Buôn Ma Thuột và những khu rừng trong lòng phố

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một lần đến Buôn Ma Thuột chắc hẳn mọi người sẽ bị thu hút bởi cảnh quan kỳ thú của những khu rừng nguyên sinh nằm giữa lòng phố núi. Rừng trong phố không những giúp điều hòa môi trường sinh thái mà nó còn giúp Buôn Ma Thuột giữ nguyên những giá trị văn hóa, đậm đà bản sắc bản địa.
 
Tạ ơn rừng
Buôn Ma Thuột - nơi được xem là thủ phủ vùng Tây Nguyên, từ lâu đã hội tụ đầy đủ những yếu tố hiện đại nhưng vẫn giữ gìn những giá trị truyền thống trong sự phát triển hiện có.
Ít có vùng đất nào như Buôn Ma Thuột mà trong lòng phố lại có những tán rừng nằm xen kẽ trung tâm hành chính, bảo tàng và dọc nhiều tuyến phố lớn. Người dân Buôn Ma Thuột tự hào vì những tán rừng quý hiếm này bao đời gìn giữ văn hóa, che chở nhiều thế hệ người Ê Đê sinh ra và trưởng thành.

Ít có vùng đất nào như Buôn Ma Thuột mà trong lòng phố lại có những tán rừng nằm xen kẽ trung tâm.
Ít có vùng đất nào như Buôn Ma Thuột mà trong lòng phố lại có những tán rừng nằm xen kẽ trung tâm.
Trong một lần trò chuyện, anh Ama Jeny (47 tuổi) người con ở Buôn Ako Dhong tự hào nói với chúng tôi rằng, Buôn Ako Dhong dù nằm ngay ở lòng phố, nhưng vẫn bảo tồn được một khu rừng nguyên sinh rộng 3ha với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Nơi đây vừa qua cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk lựa chọn làm điểm du lịch cộng đồng có quy mô nhất trên địa bàn Đắk Lắk.
Không phải ngẫu nhiên mà buôn làng của người Ê Đê được lựa chọn Buôn Ako Dhong là khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu ở Buôn Ma Thuột. Theo lời anh Ama Jeny, khu vực buôn làng có một cánh rừng bạt ngàn che chở người dân qua nhiều thế hệ.
Và trong suốt ngàn hàng năm qua, người Ê Đê vẫn giữ nét văn hóa ở nhà dài, duy trì chế độ mẫu hệ và đặc biệt là những hương ước bất thành văn bảo vệ rừng chặt chẽ.
Hương ước của người Ê Đê được truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Ấy thế nó len lỏi vào sâu trong từng bếp lửa của người người đồng bào bản địa.
Như chuyện dựng nhà dài của người Ê Đê, họ vào rừng và chỉ được tận dụng những thân gỗ cổ thụ bị ngã do mưa bão. Và ngay cạnh gốc cây cổ thụ ấy, người Ê Đê buộc phải trồng lại một cây con để tạ ơn rừng.
Cứ như thế, người đồng bào Ê Đê ở Buôn Ma Thuột hàng đời qua vẫn sống chan hòa với thiên nhiên và đổi lại, thiên nhiên lại ưu ái cho vùng đất này một xanh tươi tốt.
Câu chuyện của anh Ama Jeny quả thật lại thật khác với thế giới bên ngoài. Trong đời sống hiện tại, con người ta buộc phải sống và làm việc dựa theo các quy định, tiêu chuẩn mà xã hội lập ra.
Những quy định này do những người đại diện cho một tổ chức chính trị, một quốc gia ban hành nhưng cũng chính họ, có thể phá vỡ chỉ vì những lợi ích của một bộ phận con người.
Đó là những cuộc bạo loạn lật đổ chính phủ, những đất nước vì nghèo đói mà bán đi nguồn tài nguyên quốc gia như dầu mỏ, vàng bạc, đá quý và cả những cánh rừng bạt ngàn…
Phát huy văn hóa ngàn đời
Có một điều rất thật mà ai cũng thừa nhận là những người miền xuôi khi đến làm việc, sinh sống lâu dài ở Đắk Lắk đều ít nhiều học hỏi, thích nghi và phát huy văn hóa của người bản địa để làm cho vùng đất ấy thêm trù phú.
Và trong lịch sử vùng đất Buôn Ma Thuột đã có rất nhiều người sống và góp phần làm giàu thêm vẻ đẹp của với mảnh đất nắng gió này.
Đó là hình ảnh của ông Đàng Năng Long (SN 1962, trú thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) được những người yêu voi ở Đắk Lắk biết đến không chỉ sở hữu số lượng voi nhà nhiều nhất nước mà còn là một người yêu voi, hiểu biết về voi và luôn nỗ lực trong việc bảo tồn, phát triển đàn voi nhà.
Hay cả những câu chuyện về những chuyên gia nông nghiệp phía Bắc, một đời sống và bảo vệ những cánh rừng cổ thụ giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột…

