư đã đem đi thế chấp tại một loạt ngân hàng. Tới giờ, đã hơn chục năm trôi qua kể từ khi đóng đủ tiền và bỏ tiếp tiền tỷ để xây dựng, nhưng hơn 170 hộ dân của khu dân cư “đại gia” này vẫn chưa được giao sổ đỏ.
“Nhiều hộ không được nhập hộ khẩu, nên con cháu họ không được theo học tại trường nơi đang ở. Muốn vay vốn ngân hàng cũng không được chấp nhận vì lý do đất nhà không sổ…”, ông Đặng Minh Quý bức xúc.
Chủ đầu tư hứa suông
Theo UBND quận Thủ Đức, trước bức xúc của dân, năm 2018, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận đã làm việc với Công ty Đại Hải. Thông tin sau buổi làm việc này là, trong 419 nền dự án, Công ty Đại Hải mới hoàn tất thủ tục cấp sổ đỏ cho khoảng 200 lô đất. Số còn lại, chủ đầu tư đã đem sổ đỏ của hàng loạt lô đất (ký hiệu P, E, J, H, M, N…) thế chấp tại nhiều ngân hàng.
UBND quận cho biết, tại buổi làm việc trên, trước yêu cầu của chính quyền, Công ty Đại Hải hứa trong năm 2019 sẽ hoàn tất cấp sổ đỏ cho các lô còn lại.
Đáng nói, không phải chỉ năm 2018, mà từ năm 2016, chính quyền quận Thủ Đức đã làm việc với Công ty Đại Hải về vấn đề cấp sổ đỏ cho dân.
Sang năm 2017, UBND quận Thủ Đức tiếp tục làm việc với chủ đầu tư và Công ty Đại Hải báo cáo rằng, tới thời điểm đó, họ mới tách cấp được gần 200 sổ đỏ, còn lại đang cầm ngân hàng và… lại hứa.
Giữa năm 2017, ông Đặng Minh Quý đã đại diện các hộ dân phản ánh trực tiếp vấn đề này với lãnh đạo HĐND TP.HCM và các cơ quan, ban, ngành liên quan. Khi đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Thành phố (hiện đã nghỉ hưu), đã yêu cầu các sở, ngành vào cuộc giải quyết rốt ráo việc cấp sổ đỏ cho người dân.
Tuy nhiên, sang năm 2019, tất cả vẫn chỉ là… lời hứa. Người dân đã lên văn phòng của Công ty Đại Hải đòi sổ, nhưng Công ty chỉ để lại vài người… không có trách nhiệm giải quyết.
Cần phải làm rõ nguyên nhân?
Đến giữa năm 2019 vẫn không thấy chủ đầu tư giao sổ đỏ, người dân khu phố “đại gia” Sông Đà đã bức xúc kêu cứu ngay tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và Tổ đại biểu số 26, HĐND TP.HCM. Buổi tiếp xúc có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Trước bức xúc của cư dân Sông Đà, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nhiều nơi khác trên địa bàn TP.HCM cũng chưa có sổ đỏ, vì vậy, ông yêu cầu UBND TP.HCM thống kê, lập danh sách tất cả những dự án khu dân cư, hộ dân chưa được cấp quyền sử dụng đất. Sau đó, UBND TP.HCM phải làm việc với chính quyền từng quận để làm rõ nguyên nhân và trên cơ sở đó có giải pháp xử lý. Việc thống kê đề xuất hướng xử lý phải báo cáo Thành ủy ngay trong quý III/2019.
Diễn biến mới nhất sau chỉ đạo trên, mới đây, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Thủ Đức thụ lý hồ sơ và đang trình Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM xem xét về việc cấp sổ đỏ cho một số lô đất ở Khu dân cư Sông Đà, chứ không phải tất cả.
Trước tình thế đó, các “đại gia” khốn khổ cho hay, họ đang thuê luật sư để khởi kiện chủ đầu tư ra tòa để đòi quyền lợi của mình.
Bất động sản (Ngô Nguyên/baodautu.vn)

Có thể bạn quan tâm

Kẹt xe kéo dài gần 20 km tại đèo An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Kẹt xe kéo dài gần 20km trên quốc lộ 19 tại đèo An Khê

(GLO)- Ngày 12-12, tại đèo An Khê nối tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, hàng trăm chiếc ô tô con, xe khách, xe tải, container bị mắc kẹt kéo dài gần 20 km nhiều giờ liền. Nguyên nhân giữa đèo có hố nước sâu khiến các phương tiện không thể lưu thông qua lại.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.