Buôn Ma Thuột luôn níu chân du khách bởi một nền văn hóa đặc sắc cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Buôn Ma Thuột luôn níu chân du khách bởi một nền văn hóa đặc sắc cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi.

 
Ít ai biết, việc bảo vệ rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học ở khu rừng thực nghiệm giữa trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột chính nhờ vai trò quản lý của những cán bộ đời đầu tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên từ những ngày giải phóng cho đến nay.
TS.Trần Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên – đã gắn một đời với ngành nông lâm nghiệp Tây Nguyên – kể, khu vực rừng thực nghiệm nói trên từng được chế độ cũ lựa chọn làm khu vực trồng những loại cây gỗ quý. Sau này giải phóng, Viện tiếp tục nghiên cứu và phát huy giá trị của rừng cây quý giá này.
Nhờ những tâm huyết của những người đi trước thế nên, nhiều năm nay, từ sân bay Buôn Ma Thuột vào TP. Buôn Ma Thuột, chúng ta dễ dàng rừng phòng hộ bảo vệ môi trường xã Hòa Thắng với những cây cổ thụ như gỗ hương, cây dầu, sao đen, xà cừ cao chót vót.
Trong quá trình quản lý cánh rừng quý hiếm này, TS. Trần Vinh phát hiện, bên cạnh việc bảo tồn nhiều nguồn gen thực vật quý hiếm, những tán rừng này chính là bảo vệ lá phổi xanh bảo vệ của TP. Buôn Ma Thuột.
Mặc dù rất đỗi tự hào vì Buôn Ma Thuột giữ trong mình thương hiệu “rừng trong phố” thế nhưng, hiện nay rừng đang bị thu hẹp trước sức ép của đô thị hóa. Theo TS. Trần Vinh, trong rất nhiều giải pháp bảo vệ rừng chỉ có giải pháp tạo công ăn việc làm cho người dân thông qua cách làm du lịch.
Làm được điều này, không những giữ được rừng, giữ được nét văn hóa bản địa mà còn mang lại thu nhập cho người dân bền vững. Như ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, TS. Trần Vinh và những người đồng nghiệp đã và đang khảo sát, phối hợp với một số đơn vị du lịch đưa ra sản phẩm du lịch lịch canh nông - du lịch trải nghiệm.
Hay như Vuờn Quốc gia Yok Đôn đã thực hiện hiệu quả loại hình du lịch để du khách vào rừng, trải nghiệm một ngày khám phá việc sinh hoạt của các loài voi, khám phá sự đa dạng sinh học bên trong vườn quốc gia.
TS. Trần Vinh bảo, nếu như với du lịch canh nông, du khách đến với Buôn Ma Thuột có cơ hội vừa trải nghiệm thiên nhiên và còn khám phá sự đa dạng sinh học thì với cách du lịch trải nghiệm, Vườn Quốc gia Yok Đôn sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa qua đó, giúp bảo vệ rừng, bảo vệ những đàn voi còn lại trong rừng.
Theo Hữu Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.